Chấm điểm thực chất

Nga đã làm sai 10/19 bài toán, cho dù năm vừa qua bé đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, và các bài toán lớp 3 này là kiến thức bé đã được học trong năm vừa qua.

Nghỉ hè, gia đình cho bé Hoàng Thị Nga (9 tuổi), ở huyện Thanh Thủy, Phú Thọ về Hà Nội chơi với 2 con của dì, cũng trạc tuổi bé Nga. Một em chuẩn bị vào lớp 3, em còn lại sắp vào lớp 1. Để các con không chỉ chơi đùa, xem ti vi cả ngày, chị Hòa (34 tuổi), dì bé Nga, đã giao bài tập trước khi đi làm cho cả 3 em. Riêng Nga, chị chỉ giao Toán lớp 3, để bé ôn lại kiến thức đã học trong năm vừa qua, không giống như 2 em đang phải làm quen dần với kiến thức mới của lớp 1 và lớp 3.

Tuy nhiên, khi đi làm về, chị Hòa kiểm tra thì thấy Nga tuy đã làm đầy đủ bài tập, nhưng có 19 bài toán (trên trang giáo dục trực tuyến VioEdu), trong đó bé chỉ làm đúng 9 câu, tức là chưa đến một nửa. Và đây là những bài toán cơ bản, chỉ cần vận dụng những gì thầy cô dạy là có thể giải được. Với các bài toán cần suy luận, hầu như bé Nga không thể làm được.

“Tôi về quê, nghe cô giáo nói bé Nga học còn đuối, chỉ ở mức trung bình, nhưng đến trường vẫn được chấm điểm, xếp hạng học sinh xuất sắc. Nhưng các bài đã học lại không làm lại được ở mức trung bình thì có lẽ việc xếp loại của các cháu không chính xác và không thực chất” - chị Hòa nói.

Chưa rõ việc chấm điểm và xếp loại học sinh ở trường bé Nga có thực chất hay không, mang tính điển hình, là ví dụ tiêu biểu cho cái gọi là bệnh thành tích hay chỉ là trường hợp cá biệt. Nhưng học sinh xuất sắc mà kiến thức, kỹ năng chưa đáp ứng được đòi hỏi trung bình thì rõ ràng là có vấn đề.

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Quy định đánh giá học sinh tiểu học kèm theo Thông tư 27/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá kết quả giáo dục học sinh tiểu học đạt mức “xuất sắc” nếu học sinh này đáp ứng các điều kiện như sau: Kết quả đánh giá các môn học và hoạt động giáo dục đều đạt mức hoàn thành tốt; Những phẩm chất và năng lực được đánh giá đạt mức tốt; Tất cả bài kiểm tra định kỳ cuối năm của các môn học đều đạt 9 điểm trở lên.

“Thỉnh thoảng tôi vẫn xem bài kiểm tra của cháu. Tôi thấy lạ là có bài sai nhiều mà thầy vẫn cho 9 điểm” - bà Hạnh, bà ngoại bé Nga, nói.

Căn cứ vào câu chuyện của bé Nga, có thể thấy hiện tượng “bội thực” học sinh giỏi tiểu học đã được nói từ nhiều năm trước, nay vẫn có biểu hiện ở nơi này nơi kia. Xét theo các tiêu chí, để đạt danh hiệu học sinh xuất sắc thì học sinh phải học đều trong năm, các môn được giáo viên đánh giá hoàn thành tốt và các bài kiểm tra định kỳ đều đạt từ 9 điểm trở lên, như vậy là rất vượt trội. Nhưng thực tế cũng cho thấy, khi giáo viên chạy theo thành tích, chỉ tiêu khá giỏi thì vẫn có cách để một học sinh trung bình được xếp vào hàng xuất sắc, như trường hợp bé Nga.

Điểm số là một dạng phản hồi quan trọng giúp học sinh nắm được trình độ học tập của bản thân so với yêu cầu của chương trình học. Qua đó, học sinh và phụ huynh có thể điều chỉnh chiến lược học tập, tập trung vào những điểm yếu và phát huy điểm mạnh. Nhưng điểm số nếu không thực chất sẽ tiềm ẩn những tác động tiêu cực.

“Tôi đã nói chuyện với bố mẹ bé Nga để anh chị nhận thức đúng về sức học của con và có hướng bồi dưỡng thêm những phần bé còn yếu. Nhưng nếu ở trường, bé cứ tiếp tục được xếp loại vượt năng lực thì chưa chắc anh chị tôi sẽ nhận ra vấn đề” - chị Hòa nói.

Điểm số cao có thể khích lệ tinh thần học tập của học sinh, giúp các em cảm thấy tự hào về thành tích của bản thân và có thêm động lực để tiếp tục cố gắng. Nhưng điểm số cao không thực chất có thể gây ra ảo tưởng năng lực ở học sinh, khiến cha mẹ học sinh đánh giá sai về năng lực thực sự của con mình. Đánh giá sai dẫn đến tầm nhìn sai, và tiếp đến là hành động sai.

A.Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cham-diem-thuc-chat-10284473.html
Zalo