Cha con đại gia điện gió miền Tây lĩnh 14 năm tù

HĐXX TAND tỉnh Cà Mau tuyên phạt tổng cộng 14 năm tù đối với cha con đại gia điện gió miền Tây liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau.

Chiều 20/9, sau 2 ngày xét xử, TAND tỉnh Cà Mau tuyên phạt bị cáo Tô Hoài Dân (SN 1961) - Tổng Giám đốc Công ty Công Lý 4 năm tù; Tô Công Lý (SN 1984, con trai bị cáo Dân) - Phó Tổng Giám đốc Công ty Công Lý 10 năm tù; và Nguyễn Bá Đam (SN 1984) - nhân viên Công ty Công Lý 4 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

'Đại gia' điện gió Tô Hoài Dân bật khóc khi nói lời sau cùng.

'Đại gia' điện gió Tô Hoài Dân bật khóc khi nói lời sau cùng.

Trên cơ sở tài liệu chứng cứ, HĐXX nhận định, có đủ cơ sở kết luận tại thời điểm Công ty Công Lý lập hồ sơ quyết toán dự án Nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau hoàn thành, được Sở Tài chính thẩm tra và được Chính phủ, UBND tỉnh Cà Mau chấp nhận hỗ trợ 50% vốn đầu tư thì hạng mục khu tiếp nhận phân tách rác và hệ thống xử lý nước thải chưa xây dựng trên thực tế.

Trong vụ án này, Tô Công Lý đã trực tiếp và chỉ đạo bị cáo Nguyễn Bá Đam lập hồ sơ khống xây dựng 2 hạng mục công trình nêu trên, trị giá hơn 14 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành hồ sơ, Lý trình cho cha mình là Tô Hoài Dân ký quyết định phê duyệt quyết toán, trình đề nghị UBND tỉnh Cà Mau xem xét hỗ trợ 50% vốn đầu tư (hơn 7,3 tỷ đồng).

Bị cáo Dân biết rõ dự án nhà máy rác không có hạng mục khu tiếp nhận và phân tách rác, hệ thống xử lý nước thải vẫn ký phê duyệt quyết toán, trình đề nghị UBND tỉnh Cà Mau hỗ trợ 50% vốn đầu tư.

Bị cáo Đam được giao nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật dự án, biết rõ tại thời điểm lập hồ sơ cung cấp cho công ty kiểm toán và Sở Tài chính đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư không có 2 hạng mục trên. Thực hiện chỉ đạo của Lý, Đam vẫn soạn thảo, ký khống các tài liệu để Tô Công Lý hợp thức hồ sơ đề nghị nhà nước hỗ trợ vốn.

HĐXX cho rằng, quá trình điều tra, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhưng tại phiên tòa các bị cáo chưa thành khẩn khai báo nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này.

Dù vậy, HĐXX cũng nêu thêm các tình tiết giảm nhẹ khác cho các bị cáo, như: Dù doanh nghiệp thua lỗ nhiều, nhưng vẫn duy trì hoạt động nhà máy rác, góp phần xử lý tốt về môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; quá trình hoạt động, bị cáo Dân cũng như công ty đã làm nhiều công tác xã hội.

Mặc khác, 2 công trình tại thời điểm quyết toán hồ sơ xin hỗ trợ vốn chưa xây dựng, nhưng sau đó công ty đã hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động trước khi cơ quan chức năng phát hiện.

“Việc xử lý rác thải là lĩnh vực khó, mới, chưa có tiền lệ, pháp luật chưa quy định chặt chẽ nên quá trình đầu tư có sai sót. Số tiền các bị cáo chiếm đoạt là không lớn so với số tiền các bị cáo bỏ ra đầu tư xây dựng nhà máy”, HĐXX nhận định.

Trước đó, khi được tòa cho nói lời sau cùng trước khi Tòa nghị án, cả ba bị cáo trong vụ án đều xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Tô Hoài Dân cho rằng, sự việc hôm nay là do bản thân tin tưởng tuyệt đối vào con trai và những người làm công. Bị cáo thể hiện tâm huyết của mình đối với sự nghiệp môi trường và sự phát triển chung của quê hương Cà Mau, Bạc Liêu.

"Con trai tôi bị tạm giam, một mình tôi đang quản lý điều hành cùng lúc điện gió Bạc Liêu, Khu du lịch Khai Long, nhà máy xử lý rác. Nếu tôi phải ở tù nữa thì...", bị cáo Dân nói đến đây giọng nghẹn đi.

Bị cáo Dân nói tiếp: "Kính mong HĐXX quan tâm cứu xét để doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động xử lý rác thải cũng như thực hiện tốt các dự án khác. Đồng thời, mong rằng HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ bởi bị cáo sức khỏe yếu, có nhiều bệnh tật... Nếu các dự án của công ty rủi ro không còn hoạt động, có nguy cơ phá sản sẽ ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của hàng ngàn công nhân”.

Khi chưa bị khởi tố, bị cáo Dân và Lý được người dân trong vùng gọi là “đại gia” và "thiếu gia" điện gió miền Tây, do công ty đầu tư dự án điện gió lớn ở Bạc Liêu.

Một góc nhà máy xử lý rác TP. Cà Mau

Một góc nhà máy xử lý rác TP. Cà Mau

Như Tiền Phong thông tin, lợi dụng chính sách nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, quá trình đầu tư Nhà máy xử lý rác TP. Cà Mau, từ năm 2009 – 2012, bị cáo Tô Công Lý đã trực tiếp và chỉ đạo bị cáo Nguyễn Bá Đam lập hồ sơ khống xây dựng 2 hạng mục công trình, gồm: Hệ thống xử lý nước thải và Khu tiếp nhận và phân tách rác, tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành hồ sơ, Lý trình cho Tô Hoài Dân ký quyết định phê duyệt quyết toán và trình đề nghị UBND tỉnh Cà Mau xem xét hỗ trợ 50% vốn đầu tư. Tờ trình được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt, hỗ trợ 50% vốn đầu tư cho 2 hạng mục công trình khống trên, với số tiền ngân sách hơn 7,3 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, đại diện Viện KSND thực hành quyền công tố đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án với từng bị cáo.

Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tô Công Lý từ 12 - 13 năm tù; bị cáo Tô Hoài Dân và Nguyễn Bá Đam mỗi bị cáo từ 7 - 8 năm tù, về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo Lý bồi thường hơn 203 triệu đồng.

Tân Lộc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cha-con-dai-gia-dien-gio-mien-tay-linh-14-nam-tu-post1675001.tpo
Zalo