Chân dung âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Việt
Chương trình nghệ thuật Tình ca dâng cả bao người khắc họa chân dung âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Việt, diễn ra tối 23-9 tại Nhà hát Thành phố, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt tưởng nhớ nhạc sĩ Hoàng Việt nhân dịp 95 năm ngày sinh của ông do Ban Tuyên giáo Thành ủy , Sở Văn hóa –Thể thao và Hội Âm nhạc – Đài Truyền hình Thành phố phối hợp tổ chức, Trung tâm Ca nhạc nhẹ thành phố thực hiện.
Nhạc sĩ Hoàng Việt còn được biết đến với các bút danh khác là Lê Trực, Hoàng Việt Hận và Lê Quỳnh. Lê Chí Trực là tên khai sinh của nhạc sĩ Hoàng Việt. Ông sinh ngày 28-2-1928 tại Chợ Lớn và hi sinh ngày 31- 12- 1967 tại bờ kênh Ả Rặt, làng Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang khi mới 39 tuổi và để lại nhiều tác phẩm dở dang.
Lớn lên từ đô thành Sài Gòn, Lê Chí Trực sáng tác từ rất sớm, rồi theo tiếng gọi của non sông, đi kháng chiến, được tập kết ra Bắc, được Nhạc viện Việt Nam cử sang học tại Nhạc viện Bulgaria, tốt nghiệp loại ưu với bản giao hưởng "Quê hương".
Và "Quê hương"- bản giao hưởng đầu tiên của âm nhạc Việt Nam - được trình diễn ba buổi tại đất nước được mệnh danh là xứ sở của hoa hồng. Trở về nước, sau khi bản giao hưởng "Quê hương" được vang lên tại Nhà hát lớn Hà Nội, nhạc sĩ Hoàng Việt tình nguyện vượt Trường Sơn, trở về miền Nam đang còn trong khói lửa chiến tranh.
Và trong khói lửa chiến tranh, nhạc sĩ Hoàng Việt đã sống, sáng tác và chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.
Tác phẩm âm nhạc của Hoàng Việt đa dạng về nội dung, phong phú về tiết tấu, sâu lắng thiết tha về giai điệu, truyền tải được tinh thần chiến đấu kiên cường của dân tộc quyết giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, đồng thời cũng bộc lộ được tâm hồn thiết tha yêu đời, yêu người của dân tộc Việt Nam.
Tiếng còi trong sương đêm, Lá xanh, Lên ngàn, Mùa lúa chín, Nhạc rừng, Tình ca…v.v…là những ca khúc gắn bó với nhiều thế hệ, đã đồng hành cùng nhân dân, cùng đất nước trong suốt hành trình giữ nước và xây dựng đất nước và đã trở thành tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam.
Với những cống hiến lớn lao đó, năm 1985, một tên đường của TP HCM được đặt tên theo tên nhạc sĩ Hoàng Việt. Năm 1996, nhạc sĩ Hoàng Việt được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và năm 2011, nhạc sĩ Hoàng Việt được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Chương trình "Tình ca dâng cả bao người" là một bức tranh trọn vẹn về những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Hoàng Việt cho âm nhạc Việt Nam và cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc và phần nào hiểu thêm về cuộc đời tận hiến cho quê hương, cho đất nước của nhạc sĩ Hoàng Việt.
Tình ca Hoàng Việt đã quá đỗi quen thuộc với công chúng bởi ca từ, giai điệu đã từng vang lên trong suốt hành trình của cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc.
Hơn 60 năm, quãng thời gian rất dài, vậy mà ca từ đó, giai điệu đó, vẫn vang lên, say đắm…Hơn 60 năm…dòng chảy thời gian, dòng chảy lịch sử dân tộc tiếp tục trôi đi nhưng những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Việt vẫn còn neo lại trong ký ức và trong tim của nhiều thế hệ.
Cùng với thời gian, tác phẩm âm nhạc của Hoàng Việt càng tôn thêm lòng tự trọng, tự hào của mỗi chúng ta.
Đảm nhiệm vai trò dẫn chuyện, NSUT Hữu Quốc đã kể một câu chuyện và cách chương trình sử dụng những đoạn kịch nhỏ để mô phỏng lại chân dung nhạc sĩ Hoàng Việt giúp khán giả cảm nhận một cách sâu sắc và trọn vẹn về nhạc sĩ Hoàng Việt cùng những bản tình ca của ông.
Đó cũng là cái hay và khác biệt của chương trình này. Đây cũng là cách mà nhiều chương trình nên ứng dụng để một chương trình mang màu sắc truyền thống thêm phần uyển chuyển, nhẹ nhàng và sắc màu hơn.