Chăm sóc mạ vụ Đông Xuân trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 1/2025, không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với thời kỳ tháng 12/2024; khả năng cao gió mùa đông bắc mạnh sẽ gây ra nhiều ngày rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc của Việt Nam, tập trung trong khoảng thời kỳ giữa tháng 1/2025; trong tháng 2/2025 vẫn tiếp tục xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng, số ngày rét đậm, rét hại từ 5 - 10 ngày ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất vụ Đông Xuân 2024 - 2025.

Kỹ sư Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn người dân che chắn chống rét cho mạ sau khi gieo. Ảnh Mai Liên

Kỹ sư Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn người dân che chắn chống rét cho mạ sau khi gieo. Ảnh Mai Liên

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2024 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 37.200 ha cây hàng năm, trong đó cây lúa 28.300 ha, 8.900 ha cây rau màu và cây hàng năm khác.

Theo hướng dẫn cơ cấu giống cây trồng, thời vụ năm 2025 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trà lúa Xuân muộn là trà lúa chủ lực của tỉnh, sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 130 ngày), có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo khá như TBR225, ADI 28, ADI 168, DT39 Quế Lâm, Hà Phát 3, Hương Bình, QR15, Tân ưu 98, TBR17...

Thời vụ gieo từ ngày 25/1 - 5/2/2025, áp dụng biện pháp làm mạ có che phủ nilon đúng kỹ thuật để chống rét, chim, chuột phá hại; tuổi mạ 2,5 - 3,5 lá, cấy xong trong tháng 2/2025.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương như Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo, nông dân đã tiến hành làm đất, gieo mạ, cấy sớm diện tích trà lúa Xuân muộn. Trong thời gian tới, do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh Bắc Bộ (trong đó có Vĩnh Phúc) có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, nhất là cây lúa đầu vụ Xuân ở giai đoạn làm mạ.

Để chủ động ứng phó kịp thời diễn biến bất thường của thời tiết, đảm bảo sản xuất lúa đạt kết quả tốt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo nông dân một số biện pháp kỹ thuật gieo, chăm sóc mạ vụ Đông Xuân.

Theo đó, người dân nên gieo mạ thưa để cây mạ to khỏe, không gieo mạ những ngày nhiệt độ dưới 15 độ C. Che phủ 100% diện tích mạ bằng nilon trắng để giữ ấm, bảo vệ mạ; khi có rét đậm, rét hại xảy ra, nhiệt độ xuống dưới 15 độ C cần bón bổ sung tro bếp trên mặt luống để giữ ấm cho mạ.

Khi nhiệt độ trên 15 độ C, mở nilon ở 2 đầu luống, không mở hoàn toàn ngay để tránh mạ bị sốc nhiệt, đêm trời rét đạy linon lại. Bổ sung dinh dưỡng cho mạ bằng bón phân qua lá như các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng… theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng khả năng chống chịu và khả năng phục hồi cho mạ.

Cần giữ cho ruộng luôn đủ ẩm sau gieo; khi mạ mọc mũi chông cần đưa nước láng mặt luống mạ, luôn giữ đủ nước để ruộng mạ mềm bùn, cây mạ phát triển thuận lợi. Thường xuyên kiểm tra để phòng, chống các loại sâu bệnh, chuột hại kịp thời.

Đối với mạ sân gieo gần nhà, bà con có thể thắp điện sưởi ấm cho mạ vào những ngày rét đậm, rét hại. Khi cây mạ được 2,5 - 3,5 lá thì tiến hành đem cấy. Trước khi cấy 2 - 3 ngày cần mở dần nilon để luyện cho mạ quen với môi trường.

Khi chăm sóc mạ trà lúa vụ Đông Xuân, bà con không nên bón phân thúc cho mạ, đặc biệt ở giai đoạn trước khi cấy vì cây mạ sẽ non, mềm, không đanh dảnh, chống chịu kém, rất dễ chết khi cấy ra ruộng.

Chú ý không nên cấy khi nhiệt độ trung bình xuống dưới 15 độ C; chủ động chuẩn bị đủ giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn dự phòng để sẵn sàng gieo cấy bổ sung cho những diện tích mạ, lúa mới cấy bị chết rét.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122312//cham-soc-ma-vu-dong-xuan-trong-dieu-kien-thoi-tiet-ret-dam-ret-hai
Zalo