Cha con người Anh hùng
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, chàng trai Nguyễn Vũ Tráng (SN 1950) ở thôn Mỏ Thổ, xã Minh Đức (Việt Yên) đã anh dũng hy sinh ở tuổi 29; được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Mấy chục năm sau, con trai duy nhất của liệt sĩ Tráng noi gương cha theo nghiệp biên phòng.
Tổ quốc ghi công
Ông Nguyễn Vũ Tráng là con trai duy nhất trong gia đình có 4 anh em. Ông là con trưởng, sau là 3 em gái đang sinh sống tại xã. Năm 1968, khi đất nước đang trong những ngày tháng chiến tranh cam go, ác liệt, ông nhập ngũ, chiến đấu trong chiến trường miền Nam, sau đó hành quân sang Lào giúp nước bạn đến năm 1972. Sau ngày đất nước thống nhất, từ bộ đội đặc công, ông Tráng được cử đi học Trường Sĩ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng) rồi nhận quyết định công tác tại Đồn 1 (nay là Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu) thuộc Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu (nay là Bộ đội Biên phòng Lai Châu). Đồn 1 phụ trách đoạn biên giới Việt - Trung, địa bàn khi đó có 8 xã với 9 dân tộc ít người sinh sống. Nhiệm vụ của Đồn là bám bản, bám làng, củng cố chính quyền, xây dựng thế trận bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân. Năm 1978, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, địch dùng pháo yểm trợ tấn công nhiều mục tiêu dọc biên giới, trong đó có Đồn 1. Sáng 17/2/1979, Đồn phó Nguyễn Vũ Tráng được cấp trên cho nghỉ phép về thăm quê. Đang trên đường về, nhận được thông tin chiến sự, ông lập tức quay lại đơn vị, chỉ huy anh em chiến đấu kiên cường, đẩy lùi các đợt tấn công của địch, thu giữ nhiều vũ khí, phá tan âm mưu của định cấu kết với bọn phản động địa phương gây bạo loạn. Tuy nhiên, ta cũng thương vong khá nhiều, trong đó có ông Nguyễn Vũ Tráng. Với cách đánh “Chờ địch tới gần mới nổ súng để tiết kiệm đạn”, ngay từ loạt đạn đầu, đơn vị đã tiêu diệt nhiều tên. Riêng ông Tráng sử dụng 4 loại súng, diệt hàng chục tên và cùng đồng đội đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch. Tuy bị thương nặng nhưng ông Tráng đã tự băng bó và ở lại cùng anh em tiếp tục chiến đấu. Bị địch bao vây với ý định bắt sống, ông Tráng dùng lựu đạn và súng đánh trả quyết liệt, diệt thêm nhiều tên và anh dũng hy sinh ngay tại trận địa của Đồn Sì Lờ Lầu.
Với những chiến công hiển hách cùng sự mưu trí, dũng cảm, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, ông Nguyễn Vũ Tráng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau nhiều năm yên nghỉ cùng đồng đội tại một ngọn đồi cạnh doanh trại Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu, năm 2012, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng được đưa về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ quê nhà - xã Minh Đức (Việt Yên).
Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Vũ Thuận, Bí thư Chi bộ thôn Mỏ Thổ cũng là người anh em trong họ với ông Tráng kể: “Anh Tráng hơn tôi 10 tuổi, sống chân thành, mẫu mực, hiền hòa. Là lính đặc công, anh rất giỏi võ. Thỉnh thoảng anh về phép, đám trẻ mới lớn trong thôn thường lân la sang nhà anh chơi, nghe anh kể chuyện chiến đấu. Có lần chúng tôi ngỏ ý muốn nhờ anh dạy cho vài đường võ. Tuy nhiên anh sợ chúng tôi học võ không phải để tự vệ mà để đánh nhau nên anh chỉ cười, nhất định không dạy. Anh muốn chúng tôi tập trung vào việc học tập văn hóa hơn là học võ. Sau này khi anh Tráng hy sinh, thôn Mỏ Thổ đã thành lập “Chi hội thanh niên Nguyễn Vũ Tráng”, thanh niên trong làng lấy tấm gương của anh Tráng để học tập, noi theo”.
Nối nghiệp cha làm lính biên phòng
Đầu năm 1977, Thiếu úy Nguyễn Vũ Tráng về phép và cưới người vợ tào khang nhà ở cùng ngõ, cùng thôn Mỏ Thổ tên là Nguyễn Thị Diền (SN 1952). Cuối năm đó, người con trai duy nhất Nguyễn Vũ Sỹ chào đời. "Sinh thằng bé được 4 tháng, ông ấy về thăm con được một lần rồi lại tất tả lên đơn vị tận Lai Châu. Đến đầu năm 1979, gia đình nhận được tin ông ấy hy sinh. Thằng Vũ khi đó mới được 15 tháng tuổi, chưa có khái niệm gì về bố”, bà Diền ngậm ngùi kể lại.
Một mình ở vậy nuôi con, anh Sỹ lớn lên trong sự chăm chút của mẹ và bà nội. Năm 1995, tốt nghiệp trung học phổ thông, bà Diền khuyên nhủ con trai vào bộ đội biên phòng mặc dù biết vừa phải xa nhà, lại chủ yếu đóng quân nơi biên giới vô cùng vất vả, gian khó. Thế nhưng với suy nghĩ vừa tiếp nối truyền thống gia đình, vừa có điều kiện gặp gỡ những đồng đội của cha nên gia đình vẫn có ước nguyện như vậy. Do là con duy nhất của anh hùng liệt sĩ, lại không có chỉ tiêu nhập ngũ vào bộ đội biên phòng nên đơn xin xung phong nhập ngũ của anh Sỹ đành phải gác lại.
Mãi đến đầu năm 2000, sau khi bà nội Nguyễn Thị Túc trực tiếp cầm đơn lên gặp Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xin cho cháu nội Nguyễn Vũ Sỹ được nhập ngũ theo nguyện vọng của gia đình, anh Sỹ mới được tiếp nhận. Sau khóa huấn luyện tân binh, anh nhận công tác tại Trường Trung cấp Biên phòng 1 (nay là Cao đẳng Biên phòng) đóng ở xã Việt Lập (Tân Yên). Đầu năm 2002, binh nhất Nguyễn Vũ Sỹ đi học sơ cấp y tế sau đó nhận công tác tại Đồn biên phòng Lý Quốc (nay là Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn), đóng ở xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang (Cao Bằng).
Sau gần 9 năm bám trụ nơi biên giới - những nơi khó khăn gian khổ nhất tỉnh Cao Bằng, mỗi năm Trung úy - quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Vũ Sỹ chỉ được về nhà 2 lần (1 lần phép và 1 lần tranh thủ). Ngoài 30 tuổi mới cưới vợ, để thuận tiện cho việc chăm sóc bà nội, mẹ và gia đình, anh xin về xuôi học chuyên ngành trinh sát. Hiện nay, anh Sỹ công tác tại Phòng hậu cần, Trường Cao đẳng Biên phòng. Đồng lương thiếu tá - quân nhân chuyên nghiệp của anh dồn vào nuôi mẹ già, vợ làm công nhân may và 2 con nhỏ.
Không dư dả để xây dựng nhà mới, gia đình vẫn ở trong ngôi nhà cũ xây từ những năm 1990, đơn vị đặt vấn đề chuyển tiêu chuẩn sửa nhà tình nghĩa nhưng anh Sỹ nhất mực từ chối mà nhường cho anh em khác khó khăn hơn. Anh tâm sự: “Tôi tự hào về bố, ông đã hy sinh cuộc đời của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cuộc đời tôi muốn được đi theo ngành bộ đội biên phòng của bố, nay tôi đã toại nguyện rồi, nên không đòi hỏi gì nhiều. Tôi cảm thấy vinh dự, tự hào, thấy mình đã quyết định thật đúng đắn”.
Bài, ảnh: Thu Phong