Chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn trong Ngày hội Đại đoàn kết

Trong quá trình tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (Ngày hội), tất cả các ấp, khu phố đều đồng loạt tặng quà cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tặng quà cho người nghèo khi tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Tân Bắc, xã Bình Minh (huyện Trảng Bom). Ảnh:S.Thao

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tặng quà cho người nghèo khi tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại ấp Tân Bắc, xã Bình Minh (huyện Trảng Bom). Ảnh:S.Thao

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Ngày hội tại Đồng Nai nhằm thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, chia sẻ cùng người dân có hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn dân cư.

Thay liên hoan bằng tặng quà người còn khó khăn

Trước khi Ngày hội diễn ra, ban điều hành các ấp, khu phố đều thực hiện việc vận động nguồn lực xã hội để có kinh phí tổ chức sự kiện. Từ số tiền vận động này, thay vì sử dụng tổ chức bữa cơm thân mật thì nhiều ấp, khu phố chọn mua gạo, mì gói, gia vị… đóng thành từng phần quà tặng cho người còn khó khăn ở ấp.

Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Tân Bắc (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) Võ Quyết Thắng cho hay, trên 94% trong tổng số 6,8 ngàn dân trong ấp là đồng bào Công giáo. Từ đầu năm đến tháng 10-2024, ấp đã đóng góp, vận động 114 triệu đồng để hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Riêng tại Ngày hội, thông qua sự đóng góp từ các cơ sở tôn giáo, nhà hảo tâm, ấp đã trao tặng 56 phần quà cho các gia đình nghèo, hộ cận nghèo và các trường hợp khó khăn khác.

Bên cạnh trực tiếp thực hiện hoạt động nhân đạo, Ngày hội được tổ chức còn là dịp để tập thể mỗi ấp, khu phố xác định nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có thực hiện công tác giảm nghèo và những hoạt động an sinh xã hội khác.

Việc không tổ chức liên hoan sau khi Ngày hội kết thúc mà thay vào đó là mua quà tặng bà con nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng được các khu phố tại thành phố Biên Hòa và nhiều ấp, khu phố ở các huyện, thành phố thực hiện. Như ở ấp Dốc Mơ 2 (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất), nơi có 99,5% trong số 5 ngàn người dân là đồng bào theo đạo Công giáo, việc tặng quà động viên cho người nghèo, học sinh vượt khó học giỏi đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong Ngày hội. Năm nay, có đến 80 học sinh, gia đình nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật của ấp được nhận quà hỗ trợ. So với những năm trước thì số người được nhận quà năm nay tăng gấp đôi.

Bà Nguyễn Thị Thu (64 tuổi, ngụ ấp Dốc Mơ 2) cho hay, rất vui khi mọi người đã quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn như bà để hỗ trợ quà. Không chỉ Ngày hội mà các dịp lễ, Tết, ban ấp cũng rất quan tâm đến hoàn cảnh của bà.

Tùy thuộc vào khả năng vận động và cân đối giữa các hoạt động mà mỗi ấp, khu phố tặng quà cho người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn dao động từ 20-80 phần quà. Nếu nhân với 927 ấp, khu phố tổ chức Ngày hội trong năm 2024 thì số hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vượt khó được nhận quà hỗ trợ trong gần một tháng diễn ra Ngày hội (Ngày hội tại Đồng Nai diễn ra từ ngày 20-10 đến ngày 18-11) là rất lớn.

Phát huy tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cho hay, Ngày hội không chỉ là dịp để tôn vinh thành quả của tập thể ấp, những cá nhân, gia đình, tập thể tiêu biểu của khu dân cư và định hướng cho những hoạt động trọng tâm của ấp trong năm tới mà còn tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có tinh thần tương thân tương ái. Vì vậy, trước, trong và sau Ngày hội, Mặt trận các cấp đều chú trọng thực hiện hoạt động nhân đạo, từ thiện, thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, người có công; cán bộ lão thành cách mạng; trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi, trao tặng quà, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo…

Theo đó, toàn tỉnh còn 14,4 ngàn hộ nghèo, cận nghèo và nhiều trường hợp cần trợ giúp; 32,6 ngàn người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng và hộ gia đình chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng đang sống nhờ vào trợ cấp thường xuyên của Nhà nước, quan tâm của cộng đồng. Ngoài ra, tỉnh có trên 800 người mù đang hưởng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước; trên 8,8 ngàn người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin có cuộc sống khó khăn. Tất cả những trường hợp này đều nằm trong nhóm ưu tiên được hỗ trợ quà trong Ngày hội cũng như trong Tháng Cao điểm vì người nghèo. Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp và cộng đồng còn quan tâm, hỗ trợ cho gần 1,3 ngàn trường hợp đang được chăm sóc ở 15 cơ sở bảo trợ xã hội.

Tháng Cao điểm vì người nghèo (từ ngày 17-10 đến ngày 18-11) trùng với thời điểm diễn ra Ngày hội nên trong chương trình Ngày hội, Mặt trận các cấp còn kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, phát huy tinh thần tương thân tương ái. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng tổ chức thành viên trong thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Đồng thời, tổ chức Ngày hội còn là dịp để thông tin đến cộng đồng những trường hợp cần trợ giúp để mọi người cùng theo dõi, giám sát, từ đó góp phần đưa nguồn lực đến đúng đối tượng, không bỏ sót người cần giúp đỡ.

Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố Suối Cả, thị trấn Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) Đinh Viết Lương cho hay, khu phố có 433 hộ với hơn 2 ngàn người, còn 11 hộ cận nghèo. Để trợ giúp cho những trường hợp này, ban ấp hỗ trợ các hộ cận nghèo vay vốn chính sách để chăn nuôi, cải tạo vườn tạp. Bên cạnh đó, thông qua phát động chung tay vì người nghèo tại Ngày hội, ban ấp còn vận động bà con phát huy tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau. Qua đó hỗ trợ những hộ cận nghèo cây, con giống, vận động xây nhà kiên cố hỗ trợ gia đình khó khăn về nhà ở. Những hoạt động này được nhân dân đồng thuận và hưởng ứng.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202411/cham-lo-cho-nguoi-co-hoan-canh-kho-khan-trong-ngay-hoi-dai-doan-ket-40f0608/
Zalo