Cha và con
Tôi và chồng vốn rổ rá cạp lại. Về ở với nhau khi cả hai đã có quá nhiều đổ vỡ và tổn thương, khi mà bố mẹ hai bên đã già yếu. Ngày đầu tiên về thăm gia đình, bố chồng tôi nói: 'Dép phải có đôi, trang giấy cũ đã rách thì cũng nên xé đi. Cuộc sống còn dài, không thể cứ nhìn mãi về phía sau mà bỏ phí những điều tốt đẹp ở phía trước. Hãy bỏ cái tôi xuống và biết vị tha, sống vì nhau. Các con nên nghiêm túc xác định mối quan hệ, để bố mẹ lo xong cho tròn trách nhiệm, tuổi già như đèn trước gió, có nhắm mắt xuôi tay cũng an lòng'.
Bố chồng tôi là cán bộ về hưu, trải qua bạo bệnh cách đây hơn 10 năm khiến ông chỉ biết làm bạn với chiếc xe lăn và chiếc cát-sét đã nhuốm màu thời gian. Những năm tháng tôi về làm dâu, ông còn không ngồi được xe lăn mà chủ yếu nằm trên giường bệnh. Mọi sinh hoạt diễn ra tại chỗ và tất cả nhờ vào mẹ chồng và bà dì. Tuy vậy, bố vẫn còn rất minh mẫn, đôi mắt quắc thước. Bố ít nói, không hay biểu lộ cảm xúc ra ngoài nhưng nói câu nào thấm câu đó. Biết hoàn cảnh nhà tôi neo người, chỉ còn mẹ già hay ốm đau. Bố bảo: “Bà có một mình, tuổi già hay tủi thân cần được chăm sóc. Con cứ ở dưới đó chăm sóc bà để đi làm cho tiện. Ngày nghỉ về thăm bố mẹ là được”.
Bố rất kén ăn, mẹ hay chồng tôi nấu mà không hợp khẩu vị là không ăn, ép thế nào cũng không được. Nhưng những món tôi nấu, dù không thích, bố vẫn cố gắng ăn. Bố thích nhất là củ kiệu nấu mẻ, thích ăn cá, mà đó cũng chính là khẩu vị của tôi, bởi vậy mỗi lần về nhà, hai bố con lại có chuyện để nói. Khi thì là cách nấu món này sao cho ngon, khi thì là loài cá này sinh trưởng ở đâu tốt rồi thì ngày xưa bố làm ở hồ sông Mực, cá nhiều lắm, có những con cá mè to nặng hàng chục kilôgam… Vài ba câu nói vu vơ không đầu, không cuối như thế giúp khoảng cách hai bố con càng gần nhau hơn. Ngày biết tôi mang bầu, mắt ông ánh lên niềm vui, dặn dò phải ăn uống cho đủ chất, nhớ đi khám định kỳ, mua thuốc uống bổ sung chất đầy đủ... Không thể ngờ rằng một người hơn 10 năm chỉ quanh quẩn ở nhà mà suy nghĩ và tư duy rất hiện đại.
Những ngày cuối đời, sức khỏe của bố ngày càng yếu, hầu như không ăn được gì, nhưng mỗi lần tôi đưa con về, ông đều cố gượng dậy nhìn cháu, thều thào dặn dò... Dù về làm con dâu của bố không được bao lâu thì ông mất, kỷ niệm với ông không nhiều nhưng đủ neo lại trong tôi những ấn tượng và tình cảm sâu đậm, đủ để tôi tin yêu cuộc sống sau những mất mát và đau khổ trong quá khứ, đủ để tôi nhận ra những giá trị vĩnh cửu và ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời. Sự sống là dòng chảy bất tận, là những chặng đường dài nối tiếp, không có điểm kết thúc mà chỉ là đôi khi trong hành trình dài rộng của cuộc đời, có lúc mỏi mệt, rệu rã, có những chặng đường không thể đi tiếp thì dừng lại bảo dưỡng rồi lại đón đợi và khởi động chặng tiếp. Và tôi luôn tin một điều sau dãy núi trơ trọi, khô cằn sẽ là cánh đồng bát ngát hương thơm, sau màn đêm đen sẽ là bình minh tươi sáng... Cảm ơn người đã cho con một gia đình đúng nghĩa!
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!