Cha mẹ - Người thầy đầu tiên giáo dục nhân cách cho con

Tính lan tỏa tích cực của Gia đình học tập chính là khởi đầu cho văn hóa và sự giàu mạnh của đất nước vì đó là nơi xuất phát và cũng chính là động lực của mỗi cá nhân. Cho dù có đi đâu, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương, để quay về.

Tác giả và những năm tháng tuổi thơ hạnh phúc với việc học hành. Ảnh: NVCC

Kết quả học tập của con cái phụ thuộc vào nhận thức và trình độ học vấn của cha mẹ

Một nghiên cứu xã hội học cho biết quan niệm học vấn của cha mẹ ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của con cái sau này mà còn trực tiếp liên quan đến kết quả học tập của con ở trường phổ thông. Để thực hiện được ý định của mình, các bậc cha mẹ phải đầu tư cho con từ học sinh Trung học phổ thông tiền bạc, thời gian, tri thức…".

Sự hiểu biết và trình độ của cha mẹ quan hệ mật thiết tới việc tạo lập môi trường học tập, văn hóa học tập của gia đình. Đó là thành lũy kiên cố để bảo vệ và giúp con trẻ duy trì và phát huy những yếu tố Chân - Thiện - Mỹ từ truyền thống của gia đình, quê hương đồng thời khơi dậy cho con ý tưởng sáng tạo, hình thành lối sống lành mạnh, góp phần vào quá trình hình thành phát triển nhân cách.

Nghiên cứu xã hội học cũng chỉ ra rằng: "trình độ học vấn của cha mẹ tác động đến học hành của con cái có khi trực tiếp, có khi gián tiếp thông qua biến số trung gian. Nó hoàn toàn có liên quan đến việc tạo ra môi trường văn hóa trong gia đình. Vấn đề mua sách báo thường xuyên cho bản thân và con cái là một trong những biểu hiện của mối liên quan này. Đây là nguồn bổ sung quan trọng cho hình thức học bên ngoài nhà trường tạo thói quen ham hiểu biết cho trẻ".

Bảng số liệu mối tương quan giữa trình độ học vấn của cha mẹ với mức độ mua sách báo cho con (nguồn: Học vấn của cha mẹ và kết quả học tập ở trường của con - Đặng Thanh Trúc - Xã hội học số 4 (52),1995)

Mức độ thường xuyên mua sách báo cho con của các bậc cha mẹ có trình độ đại học.

Mức độ thường xuyên mua sách báo cho con của các bậc cha mẹ có trình độ đại học.

Nghiên cứu đã chỉ ra việc cha mẹ có nhận thức tầm quan trọng của học tập gia đình, họ sẽ có hành động trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện trung gian để nâng cao khả năng tự học và nhận thức của con trẻ.

Đối với gia đình chúng tôi, cha mẹ đã dành nguồn thu nhập ít ỏi đặt cho chị em tôi những số báo Nhi Đồng để đọc như món quà định kỳ của chúng tôi ngay từ khi chuẩn bị vào lớp 1. Những con chữ đầu tiên của tôi cũng bắt đầu từ việc làm quen với đọc báo.

Việc mua sách báo có thể coi là sự đầu tư về mặt tri thức, tác động sâu sắc đến nhận thức của con trẻ. Sự quan tâm của cha mẹ từ những điều giản dị đó giúp tôi đến với việc học một cách thật tự nhiên, vui vẻ.

Tác giả và gia đình hạnh phúc của mình hiện tại. Ảnh: NVCC

Tác giả và gia đình hạnh phúc của mình hiện tại. Ảnh: NVCC

Gia đình học tập - trường học đầu tiên của con

Gia đình là tổ ấm - nơi tràn đầy tình yêu thương, tình nghĩa, trách nhiệm, vừa là trưởng học đầu tiên trên hành trình phát triển nhân cách con trẻ/ con người. Trường học đó rất đặc biệt vì ở đó con nhận nhận được tình cảm ruột thịt, được thỏa mãn nhu cầu quan trọng nhất của con người. Sự an toàn – khởi đầu để trẻ yên tâm học tập, trưởng thành nhân cách. Trong sự trưởng thành nhân cách đó có những đặc trưng của giáo dục gia đình, truyền thống quê hương, dòng họ.

Cha mẹ tôi sinh ra từ quê hương miền Trung "đất cằn sỏi đá", thiên nhiên khắc nghiệt. Bố tôi quê Hương Sơn - Hà Tĩnh, còn mẹ tôi quê Can Lộc - Hà Tĩnh. Miền quê nghèo đã tôi luyện cho con người nơi đây tinh thần hiếu học, vượt khó.

Bố mẹ tôi đã được ông bà nội ngoại chắt chiu, dành dụm miếng cơm, manh áo để học hành có công ăn việc làm để tu thân, lập nghiệp. Năm 1985, chàng thanh niên tốt nghiệp ngành Lâm nghiệp rời quê lên Tây Bắc, kết hôn với cô giáo viên sư phạm Đại học Tây Bắc trong tình yêu và niềm hy vọng về tương lai và hạnh phúc.

Hai chị em tôi chính là kết quả nảy nở của tình yêu đó và cũng trở thành "của để dành" của bố mẹ. Trong "trường học đầu tiên của con" bố mẹ tôi hiện thực nỗi niềm đau đáu của họ là "dạy con từ thuở còn thơ", làm sao để con cái được đến trường học tập và trở thành con ngoan, trò giỏi.

Ngay từ khi các con còn nhỏ tuy cuộc sống thời kỳ "tem phiếu" còn khó khăn, nhà ở tập thể nhà tranh vách đất bố mẹ tôi vẫn ưu tiên cho các con góc học tập ở nơi thoáng mát, sáng và yên tĩnh nhất. Bố tôi bố trí không gian học cho chị em tôi đầy đủ ánh sáng, ánh sáng tập trung ổn định, đầy đủ. Chiếc ri-đô bằng vải có sứ mệnh ngăn gian phòng để các con có thể tập trung học tập.

Bố mẹ tôi thường hạn chế các âm thanh lớn của radio, tivi: "tivi chỉ để xem hình"... khi con đang tập trung học tập. Việc này nhiều năm đó trở thành thói quen khiến đến giờ bố mẹ tôi cũng ít khi sử dụng thiết bị điện tử trước mặt con cháu.

Bố dạy chữ, giao bài tập hàng ngày cho hai chị em tôi và tranh thủ kiểm tra bài cho con sau mỗi giờ nghỉ trưa và vào buổi tối. Dù đồng lương eo hẹp (bố mẹ tôi đều là con trưởng nên dành một phần lương để phụ ông bà chăm sóc các em), công việc bận rộn nhưng gần như không ngày nào bố mẹ không nhắc nhở và chỉ bảo, đôn đốc chúng tôi học hành.

Ở "trường học đầu tiên" bố mẹ tôi dạy con thiết lập kỷ luật thông qua thời gian biểu hàng ngày cho các hoạt động như giờ ngủ dậy, ăn chơi, học tập, giải trí. Chúng tôi dần biết trân quý thời gian, sắp xếp thời gian biểu một cách hợp lý, kiên định, thực hiện các công việc hàng ngày.

Bố mẹ tôi hướng dẫn cho con tổ chức, sắp xếp công việc khoa học và hỗ trợ quan sát các kế hoạch công việc và nhắc nhở con thực hiện nghiêm túc các cam kết đó. Thông qua việc động viên kịp thời thì sự nghiêm khắc giáo dục của bố mẹ khi chúng tôi mắc lỗi cũng giúp chúng tôi hình thành khả năng tự chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Bố mẹ tôi cũng cho chúng tôi biết thế nào là kiên nhẫn và bao dung. Đôi lúc tôi không thực hiện những yêu cầu một cách nhanh chóng, chính xác bố mẹ còn rất kiên nhẫn đưa ra những lệnh đơn giản, cụ thể, rõ ràng bằng cách nhắc lại các yêu cầu đó mà không phàn nàn, chỉ trích. Dù ở tình huống nào bố mẹ tôi cũng khuyến khích con tương tác và hợp tác. Nhiều việc khó với con, bố tận tâm cầm tay chỉ việc, nhiều lần dùng cử chỉ điệu bộ hay lời nhắc nhở bằng lời.

Bố mẹ dành lời khen ngợi đối với chúng tôi khi hoàn thành tốt các công việc của mình. Khen ngợi việc tốt của con, chính là cách giáo dục nhân cách cho con và củng cố những hành vi tích cực. Con được lời khen ngợi của cha mẹ, nhất định sẽ càng thêm cố gắng hoàn thiện bản thân mình.

Kỳ công của cha mẹ với "trường học đầu tiên" đã giúp chúng tôi hình thành nhận thức, thái độ và có hành vi, thói quen học tập tích cực.

Dạy dỗ con cháu thảo hiền là mong ước của bất cứ gia đình nào. Ảnh: NVCC

Dạy dỗ con cháu thảo hiền là mong ước của bất cứ gia đình nào. Ảnh: NVCC

Xây dựng "Gia đình học tập" phải lấy con trẻ làm trung tâm

Sự phát triển và tương lai của con trẻ được coi là "tài sản" của gia đình. Chính vì lẽ đó giáo dục con cái là mục tiêu hàng đầu của cha mẹ. Những việc làm của cha mẹ ngay từ khi con ra đời đều tập trung dạy con "học ăn, học nói, học gói, học mở".

Con được giáo dục tỉ mỉ "không luận khi dùng cơm, khi ngồi hoặc đi đứng". Con biết chú ý đến lời chào, lời cảm ơn, nụ cười…. Con hiểu biết, khiêm tốn, nhường nhịn lớn nhỏ có thứ lớp, nhường để người lớn làm trước rồi mới đến lượt người nhỏ tuổi. Ảnh hưởng của giáo dục gia đình đối với con trẻ thể hiện trong nhận thức, thái độ và hành vi: coi trọng không gian sinh hoạt gia đình, giữ gìn bản thân, nơi chốn sao cho gọn gàng, sạch sẽ; quần áo nghi dung chỉnh tề, thanh khiết.

Sống trong không khí của "gia đình học tập" con biết yêu thương bản thân mình, sống nhân ái với mọi người, chan hòa với thiên nhiên, môi trường xung quanh và trở nên "giàu có". Vốn văn hóa đó làm nên sự "giàu có" trong con đã cho thấy tác dụng của gia đình học tập.

Bởi vậy "lấy con trẻ là trung tâm" là khởi đầu để giáo dưỡng những phẩm chất nhân cách cho con trên cơ sở sự phù hợp, thích nghi.

Bố mẹ nào cũng cần nhận thức rõ vai trò của việc" lấy con trẻ làm trung tâm" để xây dựng gia đình học tập. Giáo dục gia đình được thực hiện khi cha mẹ coi trọng giáo dục những phẩm chất tốt đẹp của con người mà trong đó bố mẹ là người tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày để bản thân trở thành tấm gương cho con cái.

Bên cạnh học văn hóa, chữ nghĩa thì cha mẹ ảnh hưởng sâu sắc đến con cái với những giá trị đạo đức truyền thống như: lòng yêu nước, tinh thần cần cù lao động, chịu thương, chịu khó, hiếu thảo…

Nội dung giáo dục con cái của bố mẹ chủ yếu thông qua các hình mẫu và phương pháp giáo dục rất đa dạng. Thông qua các tiêu chuẩn học tập từ việc rèn chữ nghĩa để hình thành "nét chữ nét người", tu tâm dưỡng tính. Bố mẹ dạy phép tắc, lễ nghi và những phẩm chất đạo đức làm nên một con người ngay thẳng, chính trực.

Con trẻ được tư do phát triển Trí - Thể - Mỹ. Ảnh: NVCC

Con trẻ được tư do phát triển Trí - Thể - Mỹ. Ảnh: NVCC

Giống như nhiều "gia đình học tập" khác, bố mẹ tôi đã giáo dục tình yêu lao động và tính trách nhiệm cho con qua các công việc phụ giúp bố mẹ hàng ngày. Tôi còn nhớ những ngày đầu nấu cơm bằng bếp củi, tự mình làm thịt gà nấu cháo cho mẹ khi mẹ ốm, đội nón để rửa bát, giặt đồ ngoài hiên lúc trời mưa hay nắng…

Bố mẹ dạy tôi giá trị của tình cảm gia đình, đạo hiếu qua việc có gì ngon cũng nhắc con nhớ đến ông bà và mang qua cho ông bà trước khi nhà dùng bữa. Nếu như gia đình có ai bận việc, đi vắng thì các phần ngon nhất của hoa quả, bữa ăn chắc chắn là sẽ được để phần ở góc riêng, đầy đủ và tươm tất. Có lẽ vì được học qua quan sát lời nói, hành động của cha mẹ từ khi còn nhỏ nên cách chúng tôi ứng xử với việc nhà, việc học cũng trở thành những phẩm chất của chị em tôi từ ngày nào mà không hay.

"Lấy con làm trung tâm" thể hiện ở việc cha mẹ luôn ý thức làm thế nào để dạy tốt con cái? Gia đình nói chung hay cha mẹ cần tạo ra điều kiện gì? Hành động cụ thể của cha mẹ đó là "thân giáo". Cha mẹ nhận thức rất rõ vai trò làm gương của mình vì họ người thầy đầu tiên của con.

Cho nên, điểm chung của "Gia đinh học tập" là cha mẹ trở thành hình mẫu trực tiếp của con, vừa là người thiết kế điều kiện học tập cho con. Gia đình chẳng khác gì một "xưởng rèn luyện nhân cách".

Mặt khác, người lớn trong gia đình nói chung và cha mẹ nói riêng đều tự giác học tập thường xuyên, học tập suốt đời dưới nhiều hình thức, phương thức khác nhau. Ngoài việc học và làm việc một cách nghiêm túc, có kế hoạch họ còn đồng thời tham gia đóng góp thiết thực vào cuộc vận động các thành viên học tập suốt đời thông qua các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Bản thân cha mẹ luôn học tập và rèn luyện các tố chất để có đời sống thành công có ảnh hưởng lớn đến con trẻ. Họ biết lựa chọn việc nào quan trọng, việc gì nên làm trước, việc gì để làm sau, lời nói đi đôi với việc làm khiến cho con trẻ nhìn thể diện của cha mẹ mà học.

Những phẩm chất cha mẹ có như: thành thật, lòng trách nhiệm, khiêm tốn, giữ chữ tín, lòng nhẫn nại, tinh thần vượt khó… được biểu hiện hữu hình qua hành vi, cử chỉ, lời nói chính là biểu hiện của "sự học", của "gia đình học tập" đã tác động sâu sắc đến sự hình thành, phát triển nhân cách chúng tôi.

Nhiều lần mẹ ốm bệnh, có những khi "thập tử nhất sinh" tưởng như không thể nào qua khỏi, mẹ vẫn vì cha con chúng tôi mà cố gắng vượt qua để chúng tôi luôn được ấm lòng, yên tâm học tập. Cha mẹ luôn giáo dục chị em tôi phải biết quý trọng thời gian, tranh thủ học hành, làm việc "việc hôm nay chớ để ngày mai".

Có lần tôi không may bị bỏng, bàn chân sưng phồng không thể đi lại được, nhà lại không có xe đạp, cha cõng tôi đến trường để không bỏ bài, bỏ tiết. Ngẫm lại đến giờ tôi càng thấy "sự học " của mình có được chắc hẳn là sự dày công khuyến khích, động viên, đồng hành của cha mẹ rất nhiều.

Dạy con học tập, tự lập, chịu trách nhiệm cho hành động của mình không xa rời lao động và khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt việc của mình là điều chính bố mẹ vẫn đang làm.

Làm nghề giáo mẹ chịu học và chuyển đổi từ người cặm cụi soạn giáo án đêm khuya bằng viết tay sang đánh máy khi bước sang tuổi 46. Việc này thật khó với những người sinh ra từ thế hệ trước khi mà cả tuổi trẻ không hề biết đến công nghệ. Thế mà mẹ vẫn làm được và làm tốt nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi và lòng quyết tâm chịu khó.

Thế hệ trẻ tiếp tục được khuyến khích học tập và phát triển năng lực. Ảnh: NVCC

Để có thêm thu nhập thêm vào đồng lương giáo viên ít ỏi nuôi các con học hành hết các cấp và đại học, sau đại học mẹ vẫn chăm chỉ làm thêm đủ nghề: nuôi heo, cắt may và sửa chữa quần áo, làm giá đỗ đi chợ bán… Mẹ làm việc nhiều nhưng chưa bao giờ tôi nghe thấy mẹ than thở, trách cứ cuộc sống, chồng con dù chỉ một lời.

Vậy là để giúp mẹ, ngay từ khi học cấp 2, những hôm nào mẹ đi trường về muộn chị em tôi vẫn tự tháo những mẹ giá đỗ, sàng sảy xong chị bê chậu giá bên sườn, em cắp chiếc ghế gỗ và túi theo sau bán hàng cho mẹ. Chắc là vì giá đỗ của mẹ lúc nào cũng đẹp và mọi người thương hai con bé bán hàng nên mua ủng hộ hết cũng nhanh. Và hôm nào như vậy chúng tôi cũng vô cùng phấn khởi vì đã làm được "một việc tốt". Đồng tiền kiếm được có chút mồ hôi, có chút mưa bay gió hắt cũng làm nên sự trưởng thành của chị em chúng tôi hôm nay. Con đã nhìn thấy niềm vui, tự hào của cha mẹ từ những nụ cười, ánh mắt đầy khích lệ với những "việc tốt", "thành tích" nhỏ nhất mà con đạt được.

Kết quả của sự học có được từ ý chí của con người và được chính bố mẹ truyền cảm hứng. Với một cô bé tiểu học ngây thơ thì viết sao cho đẹp, học tính toán sao cho nhanh để bố mẹ thầy cô vui lòng. Nhớ lai những giải thưởng đầu tiên như lòng biết ơn ông bà cha mẹ đến với một cô bé phố huyện.

Năm lớp 5 tôi nhận được Học bổng Doremon từ Nhật Bản. Giải thưởng này cho tôi hiểu thế nào là thành công và thế nào là có tiền từ việc học. Bằng một cách nào đó cô bé như tôi nhận thức học tập là cách giúp đỡ bố mẹ và cũng là cách "kiếm thêm thu nhập" bằng việc học chăm. Thế rồi, chặng đường học cấp 2 lên cấp 3, tôi tiếp tục được tuyển thẳng lên hệ thống chuyên của tỉnh.

Học tập xa nhà 30 km, ở ký túc xá là thời gian trải nghiệm tự lập và hòa hợp cộng đồng của tôi. Lúc này điều kiện học tập của tôi gom lại trong một cái "hòm tôn toàn sách" và gian phòng nhỏ cùng nhiều bạn ở nhiều huyện khác. Bố mẹ tôi và bố mẹ các bạn chỉ có thể động viên và nhắc nhở chúng tôi vào những dịp cuối tuần khi chúng tôi được trở về nhà. Hành trang vào đại học của chị em tôi và chúng bạn là thế.

Sự trân trọng của gia đình đối với những thành tích của con dù là nhỏ nhất luôn là dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí tôi. Lúc còn nhỏ góc học tập với vách tường đất vôi trắng luôn là nơi trang trọng treo giấy khen ghi nhận thành tích của chúng tôi. Còn khi chúng tôi lớn lên, chuyển đến thành phố khác và rồi bố mẹ tôi cũng chuyển cư để tiện hỗ trợ các con cháu công việc học hành thì hành trang quý giá của bố mẹ vẫn có 1 tài sản quý "đó là một chiếc để tất cả những giấy khen của các con từ khi đi học. Qua thời gian giấy tờ đều đã nhuộm màu thời gian. Mẹ lưu giữ cho con những thành tích đó không thiếu thứ gì.

Kết quả của "gia đình học tập" còn thể hiện trong nhận thức về sự làm gương của người cao tuổi. Cha mẹ, ông bà là chủ thể của những tính cách đặc trưng đã tạo môi trường học tập có thể tiếp cận tự nhiên, cởi mở để trẻ được "lắng nghe" chấp nhận các nhu cầu, khả năng và khuyến khích những giá trị nhân cách.

Các thành viên của gia đình được khuyến khích theo đuổi đam mê, tham gia hoạt động xã hội và phát triển tài năng, nhân cách. Ảnh: NVCC

Các thành viên của gia đình được khuyến khích theo đuổi đam mê, tham gia hoạt động xã hội và phát triển tài năng, nhân cách. Ảnh: NVCC

"Người cao tuổi còn sức khỏe tham gia học tập ít nhất một nội dung bổ ích, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày". Ông bà, cha mẹ tạo ra mối quan hệ đảm bảo sự học trong gia đình.

"Mẹ dạy thì con khéo/Cha dạy thì con khôn". Cha mẹ, ông bà giáo dục thường xuyên, con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo, học hành tốt và ngược lại. Trẻ em hư hỏng, vi phạm pháp luật, đạo đức cha mẹ là người chịu trách nhiệm. Thái độ tích cực của ông bà với việc học tập và những đặc trưng tính cách của họ chính là cơ sở để giáo dục tốt con cái.

Hành trang trong sự trưởng thành của con trẻ chắc chắn phải có tình cảm, sự động viên khích lệ của ông bà, cha mẹ. Đó có thể là những chắt chiu từ gian hàng tạp hóa của ông bà, từ mồ hôi công sức của cha mẹ là công thợ may ít ỏi, chậu giá đỗ mẹ bán mỗi chiều.

Đó cũng có thể không phải là vật chất hữu hình, chỉ là nụ cười trìu mến, cái ôm ấp áp, một bữa ăn tươm tất hơn ngày thường khi con có thành tích và điều gì đó đã làm tốt. Thậm chí kể cả khi có cái gọi là "không tốt" thì về gia đình con vẫn nhận được sự an ủi và động viên để tiếp tục học với tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản".

Đến giờ ngẫm lại tôi vẫn thấy gia đình được coi là có "phúc" hay không, có thể trải qua một cách tự tại hay không phần lớn sẽ quyết định bởi tâm thế và không khí cha mẹ tạo cho con trẻ. Con cái họ có hiểu chuyện hay không, có hiếu thuận hay không? Gia đình có hạnh phúc không? Cho nên, đối với việc hình thành nhân cách con trẻ "không có gì tác động lên tâm hồn non trẻ sâu sắc bằng quyền lực của sự làm gương và giữa muôn vàn tấm gương, không có tấm gương nào sâu sắc và bền chặt bằng tấm gương của các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo".

Xây dựng môi trường học tập trong gia đình cho con cái như thế nào?

Môi trường của "Gia đình học tập" được hình thành thông qua 3 giai đoạn phát triển của trẻ em: từ 1-3 tuổi, từ 3-6 tuổi và từ 6-18 tuổi. Cả ba giai đoạn trên, trẻ em được giáo dục, dạy dỗ của gia đình lớn lên chịu ảnh hưởng các chuẩn mực trong gia đình và dần dần tiếp cận các chuẩn mực ngoài xã hội.

Trong một gia đình mà cá nhân có được kết quả học tập nhất định chúng ta có thể nhìn rõ tính hệ thống "mọi người trong gia đình giúp đỡ nhau, tạo điều kiện học tập" ở nhiều môi trường và "có hình thức khen thưởng, động viên các thành viên trong gia đình tích cực tự học và học tập thường xuyên".

Ông bà, cha mẹ là tấm gương của con và thường xuyên nhắc nhở con cái về những tấm gương học tập, giá trị của "cội nguồn", truyền thống tốt đẹp của quê hương. Tất cả các yếu tố này vừa là điều kiện vừa cho thấy tác dụng của gia đình học tập. Nhờ các yếu tố trên trẻ được giáo dục trong điều kiện học tập thống nhất, không chìm ngập vào những thứ nhỏ nhặt, những điều vụn vặt, mất thời gian dẫn tới các vấn đề tiêu cực trong cảm xúc và hành vi.

Điều kiện học tập trong các gia đình vì thế trở nên cụ thể hóa qua lời nói, hành vi của ông bà cha mẹ theo từng bối cảnh cụ thể của gia đình chính là những ranh giới giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách.

Con trẻ/ cá nhân được giáo dục từ nhỏ và liên tục. Các phương pháp và điều kiện giáo dục nhất thiết phải được phối hợp hài hòa giữa gia đình, nhà trường, xã hội. Để tạo điều kiện và môi trường học tập lành mạnh, kỷ luật nên được cha mẹ coi như là một quá trình học tập lâu dài.

Giáo dục con trẻ đòi hỏi cha mẹ cần có kỹ năng điều chỉnh cảm xúc và xây dựng các điều kiện, môi trường học tập mang tính xây dựng, thúc đẩy và điều chỉnh cảm xúc. Ngay cả khi trẻ phạm lỗi, cha mẹ cũng cần có phương pháp linh hoạt để thiết kế các cách tác động phù hợp với môi trường với từng trẻ khác nhau và khác nhau cho từng loại vi phạm.

Những nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra cách đánh giá thay thế chuyển trọng tâm từ đánh giá các kỹ năng nhận thức thuần túy, sang đánh giá các giá trị và các kỹ năng, năng lực phi học thuật (non-academic skill) có lợi cho sức khỏe con người hơn. Cách đánh giá như vậy cũng được coi là phương thức để cha mẹ phát huy các điều kiện học tập trong gia đình, xây dựng vốn văn hóa gia đình - nền tảng của giáo dục gia đình phụ thuộc rất nhiều vào vào trình độ và vốn văn hóa gia đình, phương pháp giáo dục của cha mẹ.

Phát triển rộng ra môi trường học tập của gia đình có thể được xem xét trong những bối cảnh cụ thể có liên quan đến môi trường, con người và các điều kiện khác. Tuy nhiên, để hình thành nhân cách cho trẻ trên nền tảng giáo dục gia đình thì trọng tâm chính vẫn là "hướng trọng tâm vào trẻ" trên tinh thần "tôn trọng sự khác biệt".

Trong xã hội hiện nay còn tồn tại nhiều tệ nạn, nhiều cám dỗ với trẻ em, gia đình là nơi bảo vệ và giúp cho con em duy trì được lối sống văn hóa. Và chính gia đình là nơi khởi đầu những ý tưởng của con trẻ về sự tự chủ, vâng lời, về sự thật, sự tha thứ, yêu tổ quốc, yêu đồng bào và tất cả những tinh túy của truyền thống văn hóa tốt đẹp.

Tác dụng của "Gia đình học tập" cho thấy sức mạnh văn hóa của dân tộc, quốc gia. Gia đình học tập không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình riêng lẻ mà phạm vi tác dụng mở rộng tới thôn, bản, tổ dân phố, toàn xã hội tạo nên sự phát triển bền vững cho cá nhân và cộng đồng.

Bài dự thi cuộc thi viết về "Gia đình học tập" của

tác giả Nguyễn Thị Mai Anh - Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam

*Tác giả gửi bài dự thi Cuộc thi viết về "Gia đình học tập" về Email của tòa soạn Tạp chí Công dân và Khuyến học: toasoan@congdankhuyenhoc.vn
Bài viết kèm ảnh, nhân vật cụ thể và thông tin liên hệ với tác giả.

Nguyễn Thị Mai Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/cha-me-nguoi-thay-dau-tien-giao-duc-nhan-cach-cho-con-179241023155446132.htm
Zalo