Chậm xây trường sau sạt lở, học sinh gồng mình đến lớp tạm
Sau sự cố sạt lở đất, 263 học sinh phải học nhờ ở điểm trường xa hơn. Dù đã có phương án khắc phục nhưng công trình vẫn chậm triển khai, gây nhiều khó khăn cho thầy trò.
Gian nan đường đến lớp học tạm bợ
Đầu tháng 9/2024, những trận mưa lớn kéo dài sau ảnh hưởng của cơn bão Yagi gây ra vụ sạt lở đất kinh hoàng. Hơn 6.000 mét khối đất đá từ phía sau quả đồi ở bản Đôn (xã Lâm Phú) đổ ập xuống lưng công trình Trường THCS Lâm Phú, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học và khu hành chính, bộ môn bị đất đá trồi xuống với chiều dài 75 mét và chiều cao 13 mét, làm đổ sập hoàn toàn khu nhà vệ sinh.
Trước tình hình nguy cấp này, ngày 20/9/2024, UBND huyện Lang Chánh khẩn trương sơ tán toàn bộ 263 học sinh và toàn bộ giáo viên của trường đến học nhờ tại 2 điểm trường thuộc Trường Tiểu học Lâm Phú.

Hơn 6.000 mét khối đất đá đã đổ ập xuống lưng công trình Trường THCS Lâm Phú đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Ông Lê Danh Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Lâm Phú cho biết, điểm trường lẻ ở bản Cháo Pi tương đối gần, nhưng điểm chính ở bản Bốc quá xa. Hơn nửa năm qua, những bất cập về khoảng cách địa lý tạo ra vô vàn khó khăn trong công tác giảng dạy và học tập của nhà trường.
"Phòng học ở cấp tiểu học có diện tích nhỏ hơn so với cấp THCS, nên các em học sinh THCS phải học trong không gian chật chội. Bên cạnh đó, do điểm trường tạm cách xa nhà, nhiều em học sinh thường xuyên nghỉ học vì không có người đưa đón hoặc đường đi quá xa. Các thầy cô giáo cũng phải di chuyển liên tục giữa hai khu vực cách nhau nhiều ki lô mét, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy", ông Lê Danh Sơn nói.
Trong số 15 cán bộ, giáo viên của Trường THCS Lâm Phú, có tới 6 người phải di chuyển quãng đường từ 30 đến 45 km để đến trường. Do không có nhà công vụ, họ phải đi về trong ngày. Tình trạng điểm trường tạm thiếu thốn cơ sở vật chất càng khiến tâm lý của cả thầy và trò thêm phần nặng nề.
Tìm phương án phù hợp
Ngày 23/9/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa công bố tình huống khẩn cấp về sự cố sạt lở đồi đất tại Trường THCS Lâm Phú. Đồng thời, UBND tỉnh giao UBND huyện Lang Chánh tiến hành kiểm tra, khảo sát, đánh giá cụ thể về phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở và xác định các giải pháp xử lý. Kết quả khảo sát và phương án đề xuất phải được báo cáo lên cấp có thẩm quyền để xem xét và hỗ trợ kinh phí xây dựng trường học tại một vị trí mới an toàn hơn.

Nhiều vị trí kết cấu bê tông, cốt thép bị rạn nứt, hư hỏng.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hóa sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp đến kiểm tra thực địa tại khu vực sạt lở. Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án trọng điểm phòng chống thiên tai sạt lở đồi đất tại Trường THCS Lâm Phú. Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cam kết sẽ ưu tiên nguồn vốn, cùng với nguồn đối ứng của tỉnh Thanh Hóa, để sớm đầu tư xây dựng Trường THCS Lâm Phú, giúp thầy và trò nhà trường có một môi trường dạy và học an toàn, ổn định.
Ông Phạm Văn Nhị, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Phú cho biết, khi các ngành chức năng của tỉnh và huyện tiến hành khảo sát để tìm phương án khắc phục phát hiện phía trên quả đồi bị sạt lở có hàng trăm ngôi mộ đã được an táng từ trước.
"UBND xã đề xuất phương án tìm một khu đất mới, cách điểm trường bị sạt lở khoảng 300 mét. Khu đất này nằm cạnh nhà văn hóa bản Cháo, địa hình rất bằng phẳng, không vướng mồ mả, rất thuận lợi cho việc xây dựng trường học. Thế nhưng, đến nay chúng tôi vẫn chưa hiểu vì sao cấp trên vẫn chưa thống nhất với phương án này", ông Phạm Văn Nhị nói.

Hiện thầy và trò Trường THCS Lâm Phú mong muốn cơ quan chức năng sớm có phương án cụ thể để yên tâm dạy và học.
Ông Phạm Hùng Sâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lang Chánh cho biết, sau khi tiến hành khảo sát và đánh giá thực tế hiện trường, một số sở, ban, ngành của tỉnh không đồng ý với phương án xây dựng trường ở vị trí mới mà lãnh đạo xã Lâm Phú đã đề xuất. Ngày 16/12/2024, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu UBND huyện thuê một đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để khảo sát, xác định chính xác nguyên nhân gây ra sạt lở và mức độ ảnh hưởng của nó đến công trình hiện tại.
"Từ kết quả khảo sát này, đơn vị tư vấn sẽ đưa ra phương án xử lý phù hợp nhất, nhằm tránh lãng phí trong quá trình đầu tư. Sau khi đơn vị tư vấn có kết luận chính thức, chúng tôi làm tờ trình gửi Chủ tịch UBND huyện để báo cáo lên Chủ tịch UBND tỉnh. Khi Chủ tịch tỉnh có ý kiến chỉ đạo cụ thể, huyện sẽ triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất có thể", ông Phạm Hùng Sâm nói.
Sự chậm trễ trong việc triển khai xây dựng trường mới đang đặt ra nhiều thách thức cho thầy và trò Trường THCS Lâm Phú. Hơn bao giờ hết, họ cần một quyết định nhanh chóng và hiệu quả từ các cấp chính quyền để sớm ổn định việc dạy và học, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em học sinh vùng khó khăn.