Chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới
'Năm 2024 khép lại với nhiều thành công và thách thức đối với ngành y tế An Giang. Chúng ta đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh, sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế' - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy nhận định.
Năm qua, ngành y tế đã đạt được 3/3 chỉ tiêu y tế HĐND, UBND tỉnh giao; 12/12 chỉ tiêu y tế cơ bản. Toàn ngành chủ động thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, kiểm soát tốt dịch bệnh lưu hành tại địa phương, dự báo sớm, ngăn chặn dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh phát triển chuyên môn kỹ thuật, như: Can thiệp mạch não, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật đặt mảnh ghép sa tạng chậu trong sản phụ khoa, hồi sức sơ sinh và nuôi sống trẻ 800gr - 1kg... Đặc biệt, nâng cao chất lượng mạng lưới cấp cứu và điều trị đột quỵ, trong đó có 4 bệnh viện đạt chứng nhận của Hội Đột quỵ thế giới (1 kim cương, 1 vàng, 2 bạch kim). Đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa Y dược cổ truyền - phục hồi chức năng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Ngành y tế An Giang còn là điển hình đi đầu trong tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đấu thầu tập trung mua sắm vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, đấu thầu thuốc, thiết bị y tế. Tranh thủ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn vay ưu đãi, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế cho các đơn vị y tế trực thuộc, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình. Xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) ngành y tế. Tăng cường thực hiện bệnh án điện tử (EMR), ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động khám, chữa bệnh; đào tạo nâng cao chuyên môn, y đức; thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang tiếp tục khẳng định vai trò là bệnh viện hạng I, đầu ngành trong lĩnh vực y tế của tỉnh và khu vực lân cận. Năm 2024, dù đối mặt với không ít thách thức về nhân lực, tài chính, chậm trễ trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế, cũng như yêu cầu ngày càng cao của người dân, bệnh viện vẫn đạt được nhiều thành tựu vượt trội nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc và sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động.
BS. CKII Nguyễn Duy Tân (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang cho biết: “Là một trong những đơn vị dẫn đầu của tỉnh về số lượng dịch vụ kỹ thuật được áp dụng trong khám, chữa bệnh của tất cả chuyên khoa, việc điều trị thành công những ca bệnh khó luôn đạt tỷ lệ cao. Những năm gần đây, bệnh viện liên tiếp có nhiều đột phá trong các lĩnh vực điều trị kỹ thuật cao, chuyên sâu, như: Phẫu thuật nội soi, điều trị nội khoa về cấp cứu, tim mạch, tim mạch can thiệp... Thành công đó là nhờ bệnh viện đã được xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh hoàn chỉnh với cơ sở vật chất khang trang, máy móc thiết bị hiện đại. Đặc biệt là đội ngũ nhân lực trình độ cao, tiếp thu nhanh nhạy kỹ thuật y học tiên tiến, tâm huyết với nghề, không ngừng giữ gìn và phát huy y đức của người thầy thuốc”.
PGS.TS.BS Trần Quang Hiền (Giám đốc Sở Y tế) khẳng định, ngành y tế An Giang đã đạt được những bước tiến quan trọng trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, cải thiện tốt hệ thống y tế và kịp thời ứng phó với các vấn đề sức khỏe cộng đồng; tin tưởng toàn ngành y tế tỉnh nhà sẽ có nhiều phát triển đột phá thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, bên cạnh thành quả, ngành y tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế: Tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao tuyến y tế cơ sở, nhu cầu đầu tư thiết bị y tế giá trị lớn về DSA, MRI, CT, hệ thống thận nhân tạo... Cơ sở vật chất y tế tuyến cơ sở xuống cấp, trong khi nguồn ngân sách tỉnh hạn chế, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế chưa bền vững do mức đóng bảo hiểm y tế tăng, lao động thất nghiệp ngày càng cao...
Năm 2025, để đạt được các chỉ tiêu y tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đề nghị ngành y tế cần linh hoạt, chủ động, phối hợp khẩn trương thực hiện sắp xếp lại trung tâm y tế tuyến huyện giao về UBND cấp huyện quản lý; sắp xếp lại Sở Y tế. Đẩy mạnh thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, kiểm soát dịch bệnh qua biên giới, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; chú trọng công tác dân số và phát triển, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh, năng lực quản lý, phát triển mô hình bác sĩ gia đình. Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, y đức, lấy người bệnh làm trung tâm.
Cùng với đó, thực hiện nhiều giải pháp thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về việc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng khó khăn. Tranh thủ nguồn ngân sách Nhà nước, vốn vay ưu đãi (ODA) đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại cho đơn vị y tế theo hướng phát triển chuyên sâu tuyến tỉnh và phổ cập ở tuyến cơ sở. Tăng cường truyền thông, giáo dục nâng cao y đức, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường y tế nhân văn, nơi người bệnh luôn được tôn trọng và chăm sóc chu đáo.