Cha giàu cha nghèo ở Mỹ nuôi con khác nhau như nào?

Trong khi tầng lớp thượng lưu ở Mỹ nuôi dạy con bằng những lịch trình học dày đặc, phụ huynh nghèo lại lựa chọn nuôi con theo cách phát triển tự nhiên.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Fizkes.

Ảnh minh họa. Nguồn: Fizkes.

Một nghiên cứu riêng biệt xem xét cách trẻ em sử dụng thời gian (theo chia sẻ của các bậc phụ huynh), phát hiện ra rằng trẻ em Mỹ cũng đang phải đối mặt với việc thời gian vui chơi tự do của chúng bị giảm dần từ năm 1981 đến năm 1997. Trẻ em bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động ở trường và các nơi khác (với sự giám sát của người lớn) và ít thời gian chơi hoặc xem truyền hình hơn.

Chuyện gì đã xảy ra? Trẻ em ngày càng có ít thời gian vui chơi hơn nhưng lại đột nhiên có nhiều thời gian ở bên cha mẹ có quỹ thời gian eo hẹp ư?

Nghiên cứu cho thấy thực trạng này xuất phát từ việc con người ngày càng tập trung vào tính cạnh tranh của tuyển sinh đại học những năm 1990. Cứ như các bậc phụ huynh Mỹ, đặc biệt là những người ở nhóm trên cùng trong phân phối thu nhập, bắt đầu xem con cái họ là những chiếc xe đua quý giá và dễ hỏng. Họ làm việc điên cuồng để chiếc xe của họ giành chiến thắng trong cuộc đua vào một đại học hàng đầu.

Trong một nghiên cứu chất lượng được thực hiện vào những năm 1990 bởi nhà xã hội học Annette Lareau, tác giả của cuốn sách Unequal Childhoods (tạm dịch: Tuổi thơ bất bình đẳng) ghi lại hai triết lý nuôi dạy con cái cơ bản được các bậc cha mẹ ở Mỹ áp dụng.

Triết lý đầu tiên, "sự trau dồi phối hợp", là mô hình chủ đạo được các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu sử dụng. Nó bắt đầu với giả thuyết rằng trẻ em cần được chăm sóc và rèn luyện đặc biệt từ người lớn. Cha mẹ phải mua những video của Baby Einstein để nâng cao chỉ số IQ của con mình (mặc dù sau đó các nhà nghiên cứu cho rằng những video như vậy là vô dụng). Lịch trình của bọn trẻ phải có đầy đủ các hoạt động mà cha mẹ tin rằng chúng sẽ mang đến kiến thức phong phú cho trẻ, chẳng hạn học tiếng Quan Thoại hoặc luyện thêm môn toán, ngay cả khi những hoạt động đó làm giảm tính tự chủ và không còn nhiều không gian để vui chơi tự do nữa.

Trong số tầng lớp lao động và người nghèo, Lareau đã tìm ra một cách tiếp cận khác biệt mà bà gọi là "cách nuôi dạy con cái phát triển tự nhiên". Theo triết lý này, trẻ em sẽ là trẻ em, và nếu bạn để chúng được phát triển như vậy, chúng sẽ trở thành những người lớn có năng lực và có trách nhiệm mà không cần nhiều sự quan tâm chăm sóc. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, một nghiên cứu gần đây về quan điểm đổi với việc nuôi dạy con cái phát hiện ra rằng vào những năm 2010, nhiều bậc phụ huynh thuộc tầng lớp lao động đã chuyển sang nuôi dạy con cải có sự trau dồi phối hợp, bao gồm cả bảo vệ tránh khỏi nguy hiểm quá mức.

Cách nuôi dạy con cái ở Mỹ đã thay đổi vào những năm 1990, đầu tiên là ở những cha mẹ có trình độ đại học và sau đó mở rộng ở nhiều đối tượng hơn.

Nỗi lo sợ về bắt cóc và tội phạm tình dục đã gia tăng kể từ những năm 1980, nhưng ngay cả khi mô hình chung cho trẻ em từ cấp tiểu học và trung học là mối nguy hiểm tồn tại sau giờ học và vào cuối tuần, trẻ em vẫn có thể tự chơi trong khu phố của mình. Chúng tham gia vào các nhóm với nhiều lứa tuổi, tìm kiếm cảm giác mạnh, dấn thân vào những cuộc phiêu lưu, giải quyết xung đột, chấp nhận rủi ro chống lại nỗi sợ hãi, phát triển khả năng đối mặt với nghịch cảnh, cùng nhau tận hưởng chế độ khám phá và trở về nhà khi phố lên đèn. Những khoảng thời gian sau giờ học đó có lẽ có tác dụng đối với sự phát triển xã hội và sức khỏe tâm thần hơn bất cứ hoạt động nào đó ở trường học (trừ giờ ra chơi).

Jonathan Haidt & NXB Công Thương/1980 Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/cha-giau-cha-ngheo-o-my-nuoi-con-khac-nhau-nhu-nao-post1532421.html
Zalo