CEO Nguyễn Quốc Cường nói về bài học từ thương vụ Phước Kiển - Sunny Island

Trải qua nhiều biến động, ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai không muốn sử dụng vốn vay quá nhiều, đặc biệt khi bối cảnh thị trường chung chưa có thông tin tích cực rõ ràng. Quan điểm của CEO Nguyễn Quốc Cường là hạn chế vay để tránh phụ thuộc vào một tổ chức tài chính nào đó.

Khu vực phát triển dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Khu vực phát triển dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) diễn ra vào chiều ngày 17/5, một trong những nội dung quan trọng được HĐQT trình và cổ đông cũng đã thông qua là chủ trương đổi tên công ty Quốc Cường Gia Lai sau hơn 30 năm.

Theo HĐQT, trong bối cảnh việc sáp nhập tỉnh thành địa chính đang được triển khai hoàn thành thời gian tới, việc đổi tên công ty nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kết nối với các đối tác, khách hàng khi giao dịch và theo định hướng kinh doanh mới, mở rộng thị trường phát triển của công ty.

Ông Nguyễn Quốc Cường chia sẻ thêm, “khi thành lập, Quốc Cường Gia Lai mang một hình hài, hoài bão và ước mơ nhất định. Đến nay khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội hợp tác trong và ngoài nước, chúng tôi mong muốn đổi thành một cái tên ngắn gọn hơn, súc tích hơn, dễ dàng lan tỏa hơn đến các đối tác trong và ngoài nước. Cái tên ‘Quốc Cường Gia Lai’ đối với đối tác nước ngoài không phải dễ nhớ và dễ đọc nên việc thay đổi là cần thiết trong bối cảnh hội nhập mới”.

Tên gọi mới và thời điểm đăng ký kinh doanh thay đổi tên công ty sẽ được ủy quyền cho HĐQT lựa chọn và quyết định, không muộn hơn 12 tháng kể từ ngày nội dung này được cổ đông thông qua. Việc thay đổi tên công ty sẽ không ảnh hưởng đến các quan hệ giao dịch, nghĩa vụ dân sự cũng như hợp đồng mà các bên đã kết trước đây.

Đối với kế hoạch kinh doanh năm nay, các cổ đông đã thông mục tiêu doanh thu thuần 2.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 300 tỷ đồng. Trong ba tháng đầu năm nay, công ty đạt hơn 111 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi trước thuế hơn 12 tỷ đồng (lãi ròng gần 9,5 tỷ đồng).

Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Cường, nguồn thu chính của công ty trong năm nay đến từ thoái vốn các dự án thủy điện (khoảng 900 tỷ), phần còn lại của dự án Marina Đà Nẵng - giai đoạn 1 (700 tỷ), bán hàng chung cư tồn kho (400 tỷ).

Dự án Marina Đà Nẵng giai đoạn 1 đã được ghi nhận một phần doanh thu trong giai đoạn 2017 – 2018, phần còn lại gồm 37 sản phẩm đang được thi công, đã có giấy phép bán hàng và ghi nhận trong năm nay.

Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai còn một số dự án có thể đưa vào kinh doanh trong 2 - 3 năm tới như dự án 6B Phạm Hùng (Bình Chánh), Lavida Plus, khu dân cư Đa Phước (dự án Phạm Gia), Sông Đà Riverside (Quốc lộ 13, TP Thủ Đức) và dự án Phước Kiển.

Bài học từ thương vụ Phước Kiển - Sunny Island

Khi cổ đông đặt vấn đề với tỷ lệ nợ vay ở mức thấp như hiện nay, Quốc Cường Gia Lai không thể vay hay không muốn vay, CEO Nguyễn Quốc Cường cho biết sau 30 năm hình thành và phát triển bởi sự lèo lái của cựu Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan, công ty luôn luôn hướng đến sự an toàn nhất có thể. Đó là lý do Quốc Cường Gia Lai rất hạn chế vay.

Ông chia sẻ "thời điểm 2016 - 2017 khi chúng ta quyết định bán dự án Phước Kiển cho Sunny Island, các cổ đông đã chứng kiến một kế hoạch đầy hoài bão. Chúng ta đã nhận được tiền cọc dự án từ phía đối tác là 2.882 tỷ và cứ ngỡ rằng hợp đồng đó sẽ được tiếp tục thực thi theo những gì hai bên đã thỏa thuận, ký kết.

Số tiền hàng nghìn tỷ đã nhận và số tiền nhận về trong tương lai sẽ phục vụ cho những kế hoạch từ năm 2017 cho đến năm 2020. Nhưng rồi sau một, hai lần chuyển tiền đặt cọc, bên Sunny Island không tiếp tục thực hiện thanh toán theo hợp đồng. Vì hợp đồng đó đã không được diễn ra như những gì hai bên đã ký, vô hình trung nó trở thành khó khăn, rào cản của Quốc Cường Gia Lai trong những năm vừa rồi.

Thật sự đối với dự án Phước Kiển, chúng tôi đã trả giá rất nhiều, cực kỳ khó khăn, thử thách và gây ra rất nhiều sự hiểu lầm về bản thân người điều hành công ty cũng như hình ảnh công ty".

Trải qua những biến động như vậy, ban lãnh đạo không muốn vay quá nhiều, đặc biệt khi bối cảnh thị trường chung chưa có thông tin tích cực rõ ràng. Quan điểm của CEO Quốc Cường Gia Lai là hạn chế vay để tránh phụ thuộc vào một tổ chức tài chính nào đó, trong khi dòng tiền lưu động hàng ngày và nguồn thu trong những năm vừa rồi không đảm bảo đòn bẩy tài chính phù hợp.

CEO QCG khẳng định “phương án sử dụng tiền vay được Quốc Cường Gia Lai loại trừ trong những năm vừa rồi và đó cũng là một trong những điểm mạnh để đến ngày hôm nay chúng ta tích trữ được quỹ đất, duy trì nợ vay ở mức thấp.

Với số lượng tài sản như hiện tại, Quốc Cường Gia Lai không chỉ có thể vay mà còn có thể phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu, kêu gọi đầu tư…

Tuy nhiên, tất cả các kênh huy động này chỉ được sử dụng khi chúng ta nhìn thấy được chắc chắn tiềm năng triển khai của dự án, khả năng bán hàng, dòng tiền quay lại”.

Không triển khai Phước Kiển bằng mọi giá

Phước Kiển là một dự án có quy mô cực kỳ lớn.Hiện nay, công ty đang tiếp tục làm việc với cơ quan thi hành án và đã đề xuất một số phương án xử lý đối với dự án Phước Kiển, bao gồm phương án thanh toán lại số tiền nhận cọc 2.882 tỷ trong hai năm, được chia thành nhiều đợt (có thể bắt đầu từ quý III/2025 và kết thúc vào quý I - II/2027. Công ty buộc phải thoái vốn tại mảng thủy điện để có nguồn tiền thanh toán cho khoản thi hành án này trong năm nay.

CEO Quốc Cường Gia Lai thẳng thắn nhìn nhận với năng lực ở thời điểm này, nếu cố gắng thì công ty vẫn triển khai dự án được nhưng nếu làm một mình thì phải cân nhắc.

Có thể nói Phước Kiển là dự án duy nhất còn sót lại tại khu Nam Sài Gòn, có vị trí thuận lợi để kết nối tất cả các hướng về Cần Giờ, miền Tây và kể cả sân bay Long Thành trên phía cao tốc.

Trong quy mô gần 100 ha, dự án Phước Kiển có hơn 1,5 triệu m2 đất sử dụng cho cả thấp tầng và cao tầng, bằng một nửa dự án Phú Mỹ Hưng. Trong khi đó, Phú Mỹ Hưng mất khoảng 30 năm mới có thể lấp đầy như hiện nay.

"Trong suốt quá trình triển khai dự án, chúng tôi muốn sản phẩm của mình sẽ phục vụ đúng nhu cầu cần của xã hội và tỷ lệ lấp đầy của dự án cao chứ không phải chúng ta sẽ triển khai dự án bằng bất cứ mọi giá và bán bằng bất cứ mọi giá, để rồi giống như thực trạng tại một số khu đô thị lớn như bây giờ, đó là sự lãng phí của xã hội và người mua cuối cùng là người chịu thiệt nhiều nhất.

Đến giờ phút này chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc, may mắn khi hầu hết tất cả các sản phẩm của chúng tôi bán ra từ trước tới giờ mặc dù phân khúc không cao nhưng người mua cuối chưa bao giờ là người chịu thiệt và chưa ai phải phàn nàn về giá, về chất lượng.

Tất nhiên trong suốt chiều dài phát triển 30 năm không thể tránh khỏi những sai sót, những cái thiếu sót về quản lý, hoạt động, tiếp khách hàng… Ở mỗi khâu có thể mình thiếu đi một chút, dở đi một tí nhưng với thiện chí tiếp thu, chúng tôi mong rằng với những ý kiến đóng góp từ cổ đông, khách hàng và đối tác thì chúng tôi sẽ hoàn thiện nhiều hơn trong tương lai, hướng đến một công ty phát triển sản phẩm bất động sản vì cộng đồng", CEO Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.

Nguyên Ngọc

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ceo-nguyen-quoc-cuong-noi-ve-bai-hoc-tu-thuong-vu-phuoc-kien-sunny-island.html
Zalo