Chăm lo cho người già ở Hải Dương trong bối cảnh già hóa dân số

Người già trong cơ cấu dân số của Hải Dương ngày càng tăng nhanh nên cần có chính sách chăm lo cho họ kịp thời.

Có con cháu quây quần, chăm lo giúp người cao tuổi có tinh thần vui vẻ

Có con cháu quây quần, chăm lo giúp người cao tuổi có tinh thần vui vẻ

Sau giai đoạn dân số “vàng”, dân số Hải Dương cũng nhanh chóng bước vào tình trạng già hóa và sẽ chẳng còn nhiều thời gian nữa sẽ trở nên siêu già. Điều này yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần sớm có những giải pháp cụ thể để thích ứng với tình hình mới. Bởi nếu không sớm có những chiến lược bài bản, lâu dài để chăm lo cho người già cả về sức khỏe và việc làm thì sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực, những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội những năm tới.

Những năm qua, số lượng người cao tuổi trong cơ cấu dân số của tỉnh ngày càng tăng nhanh. Đó là sự phát triển khách quan và không riêng Hải Dương. Theo số liệu của cơ quan chức năng, nếu năm 2009, tỷ lệ người cao tuổi trong tỉnh mới chiếm 11,5% thì đến năm 2019 đã tăng lên 15,5% và tính đến hết năm 2023 là 16,8%.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 10 - 19,9% được coi là dân số già, còn chiếm từ trên 20% được coi là dân số siêu già.

Dân số già sẽ đẩy hệ thống an sinh xã hội, nhất là các ngành dịch vụ y tế, lương hưu, phúc lợi xã hội phải chịu những áp lực rất lớn để bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi gấp gần 8 lần một người trẻ tuổi. Một vấn đề rất đáng quan tâm nữa là năng suất lao động của người già giảm sút rất nhiều so với người trẻ.

Đảng và Nhà nước đã có những chiến lược để ứng phó với tình trạng già hóa dân số. Ở tỉnh, các cấp, các ngành liên quan cũng đã có những cảnh báo, những giải pháp để thích ứng với tình trạng già hóa dân số. Mặc dù vậy, những chiến lược và biện pháp chúng ta đã và đang triển khai chưa thực sự theo kịp với tốc độ già hóa dân số đang diễn ra.

Trước hết về mặt chăm sóc sức khỏe người già, tỉnh mới quan tâm đến việc hỗ trợ về bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh. Trong khi đó, hệ thống các cơ sở y tế dành cho người già còn thiếu. Hiện nay, với hơn 330 nghìn người cao tuổi, tỉnh chưa xây dựng được bệnh viện lão khoa đúng nghĩa. Vì vậy, việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người già đang được dùng chung với hệ thống y tế cơ sở, y tế tuyến huyện và các bệnh viện tuyến tỉnh. Trong khi chăm sóc và khám chữa bệnh cho người già đòi hỏi phải có các cơ sở bệnh viện chuyên sâu, đặc thù mới đáp ứng tốt được. Ngay cả hệ thống nhà dưỡng lão thì trên địa bàn tỉnh cũng rất thưa vắng. Do đó, không ít gia đình hoặc bản thân người già muốn đến trại dưỡng lão sinh sống và được chăm sóc cũng chưa dễ dàng.

Bên cạnh việc cần được chăm sóc sức khỏe, người già còn sức lao động cũng khó tìm kiếm việc làm. Vì vậy, cùng với việc quan tâm về chính sách an sinh xã hội cho người già, đã đến lúc các cấp, các ngành, các địa phương cần có cơ chế, chính sách để đào tạo lại, cũng như dạy nghề phù hợp cho người cao tuổi còn sức khỏe, có nhu cầu lao động để họ có thể tìm kiếm việc làm, có thêm thu nhập. Điều này sẽ góp phần giảm áp lực cho các gia đình nói riêng và cả xã hội nói chung về vấn đề bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi.

Có thể khẳng định, khi dân số bước vào giai đoạn già hóa thì có rất nhiều vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết. Nhưng trong khi chờ những chiến lược tổng thể, giải pháp căn cơ, lâu dài thì trước mắt cần sớm quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe và việc làm, thu nhập để có thể lo cho người già một cách thực chất nhất.

VŨ ÚY

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/cham-lo-cho-nguoi-gia-o-hai-duong-trong-boi-canh-gia-hoa-dan-so-394482.html
Zalo