Chạm vào kí ức, sinh viên thức dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống múa rối cạn

Mới đây, tại Nhà hát Múa rối Việt Nam (361 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội), sự kiện 'Rối Sao Rồi' do nhóm sinh viên tổ chức sự kiện 'SEVENTEEN' thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN thực hiện đã diễn ra với mục tiêu lan tỏa nét đẹp của nghệ thuật múa rối cạn đến với cộng đồng sinh viên và giới trẻ.

Chương trình mở ra một không gian giao lưu giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ và bạn trẻ, đồng thời mang đến cơ hội tiếp cận gần gũi hơn với nghệ thuật múa rối cạn, một hình thức sân khấu dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Thông qua việc tái hiện loại hình từng gắn bó mật thiết với đời sống làng quê, khán giả không chỉ được thưởng thức những tiết mục đặc sắc mà còn hiểu sâu hơn về lịch sử, kỹ thuật biểu diễn cũng như tinh thần dân tộc được gửi gắm trong từng động tác của con rối.

Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ chủ động kết nối với di sản văn hóa, từ đó nuôi dưỡng ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống trong dòng chảy đời sống đương đại. Những con rối tưởng như đã rơi vào quên lãng, nay được đánh thức bằng sự say mê và sáng tạo của sinh viên, những người đang góp phần làm sống lại một phần ký ức văn hóa dân tộc theo cách rất riêng của tuổi trẻ.

Những con rối chuyển động, những trái tim rung động.

Những con rối chuyển động, những trái tim rung động.

Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ và nghệ nhân múa rối truyền thống, trong đó có NSND Nguyễn Tiến Dũng (Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam), NNƯT Phạm Công Bằng (Trưởng phường rối Tế Tiêu) và TS/MC/BTV Trịnh Lê Anh. Trong khuôn khổ talkshow, cả ba khách mời đã cùng chia sẻ về những đặc điểm đặc trưng của múa rối cạn, từ cách điều khiển con rối, dựng cảnh sân khấu cho đến những kỹ thuật biểu diễn đòi hỏi sự tinh tế và kết hợp nhịp nhàng giữa nghệ thuật và kỹ thuật. Bên cạnh việc giới thiệu về lịch sử phát triển và những nét đặc sắc của nghệ thuật múa rối cạn, buổi talkshow còn mang đến những chia sẻ sâu sắc về tình yêu của giới trẻ đối với nghệ thuật truyền thống.

Không đặt ra yêu cầu hay kỳ vọng rằng người trẻ phải yêu nghệ thuật dân tộc, chương trình lựa chọn một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, đó là để nghệ thuật tự kể câu chuyện của mình, để những cảm xúc chân thật và niềm đam mê từ các nghệ sĩ, nghệ nhân lan tỏa và chạm tới người xem. Từ đó, tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống được khơi gợi một cách tự nhiên, xuất phát từ sự thấu hiểu và đồng cảm. Buổi talkshow trở thành cầu nối giữa thế hệ nghệ nhân đi trước và những người trẻ hôm nay, giúp sinh viên không chỉ hiểu hơn về giá trị văn hóa dân tộc, mà còn thấy được vai trò của mình trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị ấy theo cách riêng, hiện đại mà không mất đi bản sắc.

NSND Nguyễn Tiến Dũng, NNƯT Phạm Công Bằng và TS/MC/BTV Trịnh Lê Anh chia sẻ về nghệ thuật múa rối cạn và tương lai của loại hình nghệ thuật này trong đời sống hiện đại.

NSND Nguyễn Tiến Dũng, NNƯT Phạm Công Bằng và TS/MC/BTV Trịnh Lê Anh chia sẻ về nghệ thuật múa rối cạn và tương lai của loại hình nghệ thuật này trong đời sống hiện đại.

Chia sẻ về hành trình thực hiện chương trình, bạn Hoài Thương (Phó Ban Tổ chức sự kiện “Rối Sao Rồi”) chia sẻ: “Trước khi bắt đầu, chúng mình gần như không ai có hiểu biết rõ ràng về múa rối cạn. Nó giống như một cái tên rất xa lạ, một phần ký ức mà thế hệ chúng mình đã bỏ quên. Nhưng càng đi sâu vào tìm hiểu, chúng mình càng nhận ra đằng sau những con rối tưởng chừng vô tri ấy là cả một thế giới sống động, nơi hội tụ của những bàn tay khéo léo, những tâm hồn nghệ nhân và ký ức văn hóa của cha ông".

Hoài Thương kể rằng, có những đêm cả nhóm ngồi lại, xem đi xem lại một phân đoạn múa rối chỉ vài phút, chỉ để hiểu được cách nghệ nhân khiến con rối cúi đầu, hay chỉ nghiêng vai một chút cũng đủ truyền tải cảm xúc. “Lúc ấy chúng mình mới hiểu rằng rối không chỉ là những con búp bê gỗ đơn thuần. Đằng sau mỗi chuyển động của nó là cả một câu chuyện, là đời sống, là tâm tình của những người nghệ nhân lặng thầm đứng sau tấm màn sân khấu.” Cũng chính từ khoảnh khắc đó, nhóm sinh viên dần nhận ra rằng múa rối cạn không phải là thứ nghệ thuật “xưa cũ” hay “xa lạ”, mà là một phần ký ức văn hóa vẫn còn nguyên giá trị, chỉ là đã bị lớp bụi thời gian và nhịp sống hiện đại che lấp. “Khi được chạm vào, lắng nghe và cảm nhận bằng tất cả sự tò mò và tôn trọng, mình tin rằng nghệ thuật truyền thống vẫn có cách để sống tiếp, kể cả trong thế hệ trẻ như chúng mình.”, Hoài Thương chia sẻ.

Bạn Hoài Thương (Phó Ban Tổ chức sự kiện “Rối Sao Rồi”) chia sẻ.

Bạn Hoài Thương (Phó Ban Tổ chức sự kiện “Rối Sao Rồi”) chia sẻ.

Trong không gian ấm cúng của Nhà hát Múa Rối Việt Nam, những tiết mục múa rối cạn được trình diễn với sự chỉn chu, mộc mạc, vừa đủ để người xem nhận ra rằng, đằng sau mỗi chuyển động tưởng như đơn giản là một kỹ thuật được rèn giũa suốt nhiều năm, là cả một dòng chảy văn hóa đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Mặc dù không khí không quá ồn ào, nhưng sự cuốn hút của chương trình lại đến từ sự chân thành trong từng tiết mục, từ những con rối sống động trên sân khấu. Điều khiến khán giả trẻ cảm thấy gần gũi chính là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, khi mỗi chuyển động của con rối không chỉ là nghệ thuật mà còn là lời kể về một phần ký ức văn hóa lâu đời. Buổi tối ấy, gần 300 khách tham dự, trong đó phần lớn là các bạn trẻ, Nhà hát Múa Rối Việt Nam không chỉ chật kín người, mà còn ngập tràn sự hứng thú và tán thưởng. Sự nhiệt tình và quan tâm của khán giả, đặc biệt là giới trẻ, chính là minh chứng rõ ràng cho sức sống mãnh liệt của nghệ thuật truyền thống, khi nó được kể lại đúng cách và được yêu mến bởi thế hệ hôm nay.

Không khí sôi động và sự hứng thú của khán giả trẻ tại Nhà hát Múa Rối Việt Nam.

Không khí sôi động và sự hứng thú của khán giả trẻ tại Nhà hát Múa Rối Việt Nam.

Theo dõi sự kiện từ những giây phút đầu, bạn Vân, một khán giả trẻ, chia sẻ: “Mình thật sự bất ngờ khi được trải nghiệm nghệ thuật múa rối cạn trong một không gian gần gũi như vậy. Trước đây, mình chỉ biết đến múa rối qua những câu chuyện xưa, nhưng giờ đây, khi được nhìn tận mắt những con rối chuyển động trên sân khấu, mình mới nhận ra sự kỳ công và tinh tế ẩn sau từng chi tiết. Mỗi tiết mục không chỉ đơn thuần là giải trí, mà nó như một cách để chúng ta nhớ lại những giá trị văn hóa đã bị lãng quên. Mình cảm thấy rất may mắn khi được tham gia sự kiện này và hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội để được trải nghiệm những di sản văn hóa truyền thống khác.”

Bạn Vân (Khách tham dự) chia sẻ tại chương trình.

Bạn Vân (Khách tham dự) chia sẻ tại chương trình.

Không chỉ là một sự kiện nghệ thuật, mà “Rối Sao Rồi” còn là một hành trình đầy ý nghĩa trong việc đưa nghệ thuật múa rối cạn đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Sự nỗ lực và sáng tạo của nhóm sinh viên tổ chức, cùng với sự tham gia nhiệt tình của các nghệ sĩ và nghệ nhân, đã giúp chương trình thành công ngoài mong đợi. Không chỉ là dịp để giới trẻ tìm hiểu và trải nghiệm, sự kiện còn góp phần bảo tồn và phát huy một phần di sản văn hóa Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu đối với những giá trị truyền thống. Đây chính là những bước đi đầu tiên để thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa rối cạn, mang di sản này vào đời sống đương đại.

Ban Tổ chức cùng TS/MC/BTV Trịnh Lê Anh chụp ảnh lưu niệm tại chương trình.

Ban Tổ chức cùng TS/MC/BTV Trịnh Lê Anh chụp ảnh lưu niệm tại chương trình.

Phương Anh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/cham-vao-ki-uc-sinh-vien-thuc-day-tinh-yeu-nghe-thuat-truyen-thong-mua-roi-can-post1741994.tpo
Zalo