Chấm dứt tình trạng 'đi bộ' trong giải ngân vốn đầu tư công

Để hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công (ĐTC) trong năm 2025, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, chủ đầu tư phải tăng tốc ngay từ đầu năm, chấm dứt tình trạng 'đi bộ' trong việc thực hiện giải ngân vốn.

Thi công Dự án Thành phần 3, Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh. Ảnh: P.Tùng

Thi công Dự án Thành phần 3, Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh. Ảnh: P.Tùng

Năm 2025, Đồng Nai tiếp tục đặt mục tiêu phải giải ngân trên 95% nguồn vốn ĐTC theo kế hoạch.

Chưa đạt kỳ vọng

Tính đến ngày 20-3, tổng vốn ĐTC đã giải ngân là gần 883 tỷ đồng, đạt 5,6% so với kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ĐTC của tỉnh đang thấp hơn tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC bình quân của cả nước (cả nước hơn 7,2%).

Theo Sở Tài chính, tính đến ngày 20-3, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC của tỉnh đang xếp thứ 20 từ thấp đến cao. So với một số tỉnh, thành lân cận, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ĐTC của tỉnh đang thấp hơn so với Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.

Đánh giá về tình hình giải ngân vốn ĐTC trong 3 tháng đầu năm 2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đạt kỳ vọng.

Phó giám đốc Sở Tài chính Phan Trung Hưng Hà cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC của tỉnh trong 3 tháng đầu năm còn đạt thấp. Trong đó, việc chậm trễ trong việc hoàn chỉnh hồ sơ phê duyệt dự án đầu tư làm ảnh hưởng đến việc giao vốn kế hoạch năm 2025. Cùng với đó, công tác phối hợp giữa chủ đầu tư các dự án có phần bồi thường giải phóng mặt bằng với các địa phương chưa thật sự tốt.

“Dự án Đường 25B, chủ đầu tư chưa bàn giao ranh mốc thực tế cho UBND huyện Nhơn Trạch nên chưa thể triển khai công tác đo đạc, thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng; Dự án Đường 25C, chủ đầu tư chưa phối hợp với UBND huyện Long Thành đăng ký nguồn vốn năm 2025 để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đoạn trên địa bàn huyện Long Thành nên chưa có cơ sở bố trí vốn thực hiện” - ông Phan Trung Hưng Hà cho hay.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến với các chủ đầu tư và các địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà đã yêu cầu các đơn vị phải thực hiện giải ngân để đến ngày 30-11, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC trên địa bàn tỉnh phải đạt 90% kế hoạch.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án của các chủ đầu tư vẫn còn chậm, việc lựa chọn các đơn vị tư vấn lập hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công còn hạn chế nên hồ sơ phải chỉnh sửa nhiều lần trong quá trình thẩm định của các sở. Đối với các dự án bố trí vốn thực hiện (vốn khởi công), cùng một quy định nhưng có một số dự án chủ đầu tư triển khai thiết kế bản vẽ thi công chậm nên đến cuối năm mới hoàn thành công tác đấu thầu và chỉ thực hiện việc tạm ứng hợp đồng, không có khối lượng nghiệm thu để thanh toán.

Ngoài ra, công tác đăng ký nhu cầu sử dụng vốn thực hiện dự án của một số chủ đầu tư vẫn không đảm bảo so với tiến độ thực hiện của dự án, dẫn đến trong năm thực hiện phải báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch đã giao, một số dự án hoàn thành nhưng thừa vốn đã bố trí. Công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng của một số chủ đầu tư còn chậm, có dự án đã tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm 2024, đến nay vẫn chưa triển khai thi công. Công tác tổ chức đấu thầu của một số đơn vị cũng còn hạn chế.

Kiến nghị hướng dẫn xử lý nhà thầu thi công chây ì

Hiện nay, một trong những nguyên nhân được nhận định dẫn đến tình trạng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ĐTC còn đạt thấp là tiến độ thi công các gói thầu xây lắp của một số nhà thầu còn chậm.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ngô Thế Ân cho biết, công tác quản lý tiến độ thi công của các nhà thầu là một trong những vấn đề mấu chốt để thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn ĐTC. Do đó, với vai trò chủ đầu tư của nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đặc biệt chú ý đến công tác quản lý tiến độ thi công các gói thầu xây lắp.

Theo ông Ân, về lý thuyết, sau khi trúng thầu, nhà thầu sẽ lập đường gantt tiến độ, bảng phân khai chi tiết tiến độ thi công dự án sau khi ký hợp đồng để triển khai thực hiện và giám sát. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có tình trạng phải thực hiện song song công tác giải phóng mặt bằng và thi công. Vì thế, để đảm bảo tiến độ thi công, nhất là với các dự án trọng điểm có thời hạn hoàn thành vào cuối năm 2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phải yêu cầu nhà thầu báo cáo tiến độ đối với từng diện tích mặt bằng đã được bàn giao. Hàng tháng, nhà thầu phải điều chỉnh tiến độ để đáp ứng mốc thời gian hoàn thành dự án.

“Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh mới đây đã có 4 văn bản thông báo vi phạm tiến độ hợp đồng và 3 thông báo nhắc nhở các nhà thầu thi công tại 2 dự án trọng điểm quốc gia là Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh” - ông Ân cho hay.

Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đơn vị đã ban hành 3 quyết định xử phạt đối với 3 nhà thầu thi công chây ì. Tuy nhiên, hiện đơn vị vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể để thực hiện xử phạt đối với các nhà thầu thi công chây ì tại các dự án.

“Chúng tôi cũng kiến nghị các sở, ban, ngành hướng dẫn để thực hiện xử phạt đối với các nhà thầu thi công chây ì tại các dự án đầu tư công”- ông Tuấn đề nghị.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/cham-dut-tinh-trang-di-bo-trong-giai-nganvon-dau-tu-cong-f896ecb/
Zalo