Chăm lo bồi đắp, phát triển kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ

Sự xuất hiện, phát triển và định hình kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta đã trải qua 80 năm. So với lịch sử dân tộc không dài, song chỉ với thời gian đó, kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ đã đi vào lịch sử, đi vào lòng dân một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn, trở thành một trong những giá trị văn hóa chính trị tiêu biểu của thời đại mới-thời đại Hồ Chí Minh.

Thiếu tá QNCN Lê Anh Đức, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) thăm khám, phát thuốc cho đồng bào vùng cao. Ảnh: qdnd.vn

Thiếu tá QNCN Lê Anh Đức, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) thăm khám, phát thuốc cho đồng bào vùng cao. Ảnh: qdnd.vn

Kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ thấm sâu trong tâm thức dân tộc

Tìm trong lịch sử dân tộc ta, giới khoa học đã nhận thấy rằng, kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử dựng nước, giữ nước, trong truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Đó là hình ảnh cao đẹp được nhân dân truyền tụng của kiểu mẫu những người cầm vũ khí, của nghĩa sĩ, nghĩa binh, nghĩa quân đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Từ cội nguồn dân tộc có thể thấy, kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ có sức sống bền vững, thấm sâu trong tâm thức dân tộc.

Trước yêu cầu mới trong xây dựng Quân đội theo mục tiêu “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, tinh, gọn, mạnh, việc tập trung mọi nỗ lực để tiếp tục xây dựng, nuôi dưỡng kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ là tất yếu và trở thành một nội dung xuyên suốt trong toàn bộ quá trình xây dựng Quân đội. Có nghĩa là nuôi dưỡng và xây dựng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới nhằm mục tiêu tạo ra những thế hệ kế tiếp nhau trở thành người quân nhân cách mạng có đủ trình độ, phẩm chất, bản lĩnh, năng lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát triển toàn diện con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trước yêu cầu mới đó, nhiệm vụ tiếp tục phát huy, phát triển kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ phải đồng thời xử lý hai quan hệ lớn. Một là, quan hệ giữa bảo đảm sự thống nhất hài hòa yêu cầu chung đối với con người Việt Nam thời kỳ mới và yêu cầu riêng mang tính đặc thù của người chiến sĩ trong tổ chức quân sự cách mạng. Điều đó sẽ tạo ra hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, đồng thời chuẩn bị cho sự phát triển phẩm chất công dân theo những đòi hỏi hiện đại, khi người cán bộ, chiến sĩ xuất ngũ. Đây là bài toán mới và khó. Hai là, quan hệ đặc thù nằm ngay trong bản thân Quân đội, đó là kiên định và sáng tạo, là "xây" và "chống". Một mặt vừa khẳng định những giá trị cốt lõi, cơ bản, dứt khoát không thể thay đổi, mặt khác sẵn sàng, nhạy bén, chủ động nuôi dưỡng, bổ sung, phát triển các nội dung, chuẩn mực mới cần và phải có trong nhân cách Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Định hướng, tỉnh táo xử lý đúng quan hệ trên sẽ giúp Quân đội chủ động trong quá trình nuôi dưỡng, phát huy, phát triển nhân cách Bộ đội Cụ Hồ, tránh được hai khuynh hướng, hoặc là bảo thủ, cứng nhắc, hoặc là lúng túng, bị động trước những tác động ngày càng đa chiều, phức tạp từ bên ngoài đối với tổ chức Quân đội. Đó là quan hệ giữa "xây "và "chống", xử lý đúng quan hệ đó sẽ là “vũ khí” hữu hiệu để bảo vệ, phát huy, phát triển nhân cách Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Sự đổi mới toàn diện các lĩnh vực cơ bản trong hoạt động của Quân đội, đặc biệt là công tác Đảng, công tác chính trị, tư tưởng-văn hóa trong Quân đội sẽ là chìa khóa giải quyết hiệu quả hai quan hệ cơ bản trên.

Tiếp tục bồi đắp, phát triển nhân cách Bộ đội Cụ Hồ

Tình hình thế giới và trong nước thời kỳ mới, từ nay đến giữa thế kỷ 21 có cả những thuận lợi, thời cơ, yêu cầu mới và cả những thách thức, khó khăn, tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ từ góc nhìn tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, chúng ta cũng nhận rõ những cơ hội lớn và cả những thách thức chưa từng có so với những năm trước đây. Cần khẳng định dứt khoát, không phải là một công thức quen thuộc mà là những thuận lợi có tính thực tiễn, đó là Đảng tiếp tục lãnh đạo Quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; đó là sự tin yêu không bao giờ thay đổi của nhân dân dành cho Quân đội; đó là các truyền thống quý báu của Quân đội được xây đắp trong 80 năm qua.

Gắn với yêu cầu và đặc điểm của thời kỳ lịch sử mới của dân tộc, cần phải nhấn mạnh một cơ hội lớn sau đây: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Xây dựng Quân đội, phát triển nhân cách Bộ đội Cụ Hồ phải được đặt trong khát vọng tinh thần lớn lao đó của toàn dân tộc. Và trong khí thế đó, theo truyền thống 80 năm của mình, Quân đội nói chung và những người mang danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ phải là những người tiên phong, nòng cốt, góp phần xứng đáng nhất của mình vào sự nghiệp vĩ đại chung của toàn dân tộc. Tôi nghĩ rằng, Bộ đội Cụ Hồ có đủ nội lực để làm được điều đó.

Những thách thức lớn tác động phức tạp đến nhiệm vụ xây dựng Quân đội nói chung và nuôi dưỡng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ nói riêng như âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội, “giải thể hệ tư tưởng”... do các thế lực thù địch, phản động gây ra cũng chính là những lực cản nguy hiểm, vì vậy, chúng ta cần tỉnh táo và có bản lĩnh vững vàng để vượt qua. Những mặt tiêu cực trong đời sống xã hội và trong quá trình hội nhập quốc tế đang hằng ngày tác động đến đời sống tinh thần, tâm lý của cán bộ, chiến sĩ, dẫn tới những biến động, thay đổi trong việc sắp xếp và lựa chọn các giá trị văn hóa-giá trị sống. Có khuynh hướng coi các giá trị như sự dũng cảm, hy sinh, lòng trung thực là “dại dột”, hay lòng tốt, sự thủy chung không tạo ra của cải vật chất, đồng tiền... Những nhân tố mới đang hình thành trong thời kỳ quá độ này phải trải qua một quá trình đấu tranh âm thầm mà quyết liệt như Bác Hồ viết trong Di chúc, đó là “cuộc chiến đấu khổng lồ” giữa cái cũ, hư hỏng với cái mới mẻ, tốt tươi.

Những cơ hội, thách thức và đặc điểm mới trên đây cho thấy, tiếp tục vận dụng và phát huy những kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ là hết sức cần thiết, quan trọng, đồng thời thực tiễn mới đòi hỏi tư duy mới, những giải pháp, tìm tòi, sáng tạo mới. Kết hợp sinh động cả hai mặt đó, nhiệm vụ to lớn tiếp tục bảo vệ, xây dựng, phát triển kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ ngày hôm nay và trong tương lai sẽ hoàn thành trọn vẹn.

Tiếp tục khẳng định, nâng cao giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ

Có thể thấy rằng, điểm hội tụ sức mạnh chiến đấu, sức mạnh tổng hợp của Quân đội thời kỳ mới chính là xây dựng thành công vững chắc kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ. Đặc trưng của kiểu mẫu nhân cách này, xét từ chiều sâu nhất của nó, là sự thống nhất và chuyển hóa từ yêu cầu, giá trị chính trị trở thành các giá trị văn hóa thấm sâu trong nhân cách người quân nhân cách mạng. Có nghĩa là, trong công tác chính trị, tư tưởng cần tạo được sự chuyển hóa từ nhận thức lý trí (cái đúng của các giá trị chính trị) thành nhu cầu, khát vọng của lẽ sống-các giá trị văn hóa thấm sâu trong thế giới tinh thần, tình cảm. Đó là con đường khó nhất nhưng hiệu quả nhất tạo nên phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Một số nội dung giáo dục gắn chặt giữa chính trị và văn hóa, giữa nhận thức lý trí và nuôi dưỡng tình cảm người chiến sĩ: Tình yêu và lòng trung thành với Tổ quốc; truyền thống và văn hiến dân tộc, tình yêu dân tộc của người chiến sĩ; lòng hiếu thảo của Bộ đội Cụ Hồ với nhân dân; lòng tự trọng và danh dự của chiến sĩ, tình thế lựa chọn của người lính và sự sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Cùng với chương trình học tập chính trị, các nội dung trên nhằm đáp ứng nhu cầu mới và phù hợp với tình hình thời kỳ mới. Giải đáp thỏa đáng với sức thuyết phục cao các vấn đề trên sẽ giúp cho việc bồi dưỡng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ giai đoạn mới đạt hiệu quả tối ưu.

“Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” là những mục tiêu xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới. Lâu nay, có khuynh hướng nhìn nhận các tiêu chí trên ở mặt chính trị-quân sự. Điều đó đúng, song chưa đủ. Xét từ chiều sâu của các tiêu chí trên, cần nhìn nhận đó chính là các giá trị văn hóa hết sức độc đáo của Quân đội ta. Sự giải đáp và truyền tải các tiêu chí này hòa quyện, xuyên thấu vào nhau: Yêu cầu chính trị và giá trị văn hóa để trở thành giá trị văn hóa chính trị của Quân đội ta. Công việc này cần được thực hiện trong công tác đào tạo sĩ quan của các nhà trường Quân đội-cái nôi quan trọng để rèn luyện phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Từ môi trường đó, họ sẽ lan tỏa trong toàn quân và góp phần nòng cốt, chủ yếu tiếp tục giúp cho các thế hệ nối tiếp nhau rèn luyện phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Phát huy cao độ sức mạnh, tính ưu việt của văn hóa-văn nghệ trong phát hiện, đúc kết, góp phần xây dựng, khẳng định, truyền bá và lan tỏa danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một truyền thống văn hóa của Quân đội ta trong suốt 80 năm qua. Văn hóa-văn nghệ trong Quân đội luôn là một lực lượng đồng hành tin cậy, giàu sức cổ vũ, kêu gọi đối với chiến sĩ trên các mặt trận ác liệt nhất. Trong thời kỳ mới, truyền thống và thành tựu đó cần được tiếp tục giữ gìn và phát triển. Trong 80 năm qua, đã có hàng nghìn công trình, tác phẩm văn hóa-văn nghệ Quân đội trở thành người bạn thân thiết, có sức vẫy gọi các thế hệ cán bộ, chiến sĩ vươn lên trở thành anh hùng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Trong thế giới tinh thần, tâm hồn, tình cảm của mỗi chiến sĩ mang danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đều lấp lánh những hình ảnh, âm thanh từ các tác phẩm văn học, nghệ thuật làm nên sự giàu có tinh thần, trong sáng, cao cả của Bộ đội Cụ Hồ. Với ý nghĩa đó, trong thời kỳ mới, tiếp tục phát triển mạnh mẽ văn hóa-văn nghệ trong Quân đội không chỉ vì nó là một kênh trong dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng Việt Nam hiện đại mà còn chính là một sức mạnh tạo nên vẻ đẹp của nhân cách Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Có thể thấy, kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa độc đáo cần phải được giữ gìn, củng cố và phát triển trong thời kỳ lịch sử mới để nó trở thành chuẩn mực văn hóa cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và góp phần làm phong phú cho các di sản, tài sản văn hóa của dân tộc ta.

GS, TS Đinh Xuân Dũng/ Theo qdnd.vn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cham-lo-boi-dap-phat-trien-kieu-mau-nhan-cach-bo-doi-cu-ho-post484894.html
Zalo