Cha mẹ hãy bớt dùng điện thoại để không 'bỏ rơi' con

Cha mẹ hãy bớt dùng điện thoại, ngắt kết nối online, để quan tâm, yêu thương con nhiều hơn, để con không tủi thân vì cảm thấy bị 'bỏ rơi'.

Ngày nay, điện thoại di động với đa số người lớn là công cụ làm việc chứ không đơn thuần là công cụ liên lạc. Với chiếc điện thoại thông minh con người có thể học tập, mua sắm, giải trí,…Chính những tiện ích này dễ khiến người ta bị “nghiện”. Khi có trong tay chiếc điện thoại di động thì con người sẽ ít tương tác với nhau hơn. Các thành viên trong gia đình dường như ít nói chuyện trực tiếp vì ai cũng bận “ôm” điện thoại. Đây cũng là vấn đề cha mẹ cần lưu ý.

Tôi xin chia sẻ một vài câu chuyện tôi đã chứng kiến.

Chiều chủ nhật vừa rồi, vợ chồng tôi đưa con đến khu vui chơi trẻ em. Hơn một giờ đồng hồ ở đó, tôi thấy rất ít phụ huynh chơi cùng con. Nếu có chơi cùng con thì cha mẹ chỉ kiên nhẫn được vài phút, sau đó con tự chơi. Đa số phụ huynh bận bịu với chiếc điện thoại trên tay. Khi con ngỏ ý muốn cha mẹ chơi cùng thì thường nhận được câu trả lời “để mẹ trả lời tin nhắn chút” hoặc “ba đang làm việc”. Đáng lẽ khi đến khu vui chơi là lúc để cha mẹ chơi cùng con vì không vướng bận việc nhà, việc cơ quan,…

Tôi cảm thấy xúc động và có chút buồn, khi một bé khoảng 5 tuổi chạy đến bên mẹ và nói “mẹ ơi, cất điện thoại chơi cùng con đi”. Câu “năn nỉ” của con làm người mẹ “thức tỉnh” và ngay lập tức cất điện thoại ra chơi cùng con.

 Cha mẹ hãy bớt dùng điện thoại để con không thấy bị "bỏ rơi". Ảnh minh họa AI

Cha mẹ hãy bớt dùng điện thoại để con không thấy bị "bỏ rơi". Ảnh minh họa AI

Một lần khác, lúc bước vào thang máy chung cư tôi bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ vừa đi vừa tập trung vào màn hình điện thoại, dường như không để ý đến mọi thứ xung quanh, kể cả người con gái đang đi bên cạnh. Thang máy mở cửa, người phụ nữ bước vô và vẫn không rời mắt khỏi màn hình điện thoại. Bà không hề biết con mình chưa kịp vô mặc dù cửa thang máy sắp khép lại. May mắn có một người đi cùng thang máy nhanh chóng chặn cửa và đứa bé bước vô an toàn. Người mẹ quay sang trách “sao con không đi theo mẹ?”. Đứa bé chỉ biết khóc mếu máo. Không riêng gì trường hợp này, tôi vẫn thường gặp cảnh cha mẹ cầm điện thoại đi trước, con lẽo đẽo theo sau. Phải chăng công việc quá nhiều đến nỗi cha mẹ không kịp dự phòng và bảo vệ con trong những tình huống rủi ro?

Thời buổi công nghệ 4.0, con người phụ thuộc nhiều vào công nghệ. Họ có thể làm việc ngày đêm trên máy tính, trên điện thoại di động. Thế giới phẳng giúp con người dễ dàng kết nối online với nhau. Mỗi người tham gia ít nhất vài hội nhóm: Nhóm công việc, nhóm bạn cấp 1, cấp 2, đại học, nhóm săn sale,…Đó cũng là một trong những lý do khiến chúng ta luôn bận bịu với điện thoại và dành ít thời gian cho gia đình, người thân.

Dẫu biết rằng ai cũng có công việc và những mối quan hệ bên ngoài nhưng không vì thế mà coi nhẹ sự quan tâm dành cho con cái, gia đình. Theo quan điểm của tôi, ngày thường cha mẹ đã dành nhiều thời gian cho công việc và các mối quan tâm khác rồi thì ngày nghỉ nếu có thể hãy dành trọn vẹn thời gian bên con. Chúng ta hãy ngắt kết nối online để quan tâm, yêu thương con nhiều hơn, để con không tủi thân vì cảm thấy bị “bỏ rơi”.

NGUYỄN MINH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cha-me-hay-bot-dung-dien-thoai-de-khong-bo-roi-con-post824787.html
Zalo