Chấn chỉnh sự cố đèn tín hiệu giao thông

Việc hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở Hà Nội, TPHCM và một số địa phương liên tục xảy ra tình trạng báo lỗi, đèn tín hiệu chập chờn, khiến nhiều phương tiện tham gia giao thông bị ảnh hưởng, người dân lo ngại về tính chuẩn xác của công tác xử phạt, cũng như nguy cơ về mất an toàn giao thông.

Một trung tâm điều hành “mắt thần” quản lý giao thông để phát hiện kịp thời sự cố giao thông tại đường hầm vượt sông Sài Gòn.

Một trung tâm điều hành “mắt thần” quản lý giao thông để phát hiện kịp thời sự cố giao thông tại đường hầm vượt sông Sài Gòn.

Trong nhiều tuần gần đây, Sở Giao thông vận tải TPHCM ghi nhận, xảy ra một số sự cố như mất nguồn cung cấp điện, hư hỏng thiết bị tủ điều khiển, đèn... của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, gây nhiều khó khăn cho người tham gia giao thông. Hiện nay, Sở này đang quản lý khoảng 1.070 chốt đèn giao thông. Đáng chú ý, chỉ có khoảng gần 230 chốt đèn hoạt động kết nối điều khiển tại trung tâm điều khiển; còn lại gần 850 chốt đèn hoạt động độc lập. Các chốt đèn giao thông được giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (thuộc Sở GTVT TPHCM) quản lý, bảo trì thường xuyên. Tương tự, Sở GTVT TP Hà Nội cũng tiếp nhận các phản ánh về lỗi tín hiệu đèn giao thông và đã yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, khắc phục. Hiện TP Hà Nội có hơn 800 nút đèn giao thông, số đèn bị trục trặc sự cố kỹ thuật rất ít và không phải là hiện tượng phổ biến, nhưng cũng được Sở GTVT TP Hà Nội yêu cầu rà soát, xử lý triệt để. Đến nay, Ban Duy tu các Công trình hạ tầng giao thông Hà Nội đã hoàn thành việc lắp đặt thêm 66 nút đèn tín hiệu giao thông, với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng từ ngân sách

Liên quan đến sự cố về đèn tín hiệu giao thông, đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết khắc phục bằng giải pháp thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại một số khu vực. Sở GTVT thành phố cũng thực hiện các dự án về điều khiển giao thông tự động cho một số trục đường lớn, với giải pháp kỹ thuật số (Digital Twin) có ứng dụng AI thế hệ mới để thu thập, phân tích, báo cáo và lưu trữ thống kê các dữ liệu mô tả tình trạng và hiệu suất khai thác của hệ thống đường bộ theo thời gian thực. Các thí điểm này nhằm phát hiện sớm tắc nghẽn hay các sự cố giao thông để tự động đưa ra cảnh báo, từ đó kéo giảm ùn tắc giao thông. Ngoài TPHCM, một số địa phương cũng tổ chức rà soát để triển khai lắp đặt bổ sung các đèn tín hiệu giao thông đạt tiêu chuẩn, nhằm hạn chế xảy ra các sự cố về đèn tín hiệu giao thông, gây tình trạng lượng phương tiện dừng chờ kéo dài.

Hiện nay, Nghị định 168/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, trong đó mức phạt đối với hành vi không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông từ 4-6 triệu đồng đối với tài xế xe máy và 18-20 triệu đồng với người lái ôtô. Do đó, tình trạng đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố hoặc đột ngột chuyển màu, dẫn đến việc người dân lo ngại việc vô tình bị xử phạt vi phạm giao thông. Trước mắt, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, sẽ không xử phạt đối với người dân gặp phải tình huống đèn tín hiệu bị lỗi tại các nút giao khi tham gia giao thông. Do đó, người dân yên tâm sẽ không bị cảnh sát giao thông phạt oan, phạt sai trong các trường hợp này.

Dù các giải pháp đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương vào cuộc, triển khai khắc phục, thế nhưng về lâu dài, các địa phương cần đầu tư bài bản, chất lượng các hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Song song đó, công tác vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông cần được chuyển giao cho một đầu mối quản lý, trong đó có quy định cụ thể về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xử lý khi xảy ra các sự cố liên quan.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chan-chinh-su-co-den-tin-hieu-giao-thong-10298125.html
Zalo