Chân dung người có thể trở thành tân Thủ tướng Đức
Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội sớm ở Đức hôm 23/2 cho thấy Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) đối lập của ông Friedrich Merz đã giành chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ là 28,6%.
Chiến thắng này đã trao cho ông Friedrich Merz cơ hội trở thành Thủ tướng tiếp theo của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Ông Friedrich Merz là ai?
Ông Friedrich Merz, 69 tuổi, là một luật sư ở thị trấn Brilon thuộc vùng Westphalia và là một gương mặt quen thuộc trong Đảng dân chủ cơ đốc giáo (CDU). Ông Merz kinh qua các chức vụ trong hàng ngũ lãnh đạo CDU và từng dẫn dắt nhóm nghị sĩ của đảng này trong Quốc hội cho đến năm 2002.
Ông Friedrich Merz từng là đối thủ của bà Angela Merkel và đã thất bại trước nữ cựu Thủ tướng Đức trong một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ đảng. Trong suốt nhiệm kỳ dài của bà Merkel trên cương vị thủ tướng, ông Merz hoàn toàn rời khỏi chính trường, chuyển sang lĩnh vực tài chính và luật doanh nghiệp.
Ông Merz tái xuất chính trường vào năm 2022 sau một thời gian vắng bóng. Sau khi bà Merkel kết thúc 16 năm cầm quyền vào năm 2021, ông Merz được bầu làm Chủ tịch CDU và dẫn dắt đảng này với tư cách là ứng cử viên trong cuộc tổng tuyển cử liên bang năm 2025. Ông Merz có quan điểm cứng rắn về chính sách nhập cư, ủng hộ châu Âu độc lập khỏi Mỹ.

Ông Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh CDU/CSU. (Ảnh: Reuters)
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Merz đã hứa sẽ kiểm soát biên giới lâu dài và áp dụng các quy định tị nạn nhanh hơn để hạn chế nhập cư, cắt giảm thuế và cắt giảm 50 tỷ euro (tương đương khoảng 52 tỷ USD) chi tiêu phúc lợi nhằm mục đích khởi động lại nền kinh tế đang trì trệ của Đức. Ông cũng cam kết tăng cường vai trò lãnh đạo của Đức ở châu Âu và tuân thủ yêu cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng.
Thách thức thành lập chính phủ liên minh
Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Friedrich Merz khẳng định: "Thế giới không chờ đợi chúng ta, cũng không chờ đợi các cuộc đàm phán liên minh kéo dài". Ông nhấn mạnh Đức cần phải nhanh chóng sẵn sàng hành động trở lại, và đã bắt tay ngay vào việc tiến hành các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề dễ dàng và các nhà phân tích đang đưa ra một số kịch bản cho kết quả đàm phán. Kịch bản hoàn hảo nhất sẽ là một liên minh bao gồm liên đảng Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Như vậy, tân chính phủ Đức sẽ giảm được nhiều bất đồng nội bộ và có khả năng phản ứng nhanh hơn trước những vấn đề chính trị, kinh tế đang và sắp xảy ra. Nếu kịch bản này xảy ra, dựa trên những kết quả bầu cử sơ bộ, nhiều khả năng ông Friedrich Merz sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của nước Đức.

Ông Friedrich Merz sẽ đối mặt với nhiếu thách thức trong quá trình đàm phán thành lập chính phủ liên minh. (Ảnh: Reuters)
Đến thời điểm hiện tại, các chính trị gia Đức đang lo ngại liên minh CDU/CSU không đủ sức để kìm hãm sự ảnh hưởng của phe cực hữu. Tuy nhiên, vì các đảng chính thống đã tuyên bố sẽ không hợp tác với đảng cực hữu Sự lựa chọn của nước Đức (AfD), nên cơ hội đảng này giành được một ghế trong chính phủ liên minh là không có.
Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Merz sẽ cần một hay hai đối tác để đảm bảo thế đa số. Quá trình đàm phán có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng, đồng nghĩa với việc Berlin sẽ tiếp tục rơi vào trạng thái bế tắc chính trị. Trong giai đoạn đó, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz sẽ tạm thời vẫn giữ vị trí lãnh đạo.
Quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Trump
Ông Merz là một người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương. Ông nói tiếng Anh lưu loát và đã dành nhiều thời gian ở Mỹ, do đó có rất nhiều bạn bè và nhiều mối quan hệ chính trị ở Washington. Nhưng đồng thời, ông cũng là một nhà lãnh đạo có ý tưởng về châu Âu và Liên minh châu Âu mạnh mẽ.
Trong bối cảnh sự đoàn kết của EU đang bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thách thức, ông Merz đã quyết định lựa chọn các giá trị của châu Âu và cả các giá trị về cách tiếp cận đối với Ukraine. Ông phản đối bài phát biểu gần đây của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Hội nghị an ninh Munich. Nếu trở thành lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cách Friedrich Merz xử lý cuộc khủng hoảng sẽ rất quan trọng đối với cách lục địa này đứng vững trước một trật tự thế giới mới đang hình thành dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tự giới thiệu mình là một doanh nhân quyết đoán ngay từ đầu chiến dịch tranh cử, người được trang bị tốt để thực hiện các thỏa thuận trực tiếp với Tổng thống Donald Trump, cựu doanh nhân Merz đã buộc phải thay đổi lập trường của mình chỉ trong vòng vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ tung chiến thuật “đảo ngược” về cuộc xung đột tại Ukraine.
Đức là quốc gia đông dân nhất trong Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia và là thành viên hàng đầu của NATO. Đức cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Ukraine, sau Mỹ. Do đó, Đức là một trong những quốc gia đóng vai trò trung tâm trong việc định hình phản ứng của lục địa này trước những thách thức trong những năm tới, bao gồm chính sách đối ngoại và thương mại đối đầu của chính quyền Trump. Đây là thách thức không nhỏ đối với chính quyền sắp tới của Berlin.