Chân dung người Czech trong thời kỳ hậu chấn thương

'Bác Hana' là một tác phẩm tiêu biểu khắc họa chân dung người Czech thời kỳ hậu chấn thương từ chiến tranh đến dịch bệnh.

 Chân dung nhà văn Alena Mornstajnova. Ảnh: Denik.

Chân dung nhà văn Alena Mornstajnova. Ảnh: Denik.

Bác Hana là tiểu thuyết xuất sắc làm nên tên tuổi của nữ nhà văn Czech Alena Mornstajnova. Cuốn tiểu thuyết đã được trao tặng Giải thưởng sách Quốc gia Czech năm 2018, đã được chuyển ngữ sang hơn 18 thứ tiếng khác nhau. Đây là một tác phẩm nằm trong trào lưu chung của văn chương Czech thế kỉ 21: soi chiếu lịch sử bằng những cái nhìn đa chiều và sâu hơn.

Tác phẩm Bác Hana đã ra đời như như nào?

Cuối thế kỷ 20, trong bối cảnh một nước Tiệp Khắc xã hội chủ nghĩa tan rã và một nước Czech độc lập ra đời với những sự thay đổi về thể chế, văn chương Czech dường như cũng chuyển mình để thích nghi với thời đại.

Sau biến cố đó, ở Czech, người ta chủ yếu in lại nhiều tác phẩm mang cảm hứng phê phán. Văn chương Czech những năm cuối thể kỉ 20 diễn ra trong một không khí có phần bồng bột của một sự đảo chiều như vậy.

Sang đầu thế kỉ 21, người Czech bắt đầu có một cái nhìn khác, bình tâm, sâu sắc và đa chiều hơn về quá khứ. Các nhà văn tại Czech đã viết và nhìn nhận xã hội theo một cách khác về cả những giai đoạn như thời thế chiến thứ hai, khi Czech bị chiếm đóng.

 Tác phẩm Bác Hana đã được dịch sang tiếng Việt từ cuối năm 2023. Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam.

Tác phẩm Bác Hana đã được dịch sang tiếng Việt từ cuối năm 2023. Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam.

Điểm nổi bật của các tác phẩm văn học Czech giai đoạn này là các tác giả hiện đại đi sâu vào tâm lý con người, những vết thương tinh thần và sự chuyển hóa xã hội sau các cuộc xung đột. Thay vì chỉ khắc họa cảnh tượng chiến tranh qua bom đạn và chết chóc, lớp nhà văn Czech hiện đại đã chọn những góc nhìn tinh tế và đa chiều hơn về sự đau khổ, mất mát và hy vọng trong bối cảnh chiến tranh.

Một trong những yếu tố nổi bật là việc văn học Czech thế kỷ 21 không né tránh những câu hỏi khó về trách nhiệm cá nhân và tập thể trong các cuộc xung đột. Các tác phẩm thường lồng ghép những phân tích về mối quan hệ giữa chính trị, quyền lực và nhân tính.

Bên cạnh đó, văn học Czech còn nổi bật với khả năng kết hợp giữa hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh và tính biểu tượng trong căn phong. Nhờ đó, người đọc có thể cảm nhận không chỉ những gì đã xảy ra, mà còn những tâm tư sâu thẳm, những tổn thương và khát khao vươn lên khỏi bóng tối chiến tranh. Đây chính là điểm sáng, giúp văn học Czech thế kỷ 21 trở thành tiếng nói mạnh mẽ về sự đấu tranh giữa con người và những hậu quả do chiến tranh gây ra, đồng thời mở ra những hy vọng mới về tương lai và sự hòa hợp xã hội.

Không nằm ngoài xu thế đó, tác phẩm Bác Hana có thể được coi là một tác phẩm tiêu biểu với các đặc điểm trên.

Thông điệp về tình người trong Bác Hana

Cuốn tiểu thuyết Bác Hana kể lại một câu chuyện xúc động giữa hai bà cháu. Bác Hana là nạn nhân của trại tập trung Đức Quốc xã, sống sót nhưng mang theo những chần thương tâm lý kinh hoàng để rồi trở thành một người lập dị, không thể hoa nhập xã hội. Còn Mira là một người duy nhất sống sốt duy nhất trong một gia đình mà tất cả các thành viên đều chết vì dịch thương hàn.

Hai con người này đều là những kẻ sống sốt sau thảm họa, bị mất đi những người thân thiết. Bất đắc dĩ, họ trở thành chốn nương tựa cuối cùng của nhau để vượt qua sự suy sụp đến mức có thể tìm đến cái chết.

Theo nhà văn Alena Mornstajnova, ban đầu bà chỉ định viết về dịch bệnh thương hàn tại quê hương của bà - một thị trấn gợi cảm hứng cho bối cảnh của Bác Hana. Nhưng khi đào sâu hơn và lịch sử nơi này, nhà văn Alena Mornstajnova lại nhận ra nơi đây từng có một nạn diệt chủng từ Thế chiến thứ hai. Cộng đồng người Do Thái ở đó không ai còn nhắc đến chuyện này nữa nhưng sử sách đã ghi chép lại.

 Thị trấn Valasske Mezirici là nơi được nhà văn Alena Mornstajnova lấy làm bối cảnh trong Bác Hana. Ảnh: Kudyznudy.

Thị trấn Valasske Mezirici là nơi được nhà văn Alena Mornstajnova lấy làm bối cảnh trong Bác Hana. Ảnh: Kudyznudy.

“Các nhân vật trong Bác Hana đều được tôi lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật. Nhiều công trình, dữ liệu lịch sử đã bị phá hủy và quên lãng nên tôi muốn lưu giữ chúng trong tác phẩm của mình. Đây là cách để mọi người nhìn nhận khác về lịch sử”, tác giả Alena Mornstajnova cho biết.

Bác Hana được viết bằng một cấu trúc dung dị nhưng đủ phức tạp để tạo nên tính hấp dẫn cho tác phẩm. Tiểu thuyết được cấu trúc với ba phần với độ chênh về thời gian sự kiện: bắt đầu bằng nỗi đau của đứa cháu trong nạn dịch thương hàn, tiếp nối bằng một cuộc trở về quá khứ của người bác trong thế chiến và tiếp nối với cuộc đời của hai con người sau thảm họa.

Tác phẩm ẩn chứa triết lí rằng bằng sự thấu hiểu và nâng đỡ người khác, con người sẽ vượt qua nỗi đau của chính mình. Không chỉ là một tiểu thuyết hậu chấn thương với những phân tích tinh tế và cùng kiệt hội chứng hậu thảm họa của những người sống sốt, Bác Hana còn mang một cái nhìn tỉnh táo, nghiêm khắc về con người trong thảm họa.

Thiên tai và nhân tai, cả hai đều là những hoàn cảnh đặc biệt để làm bộc lộ mọi khía cạnh của tính người, lòng nhân ái và sự ích kỷ. Với cả hai thảm họa, nhà văn đều giữ một cái nhìn đa chiều, soi sáng cả khía cạnh cao cả lẫn sự thấp hèn của con người.

Tác phẩm Bác Hana có thể mang đến cho người đọc cũng như người cầm bút ở Việt Nam ví dụ sống động về một cách khác để nhìn quá khứ, vượt khỏi những nhị phân giản lược tốt - xấu. Cuốn sách đã được đề cử tại Giải thưởng Sách Quốc gia 2024.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/chan-dung-nguoi-czech-trong-thoi-ky-hau-chan-thuong-post1507525.html
Zalo