Chăm lo lao động bị mất việc cuối năm
Trên chuyến xe ôm công nghệ đi từ quận Bình Tân (TPHCM), tài xế Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1981) trầm ngâm sau khi nhận điện thoại từ con gái: 'Ba, ba chuyển tiền cho con học Anh văn nghe'.
Anh Bình là công nhân sản xuất băng keo của một công ty trong Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân). Anh kể, từ lúc không có đơn hàng tăng ca, ngày anh đi làm, chiều tối anh chạy xe ôm kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Tìm đủ cách để có việc làm mới
“Đa phần công nhân ở công ty tôi, phụ nữ thì bán hàng online, giao đồ ăn, còn cánh đàn ông thì chạy xe ôm là chính”, anh Bình nói. Trung bình mỗi ngày, anh chạy xe ôm từ 17 giờ đến 23 giờ, được khoảng 200.000 đồng. Số tiền này đủ để trang trải chi phí hàng ngày cho hai vợ chồng và đứa con 5 tuổi.
Trước đây, vợ anh Bình cũng là công nhân trong khu công nghiệp. Sau đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu suy thoái, vợ anh mất việc và hiện đang nhận cắt chỉ quần áo thuê tại nhà, thu nhập không đáng kể. Anh Bình kể, khi hai vợ chồng còn làm công nhân, thu nhập 1 tháng hơn 20 triệu đồng, gói ghém cũng có dư chút đỉnh. Từ khi vợ anh nghỉ việc, lương của anh cũng giảm do ít đơn hàng, từ 11-12 triệu đồng chỉ còn 8-9 triệu đồng/ tháng. Mức thu nhập giảm khá nhiều nên cả gia đình phải hết sức tiết kiệm để lo tiền nhà và gửi về quê cho con gái lớn ăn học.
Cũng ráo riết kiếm việc làm thêm cuối năm, chị Phạm Thị Tuyên (sinh năm 1990) nuối tiếc khi phải nộp đơn xin nghỉ việc trong khi Tết Nguyên đán 2024 đã cận kề. Chị Tuyên làm công nhân trong một công ty ở Khu chế xuất Linh Trung I (TP Thủ Đức) đã 12 năm. Mấy năm gần đây, do kinh tế khó khăn nên công ty cắt giảm nhân công nhiều, chị may mắn là một trong những người còn trụ lại. Nhưng từ khi công ty sụt giảm đơn hàng, nhân công bị cắt giảm, chị cũng không còn được tăng ca. Dù chỉ còn 2 tháng nữa là đến dịp thưởng Tết Nguyên đán 2024, nhưng chị vẫn quyết định nghỉ để ra học nghề. Hiện tại, chị Tuyên đang trong thời gian học việc nghề tóc, dự kiến dịp tết sẽ về quê mở tiệm làm tóc.
Còn với vợ chồng chị Lê Thị Bích Trâm, công việc tưởng chừng chỉ làm lúc rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập nay đã trở thành nguồn thu nhập chính của hai vợ chồng chị sau khi mất việc. Chị Trâm từng là công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) được 14 năm, nhưng không may chị bị mất việc trong đợt cắt giảm lao động lần thứ 3. Gấp gọn những chiếc áo mưa bỏ vào túi là công việc chính của chị khi bị mất việc tại nhà máy. Mỗi chiếc áo mưa gấp gọn gàng vào túi sẽ được nhận tiền công 250 đồng, trung bình mỗi ngày vợ chồng chị gấp được 400 chiếc, mỗi tháng kiếm được gần 4 triệu đồng. Chị Trâm chia sẻ, bị mất việc, đi nhiều nơi không xin được công việc mới, nhưng chị vẫn còn may mắn khi tìm được nguồn hàng gia công này.
Nhiều công nhân mất việc khác cũng nỗ lực chuyển hướng mưu sinh như tìm việc làm bán thời gian, bán cà phê, nước ngọt… Dù vậy, có không ít người vẫn không xoay xở được, phải rời phố về quê. Theo bà Nguyễn Thị Phương Lân, chủ nhà trọ tại phường Tân Thuận Đông (quận 7), mọi năm, khu trọ của bà người thuê đủ phòng quanh năm. Thế nhưng, cuối năm nay, 3 dãy nhà trọ với 33 phòng của bà còn khá nhiều phòng trống, do nhiều công nhân không có công việc làm, đã trở về quê.
Chăm lo lao động mất việc, cắt giảm giờ làm
Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, từ đầu năm 2023 đến nay, sở tiếp nhận thông báo cho người lao động thôi việc của 58 doanh nghiệp. Tổng số lao động mất việc trên 4.300 người, tăng hơn 2.800 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cắt giảm lao động cao nhất, với 30 doanh nghiệp. Tuy nhiên, một tín hiệu tốt là trong 5 tháng qua, tình hình cắt giảm lao động trên địa bàn thành phố có chiều hướng giảm. Số người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp tháng 11 giảm hơn 24% so với giai đoạn cao điểm tháng 6-2023.
Trước những khó khăn về việc làm, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, cho biết, LĐLĐ thành phố đã triển khai kế hoạch chăm lo tết đến công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động. Đây là hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ cùng đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán 2024. Theo đó, LĐLĐ TPHCM thực hiện chương trình “Tết sum vầy - Xuân tri ân”, dự kiến chăm lo cho 13.000 gia đình đoàn viên, người lao động hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, ưu tiên những đoàn viên, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp bị cắt giảm giờ làm, không có điều kiện về quê đón tết. Mỗi trường hợp được chăm lo 1 triệu đồng, gồm quà và tiền mặt.
Theo ông Phạm Chí Tâm, ngoài chủ động thực hiện các chương trình hỗ trợ đoàn viên tại địa phương, LĐLĐ TPHCM cũng yêu cầu các cấp công đoàn bám sát, rà soát tình hình, lập danh sách đoàn viên, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm để được hỗ trợ theo quyết định của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tổng LĐLĐ Việt Nam dự trù tổng kinh phí cho hoạt động hỗ trợ khoảng 145 tỷ đồng. Cụ thể, mức hỗ trợ cho đoàn viên từ 1-3 triệu đồng, áp dụng cho đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động (do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng) từ ngày 1-4 đến hết ngày 31-12-2023. Người lao động không là đoàn viên công đoàn sẽ được hưởng mức hỗ trợ 70% so với mức hỗ trợ lao động là đoàn viên.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ TPHCM cũng thông tin, dự kiến các cấp Công đoàn thành phố sẽ chăm lo 3.000 đoàn viên nghiệp đoàn thuộc LĐLĐ TP Thủ Đức và các quận, huyện, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là đoàn viên nghiệp đoàn đang sống ở các khu lưu trú, khu nhà trọ, tham gia tích cực hoạt động công đoàn. Mỗi đoàn viên nghiệp đoàn được nhận 1 phần quà trị giá 700.000 đồng, gồm 500.000 đồng tiền mặt và phần quà trị giá 200.000 đồng.
Công đoàn TPHCM cũng tổ chức chương trình “Gia đình công nhân lao động vui tết cùng thành phố”, tổ chức cho 10.000 gia đình đoàn viên tiêu biểu vui chơi tại Công viên Văn hóa Đầm Sen; họp mặt, tặng quà 3.000 đoàn viên nghiệp đoàn hoàn cảnh khó khăn. Năm nay, các cấp Công đoàn thành phố cũng tổ chức chương trình “Tấm vé nghĩa tình” tặng vé máy bay, vé tàu, xe cho đoàn viên và người lao động; tổ chức chương trình “Chuyến tàu mùa xuân” lần 4, hỗ trợ 100% vé tàu đưa 500 gia đình đoàn viên tiêu biểu (vợ, chồng và 2 con) có nhu cầu về quê đón tết.
Dự kiến thời gian chăm lo từ cuối tháng 1-2024 đến đầu tháng 2-2024. LĐLĐ TPHCM cũng yêu cầu các công đoàn cấp trên khảo sát, lập danh sách đoàn viên thuộc đối tượng được chăm lo gửi về LĐLĐ thành phố trước ngày 15-12-2023.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM:
Giám sát tình hình trả lương, thưởng, hỗ trợ dịp tết
Trong tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng ở TPHCM dự kiến cần khoảng 20.000-25.000 vị trí công việc, trong đó có nhiều vị trí lao động thời vụ. Sở LĐTB-XH TPHCM đã ban hành kế hoạch về tăng cường giám sát tình hình trả lương, trả thưởng, hỗ trợ dịp Tết Giáp Thìn và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.
Cụ thể, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ TPHCM, Bảo hiểm xã hội TPHCM và các đơn vị có liên quan đề nghị doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động. Cùng với đó là khảo sát 3.000 doanh nghiệp về tình hình trả lương năm 2023 và kế hoạch thưởng Tết Giáp Thìn năm 2024; triển khai các đoàn khảo sát tại 20 doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chi trả lương, thưởng tết, cắt giảm lao động, có nguy cơ nợ lương, nợ thưởng, nợ bảo hiểm xã hội.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM:
Tập trung chăm lo lao động mất việc
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, từ nguồn Quỹ An sinh xã hội, TPHCM sẽ thực hiện thăm, chăm lo tặng quà tết cho 1.000 đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền dự kiến 1 tỷ đồng.
Trước đó, giữa tháng 11-2023, Quỹ An sinh xã hội TPHCM được ra mắt, dự kiến sẽ triển khai 8 chương trình tập trung vào nhóm lao động mất việc như: hỗ trợ phương tiện mưu sinh; giúp công nhân nữ mang thai chi phí sinh con; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe cho lao động tự do, chưa có bảo hiểm y tế; tặng quà, tổ chức cho 1.000 gia đình công nhân ở lại thành phố vui xuân, tặng vé xe cho sinh viên về quê, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn dịp tết... Tổng kinh phí dự kiến khoảng 3,8 tỷ đồng.