Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số

Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số (DTTS), giúp các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, tạo tiền đề cho việc học tập, lĩnh hội kiến thức khi bước vào bậc học tiếp theo.

Theo báo cáo của ngành giáo dục, toàn tỉnh hiện có 230 trường mầm non với trên 52.000 trẻ theo học, trong đó trẻ mầm non DTTS là hơn 45.800 trẻ, chiếm 87,9%. Tính riêng trường mầm non ở vùng khó khăn, toàn tỉnh hiện có 95 trường và 361 điểm trường lẻ với trên 10.000 trẻ theo học. Theo thống kê hằng năm của ngành, 100% trẻ DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non đều được tăng cường tiếng Việt, có trên 99% trẻ mầm non ra lớp được đánh giá đạt mục tiêu phát triển ngôn ngữ theo độ tuổi; 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra trường nhận biết và phát âm đúng các chữ cái tiếng Việt.

Quan tâm bồi dưỡng giáo viên

Bà Nguyễn Ngọc, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hằng năm phòng đều xây dựng kế hoạch, tham mưu cho lãnh đạo sở chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên về phương pháp, kỹ năng dạy học tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS; chỉ đạo phòng giáo dục các huyện, thành phố tập trung tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên về công tác quản lý, phương pháp, kiến thức và kỹ năng tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập để tăng cường chuẩn bị tiếng Việt phù hợp với đối tượng trẻ mầm non người DTTS. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị tiếp tục quan tâm triển khai, thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên và công tác quản lý các hoạt động dạy học, nghiệp vụ, kỹ năng dạy học lớp ghép tại điểm trường lẻ...

Góc học tập tăng cường tiếng Việt của trẻ tại Trường Mầm non Hồng Thái, huyện Bình Gia

Góc học tập tăng cường tiếng Việt của trẻ tại Trường Mầm non Hồng Thái, huyện Bình Gia

Từ năm 2021 đến nay, ngành giáo dục đã tổ chức cho 5.162 lượt cán bộ quản lý, giáo viên dạy trẻ em người DTTS được bồi dưỡng tiếng dân tộc nhằm tiếp cận và giảng dạy hiệu quả cho trẻ DTTS vùng cao; tổ chức cho hơn 13.744 cán bộ quản lý, giáo viên về tập huấn nâng cao năng lực dạy vùng DTTS; bồi dưỡng cho 1.715 lượt cán bộ quản lý, giáo viên về nâng cao trình độ đào tạo dạy vùng DTTS; đồng thời bồi dưỡng cho 122 cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em người DTTS...

Để trẻ làm quen với tiếng Việt mọi lúc mọi nơi

Cùng với việc tham gia tập huấn, bồi dưỡng, các đơn vị trường học đã thực hiện rà soát và xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, phòng học; xây dựng các góc thư viện, góc cho trẻ làm quen với tiếng Việt... và làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo đảm bảo điều kiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS trước khi vào lớp 1. Đồng thời, việc xây dựng, tạo môi trường cho trẻ làm quen với tiếng Việt, với chữ viết trong các trường, nhóm lớp mầm non luôn được các trường quan tâm, cụ thể: các góc hoạt động, giá, kệ đồ chơi, đồ dùng, học liệu, sản phẩm của trẻ trong các chủ đề, cây xanh, cây cảnh… đều được gắn tên và chữ phù hợp; tranh truyện chữ to, tranh ảnh theo chủ đề được sắp xếp sinh động, hấp dẫn trong các góc chơi nhằm thu hút sự chú ý của trẻ; tổ chức hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa... qua đó giúp trẻ có thêm môi trường làm quen với chữ viết và đọc sách, có thêm nhiều cơ hội học tập, tăng cường tiếng Việt một cách tự nhiên, không gò ép.

Cô Lưu Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Thanh Lòa, huyện Văn Lãng cho biết: Năm học 2023 – 2024, trường có 91 trẻ theo học và có 9 giáo viên trực tiếp giảng dạy. Nhận thức được việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non nói chung, trẻ em người DTTS nói riêng ngay từ năm đầu đời là vô cùng cần thiết nên hằng năm Ban giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên xây dựng môi trường tiếng Việt trong nhóm/lớp theo hướng mở, sắp xếp các góc linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế, đồ dùng, đồ chơi đa dạng, có gắn nhãn tên đầy đủ, tiêu đề các góc được lựa chọn tên gọi gần gũi, thân thiện với trẻ. Hằng ngày, qua việc hướng dẫn, gợi mở của giáo viên, trẻ được hoạt động trong môi trường chữ viết, được củng cố rèn khả năng nhận biết phát âm chữ cái, chữ số, cách đọc từ tiếng Việt... Đặc biệt, nhà trường chỉ đạo 6/6 lớp xây dựng góc tăng cường tiếng Việt để cho trẻ hoạt động ngay tại góc chơi. Góc tăng cường tiếng Việt được trang trí theo chủ đề, mỗi góc đều có các hình ảnh, đồ dùng, đồ chơi gắn từ tiếng Việt đã được giáo viên lựa chọn...

Cùng đó, các trường mầm non còn chú trọng xây dựng các góc hoạt động cho trẻ ngoài lớp học như: góc thiên nhiên, góc chợ quê, góc thư viện; trên mỗi hình ảnh, đồ vật, đồ chơi có gắn các chữ cái, chữ số, từ tiếng Việt giúp trẻ thường xuyên được khám phá trải nghiệm tăng cường tiếng Việt qua việc nhận biết phát âm chữ cái, chữ số, đọc từ tiếng Việt trong các biển tên cây rau, cây hoa, các bài thơ… ở quanh sân trường. Ngoài ra, các bảng tin, khẩu hiệu, biểu bảng… ngoài trời cũng được giáo viên các trường khai thác để dạy trẻ trong các giờ tham quan, dạo chơi.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng trường và thực tiễn ở địa phương, đến nay, 100% trẻ em người DTTS trên địa bàn tỉnh được tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi; tỷ lệ trẻ em người DTTS ra lớp đạt trên 99%.

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tang-cuong-tieng-viet-cho-tre-mam-non-dan-toc-thieu-so-5013603.html
Zalo