CEO JPMorgan cảnh báo về kịch bản lạm phát đình trệ
Theo CEO JPMorgan, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đúng khi giữ lãi suất ổn định, xét đến rủi ro lạm phát nếu nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm.

Trụ sở ngân hàng JPMorgan Chase tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành (CEO) của ngân hàng JPMorgan cho biết ông đang chuẩn bị cho một loạt kịch bản kinh tế, bao gồm cả kịch bản mà các nhà kinh tế học đánh giá là tồi tệ hơn cả suy thoái kinh tế.
Ngày 22/5, ông Jamie Dimon nói rằng tình trạng lạm phát đình trệ – sự kết hợp giữa lạm phát cao và tăng trưởng thấp – vẫn có thể xảy ra đối với kinh tế Mỹ.
Ông Dimon cho biết có khả năng xảy ra lạm phát đình trệ, đồng thời nói thêm rằng kịch bản này không nhất thiết xảy ra nhưng ông muốn có sự chuẩn bị.
Ông Dimon giải thích rằng tình trạng thâm hụt tài khóa toàn cầu, tăng đầu tư cho quốc phòng và tái cấu trúc thương mại đều có thể thúc đẩy lạm phát. Tuy nhiên, sự sụt giảm của giá dầu có thể là yếu tố bù đắp, giúp chống lại lạm phát.
Theo ông Dimon, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đúng khi giữ lãi suất ổn định, xét đến rủi ro lạm phát nếu nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm. Fed đã giữ lãi suất không thay đổi trong thời gian qua, bất chấp những lời kêu gọi từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hạ chi phí vay.
Những cảnh báo kinh tế mới nhất của ông Dimon được đưa ra sau các dự đoán bi quan khác của ông về nền kinh tế trong những tuần gần đây, dù nhiều ngân hàng đã điều chỉnh triển vọng sau những tiến triển gần đây trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Tuần trước, ông Dimon cho biết khả năng suy thoái kinh tế vẫn còn, đồng thời dự đoán sự biến động liên quan đến thuế quan sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường.
Ông Dimon cho rằng nền kinh tế đang phải đối mặt với "những biến động đáng kể", và suy thoái là một "kết quả có thể xảy ra".
Các ngân hàng lớn của Mỹ đang chuẩn bị cho một giai đoạn khó khăn hơn. Trong quý trước, JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo đã bổ sung 8,4 tỷ USD vào quỹ dự phòng rủi ro tín dụng, nhằm bù đắp cho các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai. Con số này tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 9% so với quý trước đó.