Chấm dứt điệp khúc 'chặt - trồng, trồng - chặt' thanh long ở Long An

Nhiều năm qua, thanh long là một trong những cây trồng chủ lực ở Long An, góp phần giúp người dân giảm nghèo, làm giàu. Tuy nhiên, 'bài toán' thị trường đòi hỏi các HTX, nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng liên kết, hình thành chuỗi giá trị.

Thời gian qua, trong bối cảnh chi phí chăm sóc tăng, giá bán thanh long liên tục duy trì ở mức thấp đang khiến không ít hộ sản xuất trên địa bàn huyện Tân Trụ, tỉnh Long An lâm vào khó khăn, thu không đủ bù chi, từ đó có ý định phá vườn để trở lại làm lúa hoặc chuyển đổi cây trồng.

Khi thắng lớn, lúc khóc ròng

Từng đầu tư 250 triệu đồng để cải tạo vườn, phát triển 5.000 m2 trồng thanh long với hy vọng loại “trái cây vua” một thời sẽ phát huy giá trị, nâng cao thu nhập, nhưng nay mọi thứ đang trở nên vô cùng khó khăn với gia đình chị Nguyễn Ngọc Trinh, ngụ xã Bình Trinh Đông.

“Chi phí nhân công, điện nước, phân bón... ngày càng tăng, trong khi giá không mấy khi lên cao khiến thu nhập của chúng tôi bị sụt giảm. Gia đình tôi sẽ kiên trì thêm một thời gian, nếu vẫn không ổn sẽ phá vườn để quay lại trồng lúa”, chị Trinh tâm sự.

Thanh long vẫn đang là một trong 4 loại trái cây chủ lực, giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân ở Long An (Ảnh: BLA).

Thanh long vẫn đang là một trong 4 loại trái cây chủ lực, giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân ở Long An (Ảnh: BLA).

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại “thủ phủ” thanh long Châu Thành (chiếm 90% diện tích trồng thanh long ở Long An). Hàng trăm hộ dân đang cải tạo đất trồng thanh long để trồng dừa, mít, chuối, vú sữa, đu đủ, rau màu các loại. Có nhà vườn chuyển sang trồng mai vàng.

Ông Duẩn, thành viên Tổ hợp tác trồng thanh long xã Hòa Phú (huyện Châu Thành), cho hay vụ năm 2024, tính đến nay phần lớn thời gian giá thanh long duy trì mặt bằng thấp, chỉ duy nhất thời điểm từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5 là lên cao.

Thời điểm đó, theo ông Duẩn, trái thanh long ruột trắng (loại phổ biến) chạm ngưỡng 18-23 nghìn đồng/kg mua xô (cả lớn và nhỏ). Thanh long ruột đỏ (chiếm trên dưới 10% tổng diện tích) loại 1 được thương lái mua 40-45 nghìn đồng/kg, loại 2 khoảng 25-30 nghìn đồng/kg.

“Giá bán được cải thiện giúp các hộ trồng thanh long lớn nâng cao lợi nhuận, nhiều hộ đạt lợi nhuận trên 250 triệu đồng/ha, tùy loại. Với những hộ trồng nhỏ lẻ, lợi nhuận cũng đạt bình quân 15-30 triệu đồng/sào (1.000m2)”, ông Duẩn cho hay.

Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng tăng mạnh, giá thanh long lại xuống thấp cho đến hiện tại. Thực tế, việc giá thanh long giảm đã được dự báo trước. Từ tháng 6 đến tháng 11, Trung Quốc vào vụ thu hoạch, nguồn cung cũng được bổ sung nên giá thanh long trong nước chững lại.

Ứng dụng kỹ thuật, nâng cao chất lượng

Có thể thấy, thị trường tiêu thụ vẫn đang là “bài toán” nan giải với những người trồng thanh long ở Long An, thực tế này đòi hỏi cần có sự thay đổi cả về cách nghĩ, cách làm để tìm ra “lối thoát hiểm”.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch HĐQT HTX thanh long Long Trì, cho hay người trồng thanh long thường hay canh tác theo phương pháp truyền thống, ít quan tâm đầu tư đạt chuẩn VietGAP hoặc cao hơn, vì vậy phải bán theo giá thị trường, giá cả bấp bênh là điều không tránh khỏi.

Đơn cử, HTX thanh long Long Trì có khoảng 2ha đạt chuẩn GlobalGAP tìm được đầu ra với mức giá cao và ổn định.

Điều này cho thấy sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra sản phẩm chất lượng cao là chìa khóa để đảm bảo thị trường tiêu thụ. Nhưng để sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức và áp dụng kỹ thuật thì sản phẩm mới đạt yêu cầu về chất lượng và sản lượng.

Nâng cao chất lượng sản phẩm là chìa khóa để trái thanh long lấy lại vị thế, tăng giá trị (Ảnh: BLA).

Nâng cao chất lượng sản phẩm là chìa khóa để trái thanh long lấy lại vị thế, tăng giá trị (Ảnh: BLA).

Không chỉ ở HTX Long Trì, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các HTX, nông dân trồng thanh long ở Long An cũng đang liên tục “làm mới mình” để thích ứng, với sự chủ động trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất.

HTX Long Hội (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) là một trong những điển hình về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thanh long của tỉnh.

Ông Trương Minh Trung, Giám đốc HTX Long Hội, cho biết thời gian qua, HTX đầu tư ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm để giảm công lao động và chi phí đầu vào, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất truyền thống.

“Toàn HTX có trên 50ha thanh long với trên 60 thành viên, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và được Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ bao tiêu với giá ổn định, cao hơn thị trường từ 5.000-7.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, thành viên HTX thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha”, ông Trung chia sẻ.

Hiệu quả từ các HTX, tổ hợp tác cũng góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng cho các hộ sản xuất thanh long tại nhiều địa phương ở Long An. Như ở xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, vốn là xã thuần nông nhưng nay đang có chuyển biến toàn diện nhờ hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ông Ngô Văn Nhàn, ngụ ấp Bình Điện, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu nhờ chuyển đổi 1,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, để tránh tình cảnh “được mùa, mất giá”, ông Nhàn đã ứng dụng kỹ thuật xông đèn để “ép” cây ra quả trái vụ, từ đó thanh long bán được giá, cho thu nhập cao hơn.

“Nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, vườn thanh long của gia đình tôi luôn đạt năng suất bình quân 18 - 20 tấn/ha/vụ, thu lãi trên 500 triệu đồng/năm”, ông Nhàn phấn khởi nói.

Đa dạng thị trường tiêu thụ

Theo thống kê, toàn huyện Châu Thành hiện có 641,31 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP và 323 ha được cấp giấy chứng GlobalGAP. Ngành nông nghiệp huyện nói riêng và tỉnh Long An cũng luôn tuyên truyền và hướng dẫn người dân sản xuất đúng quy chuẩn chất lượng.

Việc giá cả bấp bênh khiến nhiều người dân phá bỏ vườn thanh long để chuyển đổi là vấn đề được tỉnh đặc biệt quan tâm và có những giải pháp để hỗ trợ người dân, HTX. Hiện, các sở ngành của tỉnh đang nỗ lực tìm đầu ra ổn định bền vững cho trái thanh long, vì đây là cây trồng chủ lực của địa phương.

Hiện nay, diện tích thanh long toàn tỉnh Long An có khoảng 8.900ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành và một số huyện lân cận như Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa và TP Tân An... Riêng tại huyện Châu Thành, diện tích thanh long hiện còn khoảng 6.800ha.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 236 mã số vùng trồng được cấp để thanh long xuất sang các thị trường trên thế giới. Công tác xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho thanh long cũng được đẩy mạnh nhằm giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua đó, nâng cao uy tín, thương hiệu, đưa trái thanh long tiếp cận những thị trường khó tính trên thế giới.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cho hay hiện nhu cầu của thế giới về thanh long vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, ngoài yếu tố đẹp, bắt mắt thì các thị trường xuất khẩu và người tiêu dùng còn quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do đó, theo ông Trịnh, thời gian tới, nông dân cần thay đổi tập quán sản xuất, tập trung xây dựng mã số vùng trồng, chú trọng sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đặc biệt là chú ý đến các quy định, yêu cầu từ thị trường xuất khẩu để có đầu ra ổn định.

Mỹ An

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/cham-dut-diep-khuc-chat-trong-trong-chat-thanh-long-o-long-an-1101814.html
Zalo