CEO Jeju Air bị cấm xuất cảnh
CEO Jeju Air Kim Yi Bae bị cấm xuất cảnh sau vụ máy bay của hãng hàng không này gặp nạn ở sân bay Muan, khiến 179 người thiệt mạng.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Jeonnam, đơn vị đang điều tra thảm họa máy bay Jeju Air, đã phát lệnh cấm hai quan chức của hãng hàng không này, trong đó có CEO Kim Yi Bae, rời khỏi đất nước kể từ ngày 31/12/2024, Reuters đưa tin.
"Đội điều tra đã áp lệnh cấm xuất cảnh đối với hai người, trong đó có CEO Jeju Air, Kim Yi Bae", cảnh sát tỉnh Jeolla Nam, nơi xảy ra vụ tai nạn máy bay, cho biết hôm 2/1.
Theo Guardian, cảnh sát Hàn Quốc sáng cùng ngày cho biết họ đã đột kích sân bay Muan và các địa điểm khác trong ngày 2/1, liên quan đến vụ tai nạn khiến 179 người chết tại đây.
"Liên quan đến vụ tai nạn máy bay xảy ra ngày 29/12, hoạt động khám xét và thu giữ đang được tiến hành từ 9h sáng 2/1 tại 3 địa điểm", cảnh sát Hàn Quốc công bố.
Các địa điểm này bao gồm sân bay quốc tế Muan ở tỉnh Jeolla Nam, văn phòng Hãng hàng không Jeju Air tại thủ đô Seoul, và một văn phòng hàng không khu vực.
Giới chức trách cho biết lệnh khám xét được đưa ra dựa trên cáo buộc "sai sót nghề nghiệp dẫn đến chết người".
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang Mok khẳng định cần "hành động ngay lập tức" nếu cuộc điều tra phát hiện bất kỳ vấn đề nào với mẫu máy bay Boeing 737-800. Trước đó, nhà chức trách cho biết có 101 máy bay cùng loại đang được các hãng hàng không ở nước này sử dụng.
Jeju Air cùng ngày thông báo hãng có kế hoạch cắt giảm các chuyến bay nội địa sớm nhất vào tuần tới và các tuyến bay quốc tế từ tuần thứ ba của tháng này.
Trước đó, trong buổi họp báo chiều 31/12/2024 ở Seoul, CEO Kim Yi Bae khẳng định hãng hàng không này sẽ giảm lưu lượng chuyến bay mùa đông từ 10 đến 15% sau thảm họa khiến 179 người thiệt mạng.
Ông Kim nói thêm rằng việc cắt giảm số chuyến bay không đồng nghĩa rằng Jeju Air thừa nhận hãng này đã khai thác quá nhiều chuyến bay trước đó, theo BBC.
CEO của Jeju Air cũng khẳng định hãng này đã theo dõi thời tiết trước và sau chuyến bay, các phi công được đào tạo theo tiêu chuẩn quy định và số nhân viên bảo dưỡng trên mỗi máy bay đã tăng từ 12 lên 12,9 trong khoảng thời gian từ 2019 đến nay.