Cây ớt vùng cao cho 'quả ngọt'
Như món quà của rừng xanh dành tặng riêng cho người Cơ Tu ở miền rừng này, loại quả nhỏ xanh mọc hoang dã đã trở thành đặc sản OCOP 4 sao cấp tỉnh, có mặt ở nhiều nơi và mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho đồng bào.
Quà tặng của rừng xanh
Nằm ở phía Tây của huyện miền núi Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), xã Mà Cooih với đông đồng bào Cơ Tu sinh sống hàng ngàn năm qua. Ngang qua đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đoạn từ thị trấn P’Rao - trung tâm huyện Đông Giang, trên những sườn đồi, hai bên đường ngày nào cũng có những người đàn ông hay phụ nữ Cơ Tu vai địu con đang bận rộn với việc trồng trọt, thu hái ớt. Người Cơ Tu nơi này ví cây ớt A Riêu là quà tặng của rừng xanh, bởi loại trái cây nhỏ bằng đầu đũa này chẳng biết có tự bao giờ. Họ chỉ nghe những người già trong làng kể lại rằng, năm đó, có một loài chim mang tên A Riêu (chim chào mào) thả xuống núi rừng này những loại quả nhỏ, rồi từ đó mọc lên loại ớt độc đáo này. Từ đó, người Cơ Tu gọi đó là ớt A Riêu.
Ớt A Riêu có hình dáng, độ cay và hương vị thơm ngon rất đặc trưng, khác với các giống ớt trồng ở vùng núi khác hay dưới đồng bằng. Vào những ngày cuối tháng 8, tháng 9 hàng năm, người Cơ Tu ở Mà Cooih lại bắt đầu bận rộn để thu hái ớt A Riêu mọc hoang tự nhiên trên rừng và nương rẫy. Ông Ating Banh (44 tuổi) cùng con gái rời nhà mang theo gùi, giỏ, đi gần 10km đến rẫy hái ớt. Năm 2022, ông chuyển đổi hơn 1.000m2 đất trồng ngô sang ớt, bình quân mỗi năm thu gần 20 triệu đồng. So với cây ngô, ớt cho thu nhập gấp 10 lần vì không phải tốn công đầu tư.
Cũng nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu riêng biệt đã tạo ra sự khác biệt của giống ớt với kích thước khá nhỏ, có vị cay, thơm nồng vừa phải rất đặc trưng riêng. Ớt A Riêu thường xuyên ra quả và khoảng 20 ngày thu hoạch một lần. Việc thu hoạch diễn ra hầu như quanh năm. Do mọc hoang và rải rác nên số lượng ớt mà người Cơ Tu thu hái được không nhiều. Do ớt A Riêu là sản phẩm hữu cơ hoàn toàn tự nhiên, là đặc sản nổi tiếng của huyện miền núi Đông Giang, nên được người dân ưa chuộng, nhu cầu tiêu thụ rất lớn.
Hiện tại, các điểm thu mua với giá khoảng 150 đến 200.000 đồng/kg. Vào thời cao điểm, giá thu mua có thể lên đến 250.000 đồng/kg. Đây là một nguồn thu nhập tốt và ổn định cho người đồng bào Cơ Tu ở địa phương. Người đồng bào ở đây ví von, ớt A Riêu chính là "vàng xanh" mà thiên nhiên đã ban tặng cho họ. Ớt A Riêu có thể trồng xen canh giữa vườn chuối, vừa tiết kiệm được diện tích, vừa giúp cây sinh trưởng tốt do có bóng mát. Điều đặc biệt là ớt A Riêu chỉ trồng được ở vùng này, nếu đem đi nơi khác, cây vẫn phát triển bình thường, nhưng trái ớt sẽ to hơn và không có hương vị đặc trưng. Đó là một lợi thế để người dân xã Mà Cooih xây dựng thương hiệu cho cây ớt.
Ông Arất Bói, Chủ tịch UBND xã Mà Cooih cho biết, toàn xã có 640 hộ dân, trong đó, 247 hộ nghèo đều trồng ớt. “Trước đây, nguồn thu nhập chính của đồng bào Cơ Tu từ cây sắn, ngô, chuối, gỗ keo..., giờ có thêm ớt A Rriêu giúp nhiều hộ xóa đói giảm nghèo. Sản phẩm ớt muối A Riêu đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh” - ông nói. Mỗi năm, huyện hỗ trợ xã 200 triệu đồng mua cây giống cung cấp cho người dân trồng. Trước đây, đồng bào Cơ Tu chủ yếu lên rẫy đốn củi, trồng ngô, quanh năm đối diện với nghèo đói. Từ khi chuyển sang trồng ớt A Riêu, gia đình anh Ting có thêm thu nhập 20-30 triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, đồng bào Cơ Tu ở Đông Giang trồng loại cây này với sản lượng khoảng 10,5 tấn. Nông sản này đã có mặt ở nhiều thị trường, giá trị kinh tế cao gấp 4 lần so với ngô, sắn nên nhiều hộ dân thoát nghèo.
Sản phẩm 4 sao ở rừng
Nhằm không ngừng phát huy tiềm năng kinh tế của ớt A Riêu, Trung tâm Khuyến nông huyện Đông Giang đã chọn một số hộ trong mô hình và thành lập Hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp Mà Cooih chuyên trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm ớt A Riêu. Từ khi được thành lập, HTX đã nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường. Để thực hiện được mục tiêu này, HTX đã cùng Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, bảo tồn và sản xuất ớt A Riêu theo hướng hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất và quản lý kinh tế nông hộ, cải thiện tình trạng bình đẳng giới trong lao động sản xuất ở các cộng đồng người Cơ Tu. Điều đáng chú ý là HTX đã thực hiện khá tốt việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, chú trọng tạo việc làm cho phụ nữ tại vườn ươm, ưu tiên lao động nữ tham gia vào quy trình chế biến ớt, bán sản phẩm và tham gia các hội chợ thương mại cấp tỉnh, huyện.
Nhiều năm qua, nhằm bảo tồn, nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu đặc trưng giống ớt A Riêu, hình thành vùng chuyên canh sản xuất ớt A Riêu theo hướng hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất, thu nhập cho người dân, huyện Đông Giang đã triển khai dự án bảo tồn và phát triển giống ớt A Riêu tại xã Mà Cooih theo quy hoạch giai đoạn 2022-2025 với diện tích trên địa bàn huyện đạt 50ha. Từ năm 2014 đến nay, UBND huyện Đông Giang đã ban hành Quyết định số 741 về phát triển cây ớt theo hướng hàng hóa trên địa bàn xã Mà Cooih nhằm phát triển cây ớt A Riêu đồng bộ, hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc địa phương thoát nghèo bền vững. Do đó, diện tích cây ớt A Riêu không ngừng được mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện tại, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ớt A Riêu ngày càng thuận lợi nhờ việc tập trung đẩy mạnh quảng bá và mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, hàng năm, HTX nông lâm nghiệp Mà Cooih còn ươm cây giống cung cấp cho các hộ gia đình có nhu cầu phát triển cây ớt A Riêu. Chất lượng cây giống được đảm bảo, do đó, mỗi năm, số lượng cây giống xuất vườn lên tới trên trăm nghìn cây, đem lại nguồn thu nhập đáng kể đối với các thành viên trong HTX.
Trước đây, HTX nông lâm nghiệp Mà Cooih là tổ hợp tác sản xuất ớt ARiêu Đông Giang, gồm 14 thành viên. Từ khi các thành viên tổ hợp tác chuyển đổi một số diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng ớt thì đời sống người dân cải thiện đáng kể, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Đến nay, số thành viên hợp tác xã 40 người, trong đó có nhiều hộ tham gia trồng ớt A Riêu. Hiện, toàn xã Mà Cooih có 16ha ớt và hầu như nhà nào ở xã cũng trồng ớt.
Ớt A Riêu của HTX nông lâm nghiệp Mà Cooih canh tác, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 12.000 hũ ớt muối, được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Nam. “Giá ớt A Riêu hiện nay đạt bình quân từ 200.000 - 250.000 đồng/kg. Mặc dù giá bán cao hơn nhiều so với những giống ớt khác, nhưng vẫn bán tốt vì ớt A Riêu được trồng sạch, không phun thuốc nên nhiều khách hàng rất ưa chuộng” - chị Nhị, một thành viên HTX chia sẻ.