Cây sơn tra - từ sinh kế đến sản phẩm du lịch trên 'miền cổ tích' Ngọc Chiến

Câu chuyện về hành trình đưa cây sơn tra từ sinh kế đến sản phẩm du lịch đặc biệt, đang được viết tiếp bởi chính quyền và người dân tại Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La.

Sơn tra (hay còn gọi là cây táo mèo) từ lâu đã gắn liền với cuộc sống đồng bào Mông ở bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, Sơn La – nơi có rừng hoa sơn tra lớn nhất Việt Nam.

Khung cảnh bình yên của bản làng nằm xen lẫn rừng hoa khoe sắc

Khung cảnh bình yên của bản làng nằm xen lẫn rừng hoa khoe sắc

Ông Thào A Vạng ở bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến chia sẻ: "Tôi sinh ra, lớn lên ở mảnh đất Nậm Nghẹp này. Cây táo cổ thụ ở đây có từ lâu đời rồi, khi tôi còn nhỏ cây táo cũng đã to lớn. Cho đến khi tôi trưởng thành, tôi tiếp tục trồng cây sơn tra. Thời gian đó tôi được tín nhiệm làm công tác của bản, tôi cũng vận động bà con trồng thêm cây táo để phát triển về kinh tế".

Ông Thào A Vạng, bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến chăm sóc vườn cây sơn tra của gia đình

Ông Thào A Vạng, bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến chăm sóc vườn cây sơn tra của gia đình

Cũng như bao người con đồng bào Mông ở bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, ông Thào A Vạng không biết cây sơn tra có từ bao giờ. Nhưng ông là một trong những người tiên phong đưa loại cây vừa giữ rừng, vừa thu quả này thành sản phẩm du lịch ở bản mình.

"Trước kia cây táo mang lại thu nhập nhờ bán quả. Sau đó thấy hoa cây táo cổ thụ này bung nở ấn tượng, có rất nhiều người ở Hà Nội đến đây nói rằng thấy cây táo hoa rất đẹp, thì tôi nghĩ rằng tại sao mình không làm du lịch..." - ông Vạng nhớ lại.

Ông Vạng chỉnh trang nhà bên vườn cây sơn tra, tạo điểm tham quan, trải nghiệm cho du khách.

Ông Vạng chỉnh trang nhà bên vườn cây sơn tra, tạo điểm tham quan, trải nghiệm cho du khách.

Sau đó, những sản phẩm du lịch sơ khai nhưng đậm bản sắc ở Nậm Nghẹp – nơi có rừng hoa sơn tra lớn nhất Việt Nam, cũng là một trong những bản Mông cao nhất cả nước đã dần hiện hữu.

Ông Vạng cho hay: "Tôi làm nhà dưới tán cây sơn tra, vì hoa cây sơn tra này rất đẹp. Làm mái nhà dưới tán cây này có thể là nơi cho khách check-in. Khi làm du lịch, tôi cũng giữ nguyên bản sắc dân tộc mình, vì Nậm Nghẹp là bản của người Mông đen duy nhất trong xã. Tôi giữ bản sắc từ nhà mái gỗ thời các cụ để lại, thu hút khách đến đây. Khách sẽ được thưởng thức các món dân tộc, trải nghiệm nếp sống của dân tộc mình".

Đồng bào Mông ở bản Nậm Nghẹp học cách làm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách

Đồng bào Mông ở bản Nậm Nghẹp học cách làm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách

Không chỉ ông Vạng, nhiều người dân bản Nậm Nghẹp vốn chỉ quen nương rẫy cũng đã học cách tạo sinh kế bền vững từ cây sơn tra. Như ông Kháng A Lụ, với 5 ha sơn tra, ngoài sản lượng mỗi năm từ 20 – 40 tấn quả, gia đình cũng bắt đầu có thêm nguồn thu các dịch vụ du lịch, trải nghiệm mùa hoa sơn tra.

"Mấy năm trước chưa có khách du lịch biết đến, chưa được quảng bá nhiều. Khoảng 2-3 năm trở lại đây khách du lịch trong và ngoài nước biết đến bản Nậm Nghẹp có rừng hoa sơn tra rất đẹp, thì khách đến tham quan, chụp ảnh nhiều... Gia đình cũng có thêm nguồn thu phục vụ cuộc sống" - ông Kháng A Lụ cho hay.

Cây sơn tra từ sinh kế trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của miền cổ tích Ngọc Chiến

Cây sơn tra từ sinh kế trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của miền cổ tích Ngọc Chiến

Để có được những rừng sơn tra cổ thụ cho đến cây non trẻ "bừng sáng" như hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La đã đồng hành với bà con trong suốt hành trình thay đổi tư duy, cách làm.

Cán bộ xã thường xuyên về bản, cùng làm và hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc sao cho cây sai hoa, đậu quả; cải tạo vườn sơn tra thành điểm tham quan, trải nghiệm; cho đến cách làm dịch vụ lưu trú, quán ăn, du lịch... đáp ứng nhu cầu của du khách nhưng cũng giữ được bản sắc văn hóa, nề nếp và văn minh.

Trải nghiệm bản sắc văn hóa của đồng bào Mông vùng cao

Trải nghiệm bản sắc văn hóa của đồng bào Mông vùng cao

Ông Lò Văn Thoa, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến chia sẻ: "Chúng tôi xác định đây là tài nguyên quý giá, hoa sơn tra cũng là loài hoa khác biệt với nhiều nơi. Chúng tôi tuyên truyền bà con chăm sóc, giữ gìn, trồng thêm cây sơn tra ở những nơi có thể. Để đón khách chu đáo, chúng tôi liệt kê danh sách homestay, nhà dân đủ điều kiện đón khách, có bảng biển, chỉ báo, số điện thoại và các tổ hướng dẫn du khách. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân cùng chia sẻ, cùng đón khách với tinh thần người Ngọc Chiến thân thiện, mến khách, văn minh và lịch sự".

Mùa hoa sơn tra, Ngọc Chiến mời gọi du khách bởi bức tranh hùng vĩ mà nên thơ ở độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển, với hàng nghìn ha sơn tra, trong đó có khoảng 800 ha cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi... Cùng với đó là cuộc sống của bản làng bình yên nằm xen lẫn trong rừng hoa khoe sắc, cùng những con người bình dị mà tình cảm, chân thành, mến khách nơi đây.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/cay-son-tra-tu-sinh-ke-den-san-pham-du-lich-tren-mien-co-tich-ngoc-chien-post1189534.vov
Zalo