'Cây sáng kiến' của Kho K882

Đại úy Lê Duy Sỹ sinh năm 1994 trên quê hương huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh - một vùng đất giàu truyền thống hiếu học - được xem là tấm gương về tinh thần nhiệt huyết, gương mẫu, trách nhiệm, không ngừng đổi mới, sáng tạo của Kho K882, Cục Quân khí.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từ nhỏ, Lê Duy Sỹ đã có ước mơ trở thành sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 2012, Lê Duy Sỹ đã xuất sắc thi đỗ và tham gia nhập học tại Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 1 năm học, Lê Duy Sỹ đã quyết định xin nghỉ học và đăng ký, khám tuyển thi lại vào Trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự (Đại học Trần Đại Nghĩa) năm 2014 với số điểm 24,5 điểm.

Đại úy Lê Duy Sỹ chia sẻ: “Ngay từ khi còn là học viên năm thứ nhất, ngoài việc học tập tốt các môn theo chương trình đào tạo, lại là “dân kỹ thuật” nên tôi rất thích mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu khoa học. Tôi thường tìm đọc thêm các tài liệu, sách, báo, tạp chí chuyên ngành về khoa học quân sự mỗi khi rảnh rỗi để mở mang, lĩnh hội thêm kiến thức. Đồng thời, tôi cũng luôn tích cực cùng đồng đội tham gia các phong trào về phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Năm 2019, tôi là thành viên của sáng kiến “Cải tiến giá để đạn đa năng”; sáng kiến được hội đồng khoa học các cấp ghi nhận và đánh giá cao”.

 Đại úy Lê Duy Sỹ kiểm tra thử nghiệm độ an toàn của “Thiết bị bảo hiểm, bảo đảm an toàn cho Máy tẩy gỉ vỏ liều tự động (85-152mm) PB-100K”.

Đại úy Lê Duy Sỹ kiểm tra thử nghiệm độ an toàn của “Thiết bị bảo hiểm, bảo đảm an toàn cho Máy tẩy gỉ vỏ liều tự động (85-152mm) PB-100K”.

Trên cương vị là Trợ lý Kỹ thuật, Ban Kỹ thuật (nay là Ban Hậu cần - Kỹ thuật), Kho K882 (Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật), qua tiếp xúc và làm việc trực tiếp anh nhận thấy, mặc dù đơn vị đã được đầu tư các trang thiết bị hiện đại nhưng ở một số vị trí vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, do đó, anh cùng các đồng đội đã nghiên cứu để đưa ra các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, vừa giảm công sức cho người lao động, vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối, mang lại hiệu quả sử dụng cao, phục vụ tốt cho nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị.

Dù chỉ mới ra trường được hơn 4 năm nhưng Lê Duy Sỹ đã có nhiều sáng kiến, cải tiến hay, sáng tạo, được thủ trưởng các cấp ghi nhận và đánh giá cao. Trong đó, Lê Duy Sỹ có 1 sáng kiến đạt giải Nhì và 2 sáng kiến đạt giải Ba tuổi trẻ Giải thưởng Sáng tạo trong Quân đội. Trên thực tế, máy tẩy gỉ vỏ liều tự động (85-152mm) PB-100K là một thiết bị rất hiện đại được lập trình và chạy tự động nên hiệu quả tẩy gỉ vỏ liều cao, chất lượng vỏ liều được tẩy gỉ tốt, nâng cao năng suất lao động, giảm nhân lực trong thực hiện sửa chữa đạn dược.

Tuy nhiên, việc hư hỏng các cảm biến xảy ra là điều không thể biết trước và không có dấu hiệu để phát hiện trước khi xảy ra tình trạng va đập, gây hư hỏng nặng cho máy và phải tốn rất nhiều chi phí để sửa chữa, làm gián đoạn quá trình sản xuất, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của xưởng sửa chữa đạn.

Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho thiết bị, bảo đảm quá trình sản xuất, Lê Duy Sỹ đã cùng đồng đội nghiên cứu chế tạo sáng kiến: "Thiết bị bảo hiểm, bảo đảm an toàn cho máy tẩy gỉ vỏ liều tự động (85-152mm) PB-100K". Sáng kiến này đáp ứng tốt yêu cầu kỹ thuật, giảm thiểu hư hỏng cho máy, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa máy và có thể áp dụng cho các đơn vị trong toàn Cục Quân khí. Đây là sáng kiến đạt giải Nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 22.

Tiếp đến là sáng kiến: “Thiết bị ép nắp chắn thuốc phóng đạn pháo lắp chặt trong dây chuyền sửa chữa đạn dược”. Trước khi có sáng kiến, để đặt nắp chắn thuốc phóng vào trong ống liều phóng, người thợ dùng chày và búa gỗ để đóng nắp chắn lọt qua miệng vỏ liều và đi vào đúng vị trí; quá trình này có thể làm biến dạng miệng vỏ liều, ảnh hưởng đến khả năng tóp chặt vỏ liều với đầu đạn, nắp chắn dễ bị hư hỏng, biến dạng; quá trình thao tác thủ công năng suất công việc thấp, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Từ thực tế trên, Lê Duy Sỹ đã cho ra đời sáng kiến: “Thiết bị ép nắp chắn thuốc phóng đạn pháo lắp chặt trong dây chuyền sửa chữa đạn dược”. Thiết bị gồm 6 bộ phận chính là: Khung, pittong hơi, khuôn ép, chày ép, van chiết lưu, van hơi và các bộ phận bổ trợ khác.

 Đại úy Lê Duy Sỹ (người đứng giữa) hướng dẫn sử dụng “Thiết bị ép nắp chắn thuốc phóng đạn pháo lắp chặt trong dây chuyền sửa chữa đạn dược” cho nhân viên kỹ thuật của kho.

Đại úy Lê Duy Sỹ (người đứng giữa) hướng dẫn sử dụng “Thiết bị ép nắp chắn thuốc phóng đạn pháo lắp chặt trong dây chuyền sửa chữa đạn dược” cho nhân viên kỹ thuật của kho.

Cơ cấu hoạt động của thiết bị rất đơn giản và dễ dàng sử dụng: Người thợ đặt vỏ liều vào vị trí dưới khuôn ép, sau đó đặt nắp chắn vào khuôn, dùng chân đạp van hơi. Hơi từ hệ thống được cung cấp vào phần trên xilanh, đẩy pittong di chuyển xuống, pittong mang theo chày ép, ép nắp chắn đi qua khuôn và đi vào trong miệng vỏ liều. Người thợ nhấc chân ra khỏi van đạp hơi, hơi từ hệ thống được cung cấp vào phần dưới xilanh đẩy pittong về vị trí cao nhất.

Người thợ lấy vỏ liều chuyển sang nguyên công tiếp theo. Quá trình thực hiện nguyên công này được rút ngắn chỉ còn khoảng 30 giây, góp phần đáp ứng tốt yêu cầu kỹ thuật, nâng cao chất lượng công tác sửa chữa đạn, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, công sức cho người lao động. Đây là một trong các sáng kiến đạt giải Ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hoàng Đình Lợi, Chính trị viên Kho K882 nhận xét: “Đại úy Lê Duy Sỹ là một trong những gương tuổi trẻ sáng tạo của đơn vị. Không những có nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tế, đồng chí còn là người cán bộ gương mẫu, luôn đi đầu trong các phong trào. Chúng tôi đánh giá cao những cống hiến ấy, đồng thời kêu gọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ học tập, noi theo để cố gắng rèn luyện, nghiên cứu, cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị”.

Với tinh thần tích cực học tập nghiên cứu, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, Lê Duy Sỹ đã được chỉ huy các cấp biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao, được đồng chí, đồng đội tin yêu và quý mến. Do có nhiều thành tích xuất sắc, Đại úy Lê Duy Sỹ đã được tặng nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen như: Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020, 2021, 2023; Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2020, 2021; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2022, Đoàn viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022, 2023, Đoàn viên công đoàn xuất sắc năm 2020, 2021, 2023…. Phát huy sức trẻ và lòng yêu nghề, say mê nghiên cứu khoa học, tin tưởng rằng Đại úy Lê Duy Sỹ sẽ giữ mãi được tinh thần nhiệt huyết, năng động, cống hiến hết mình, góp phần xây dựng Kho K882 nói riêng và ngành Kỹ thuật Quân đội nói chung ngày càng chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đại úy LẠI LƯƠNG NINH, Chính trị viên Trạm Bảo dưỡng sửa chữa, Kho K882, Cục Quân khí

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-nganh-ky-thuat-quan-doi-hanh-trinh-tien-len-hien-dai/cay-sang-kien-cua-kho-k882-782872
Zalo