Cha mãi bên đời

Bất chợt hôm nay trên đường đời đông đúc tôi vô tình bắt gặp hình ảnh người bố cõng con gái đi học về. Gương mặt người bố lộ rõ vẻ mệt mỏi, nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm hạnh phúc vô bờ. Hình ảnh ấy khiến lòng tôi chùng xuống. Tôi như thấy lại chính mình hơn 30 năm về trước. Ngày ấy, tôi cũng được bố cõng, đưa đón đi học. Dáng bố gầy, làn da đen sạm vì sương gió bởi cuộc sống mưu sinh. Và dòng ký ức về bố năm nào bất chợt ùa về trong tôi…

Mẹ kể, tôi chào đời vào một ngày mưa rừng tầm tã. Bố bận đi công tác không thể cùng đón tôi chào đời. Ấy vậy mà, chẳng biết có một sức mạnh vô hình nào mà tờ mờ sáng hôm sau, mẹ đã thấy bố bên chiếc xe đạp thồ vào viện thăm 2 mẹ con. Cả hai lần mẹ sinh chị em tôi, bố đều xúc động đến rơi nước mắt. Để kinh tế gia đình bớt thiếu trước hụt sau, cứ cuối tuần bố lại cùng chiếc xe đạp thồ mang phụ tùng xe đạp, thuốc lào, bánh kẹo… vào bản để đổi gạo, ngô, đỗ mang ra thị trấn bán kiếm lời.

Mùa đông, cái rét buốt của những đợt không khí lạnh tăng cường khiến mấy chị em tôi nằm trong chăn ấm vẫn không dám thò mặt ra ngoài. Vậy mà tờ mờ sáng, bố đã rong ruổi trên chiếc xe đạp thồ hàng đi bán. Ngày ấy, ngoài hàng hóa chất đầy xe, bố còn chở thêm cả niềm tin để cho các con bằng bạn bằng bè.

Năm tháng trôi qua, mấy chị em tôi lớn dần và lần lượt vào cao đẳng, đại học. Gánh nặng kinh tế vẫn đổ dồn lên đôi vai gầy của bố. Ấy vậy mà, ngày tôi nhập học cách nhà 45km, bố chắc nịch: “Từ giờ bố sẽ là xe ôm, đưa đón con gái bố, vinh dự lắm đây!”. Bố cười, đôi mắt lấp lánh niềm hạnh phúc. Ba năm tôi làm cô sinh viên sư phạm cũng là chừng ấy thời gian bố là “người bạn lớn” đồng hành cùng tôi.

Và ngày đầu tiên tôi đi làm, người vui và lo nhất cũng chính là bố. Bố quýnh quáng lo lắng cơ man nào là đồ đạc, dặn dò tôi đủ điều vì: “Giờ con đã là người lớn”. Suốt cả quãng đường gần 100km đèo con gái tới trường nhận công tác, bố không nói câu gì. Khi ấy, tôi biết bố đang lo cho tôi vì trước mặt là làng quê heo hút, nơi tôi công tác sẽ rất nhiều khó khăn... Chiều đến, tiễn bố về, một mình ở lại tôi đã òa khóc. Còn bố đi như chạy, bước chân vội vã ra xe, dường như mắt bố cũng rưng rưng…

…Và ngày tôi cưới, bố lại khóc, tôi hiểu đó là giọt nước mắt của hạnh phúc, của sự tự hào.

Ngày bố mất, tôi không được gặp lần cuối. Bố đã đến một nơi xa, nhưng tôi biết ở nơi ấy, bố vẫn dõi theo và luôn cầu chúc cho chúng tôi được hạnh phúc. Mỗi khi đứng trên bục giảng gửi tới học trò những bài thơ, câu chuyện về tình phụ tử sâu nặng, trong tôi hình ảnh gương mặt hiền từ, đôi mắt trìu mến và giọng nói trầm ấm của bố vẫn như ở đâu đây. Tự trong tâm khảm, tôi luôn thầm nhắn nhủ mình: “Cha khổ cực, ân cần, lo toan, vất vả/ Con tự dặn mình không vấp ngã đâu cha”.

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Phạm Thị Yến

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/167902/cha-mai-ben-doi
Zalo