Chấn chỉnh an toàn thực phẩm tại lễ hội xuân
Trong mùa lễ hội xuân, nguy cơ mất an toàn thực phẩm tăng cao do các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thời vụ nở rộ.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại lễ hội chùa Hương. (Ảnh THU TRANG)
Nhằm tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhất là trong dịp lễ hội đầu năm, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã tích cực, sát sao kiểm tra tại các “điểm nóng”. Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống quanh phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ).
Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ Thẩm Ngọc Trung cho biết, hiện có khoảng 27 cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ quanh phủ Tây Hồ. Dịp Tết vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của quận và phường đã xử phạt ba cơ sở, mỗi cơ sở 4 triệu đồng. Hiện nay, quận thiết lập hồ sơ xử lý thêm hai cơ sở, mỗi cơ sở 8 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là chưa bảo đảm vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh trong khâu chế biến, nhất là việc lưu mẫu thực phẩm và kiểm thực ba bước…
Chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) thu hút đông khách thập phương tới chiêm bái, du xuân trong những ngày đầu năm mới. Tại thời điểm kiểm tra, các nhà hàng đã cơ bản tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, tại lễ hội chùa Hương năm nay có 97 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Hằng ngày, Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban tổ chức lễ hội đã tiến hành kiểm tra, giám sát và cho các cơ sở ký cam kết các điều kiện bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, không lấn chiếm lòng, lề đường, không kinh doanh buôn bán các động vật thú rừng… Ông Trần Ngọc Tráng cho biết thêm, qua quá trình kiểm tra, giám sát cho thấy, các cơ sở kinh doanh thực phẩm đã nghiêm chỉnh chấp hành việc không treo móc thịt, không kinh doanh động vật thú rừng. Tuy nhiên, còn một số cơ sở chưa thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm như: Chưa cập nhật ghi chép sổ theo dõi nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm hằng ngày thường xuyên, đầy đủ; còn thiếu thùng rác có nắp đậy kín trong khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm...
Từ giữa tháng 1/2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 116/UBND-KGVX gửi các sở, ban, ngành, các địa phương về việc tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, lễ hội Xuân năm 2025. Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho biết: Những ngày này, khách thập phương đến các lễ hội, khu di tích, đền, chùa… trên địa bàn thành phố tăng cao, nhu cầu sử dụng các dịch vụ ăn uống cũng tăng theo gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Trong khi đó, các dịch vụ ăn uống tại các lễ hội thường mang tính chất tạm thời, thiếu nước sạch, thiếu trang thiết bị… Cộng với thời tiết mùa xuân thường ẩm, mưa phùn, các yếu tố này khiến thực phẩm dễ bị ôi, thiu. Đây là những nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm.
Vì vậy, cùng với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng thành phố đang tích cực thanh tra, kiểm tra liên ngành về vấn đề an toàn thực phẩm tại các lễ hội xuân trên địa bàn. “Qua kiểm tra, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý vi phạm, thậm chí, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở vi phạm, thu hồi và xử lý thực phẩm không an toàn theo quy định. Sau khi xử lý, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã phải dành một thời gian nhất định để giám sát việc khắc phục sai phạm. Sau khi thẩm định, cơ sở khắc phục được những bất cập, tuân thủ đầy đủ các quy định thì mới được phép hoạt động trở lại; nếu không phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn” - đại diện Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.