CEO Vietbank nói về mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 55%

Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, Vietbank vẫn đặt ra các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng. CEO ngân hàng này nói, họ đã có sự chuẩn bị nội tại kỹ lưỡng.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên Vietbank.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên Vietbank.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, mã: VBB) ngày 26/4 đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, công bố một mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng cho năm 2025.

'Vietbank đã có sự chuẩn bị nội tại kỹ lưỡng'

Theo Vietbank, năm 2025, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục trên đà phục hồi, tuy nhiên sự gia tăng các biện pháp điều chỉnh thuế quan giữa các quốc gia có thể gây ra những biến động khó lường về lợi thế cạnh tranh. Dù vậy, tại Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế trong nước với dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,5-7%.

Mặt bằng lãi suất huy động VND đã hạ nhiệt so với các năm trước, trong khi lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm và dự kiến tiếp tục ổn định trong năm 2025. Lãnh đạo Vietbank đánh giá, biên lợi nhuận toàn ngành ngân hàng nhìn chung sẽ không biến động bất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch kinh doanh.

Dựa trên các yếu tố này, Vietbank đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 tổng tài sản đạt 180.000 tỷ đồng (tăng 11%), tổng huy động đạt 132.000 tỷ đồng (tăng 17%) và tổng dư nợ đạt 112.000 tỷ đồng (tăng 20%). Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2,5%. Đáng chú ý, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 1.750 tỷ đồng, tăng tới 55% so với năm 2024.

Tại đại hội, cổ đông ngân hàng đã đặt câu hỏi về tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao trong bối cảnh nhiều bất định kinh tế. Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Vietbank cho biết: "Mục tiêu lợi nhuận tăng 55% là áp lực lớn đối với ban điều hành, nhưng chúng tôi đặt ra trên cơ sở kinh tế vĩ mô khởi sắc và sự chuẩn bị nội tại kỹ lưỡng. Chúng tôi quyết tâm cao để hiện thực hóa chỉ tiêu này".

Theo bà Trần Tuấn Anh, động lực tăng trưởng chính đến từ việc đẩy mạnh dư nợ tín dụng với kế hoạch tăng khoảng 20% ngay từ đầu năm, song hành cùng việc cơ cấu lại danh mục tài sản để tối ưu hệ số sinh lời. Ngoài ra, Vietbank đang tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức, mở rộng mạng lưới kinh doanh, thúc đẩy bán hàng, và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ nhằm gia tăng nguồn thu ngoài lãi.

Song song, ngân hàng cũng chủ động kiểm soát chi phí vận hành, đầu tư vào công nghệ để đơn giản hóa quy trình và tối ưu hiệu quả. Công tác kiểm soát nợ xấu và xử lý nợ cũng được đẩy mạnh, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang kiến nghị luật hóa Nghị quyết 42, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng trong việc xử lý tài sản bảo đảm.

"Chúng tôi không chỉ tăng trưởng về quy mô, mà còn chú trọng cải thiện chất lượng hoạt động, đảm bảo phát triển bền vững trong trung và dài hạn," bà Trần Tuấn Anh nói với cổ đông.

Tăng vốn để mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh

Liên quan đến vấn đề tăng vốn tại ngân hàng, chia sẻ tại Đại hội, ông Dương Nhất Nguyên – Chủ tịch HĐQT Vietbank cho biết, việc tăng vốn điều lệ là bước đi chiến lược để ngân hàng mở rộng quy mô, đẩy mạnh kinh doanh và hướng tới phát triển bền vững.

"Năm 2024, Vietbank đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 4.777 tỷ đồng lên 7.139 tỷ đồng. Đây là nền tảng quan trọng để chúng tôi chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo," ông Dương Nhất Nguyên nói.

Theo kế hoạch, năm 2025, Vietbank dự kiến tăng thêm 3.780 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua hai đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Ở đợt một, ngân hàng này sẽ phát hành hơn 107 triệu cổ phiếu (tương đương 15% vốn điều lệ), với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, sử dụng nguồn từ lợi nhuận giữ lại và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tính đến hết năm 2024. Sau đợt một, vốn điều lệ dự kiến tăng lên 8.210 tỷ đồng.

Ở đợt hai, Vietbank tiếp tục phát hành gần 271 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 33% so với vốn sau đợt một), cũng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến sau hai đợt phát hành, vốn điều lệ ngân hàng sẽ đạt gần 10.920 tỷ đồng.

"Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% trong năm 2025, với điều kiện được Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng phù hợp. Việc tăng vốn sẽ giúp cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) lên khoảng 13%, tạo dư địa để mở rộng cho vay, đầu tư và phát triển các mảng kinh doanh trọng điểm," ông Dương Nhất Nguyên chia sẻ.

Về việc sử dụng nguồn vốn tăng thêm, lãnh đạo Vietbank cho biết sẽ ưu tiên cho các mục tiêu chiến lược dài hạn: đầu tư tài sản cố định, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, mở rộng mạng lưới hoạt động, và đặc biệt là củng cố năng lực quản trị rủi ro.

"Tăng vốn cũng sẽ hỗ trợ Vietbank trong việc nâng xếp hạng tín nhiệm theo các chuẩn quốc tế, từ đó mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn vốn chi phí thấp và đối tác chiến lược," ông Nguyên chia sẻ.

Ngoài ra, lợi nhuận giữ lại của năm 2024 đạt gần 824 tỷ đồng sẽ tiếp tục là nguồn lực quan trọng cho kế hoạch tăng vốn năm 2025, giúp ngân hàng chủ động về tài chính trong các hoạt động phát triển kinh doanh.

"Chúng tôi hướng đến việc tối ưu hóa vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, song song với đảm bảo thanh khoản và tuân thủ chặt chẽ các quy định an toàn hoạt động ngân hàng. Vietbank cam kết phát triển bền vững, lấy khách hàng làm trung tâm, đồng hành cùng sự phát triển của nền kinh tế," Chủ tịch Vietbank nói.

Niêm yết trên HoSE trễ nhất vào năm 2026

Cũng tại Đại hội, cổ đông Vietbank (VBB) đã thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), với thời điểm thực hiện được xác định tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

Theo ông Nguyễn Hữu Trung - Thành viên HĐQT Vietbank, Đại hội cổ đông năm trước đã giao quyền cho HĐQT thực hiện việc niêm yết cổ phiếu VBB trên HOSE khi thị trường thuận lợi. Hiện tại, căn cứ vào kết quả kinh doanh năm 2022, 2023 và phương án cơ cấu hoạt động gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, Vietbank đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngân hàng, bối cảnh kinh tế và thị trường chứng khoán trong năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức. Diễn biến phức tạp từ lạm phát, chính sách lãi suất và chiến tranh thương mại toàn cầu đã làm gia tăng rủi ro trên thị trường vốn.

"Khi niêm yết, chúng tôi mong muốn tối ưu hóa giá trị cổ phiếu để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cổ đông cũng như cho sự phát triển dài hạn của Vietbank," ông Nguyễn Hữu Trung cho hay. Vì vậy, ngân hàng quyết định sẽ thận trọng cân nhắc thời điểm phù hợp, dự kiến thực hiện niêm yết trong năm 2025 hoặc trễ nhất là 2026, tùy vào sự cải thiện của thị trường.

Song song với kế hoạch niêm yết, Vietbank cũng đã trình Đại hội phương án xử lý dự phòng trong trường hợp ngân hàng cần áp dụng các biện pháp can thiệp sớm theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, ban hành ngày 18/01/2024. Theo lãnh đạo Vietbank, việc chuẩn bị các kịch bản ứng phó sẽ giúp ngân hàng chủ động kiểm soát hoạt động, duy trì tăng trưởng bền vững trong mọi tình huống thị trường.

"Trong giai đoạn chờ đợi thời điểm phù hợp để niêm yết, Vietbank sẽ tập trung vào củng cố nội lực, nâng cao hiệu quả kinh doanh, cải thiện chỉ số tài chính và gia tăng giá trị ngân hàng. Chúng tôi tin rằng, khi lên sàn, cổ phiếu VBB sẽ đạt được mức định giá tối ưu, mang lại lợi ích lâu dài cho cổ đông," ông Nguyễn Hữu Trung chia sẻ.

Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình của HĐQT đều đã được thông qua.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ceo-vietbank-noi-ve-muc-tieu-tang-truong-loi-nhuan-55-40891.html
Zalo