Cây nhội ở đình An Phú được công nhận cây Di sản
Cây cổ thụ nói chung và cây di sản Việt Nam nói riêng là báu vật của mỗi làng quê, đã trải qua bao thăng trầm, biến cố của thời gian.
Những cây di sản, cây cổ thụ đã góp phần tạo cảnh quan môi trường, giá trị sinh thái và nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của nhân dân các địa phương, vì vậy việc bảo tồn, phát huy giá trị là cần thiết trong đời sống xã hội ngày nay.
Hơn 80 tuổi đời, ông Đào Giang Long cùng với những người dân trong làng An Phú, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa vẫn hàng ngày chứng kiến sức sống mạnh mẽ của cây nhội có tuổi đời trên 300 năm.
Khu vực đình An Phú này từng là căn cứ kháng chiến chống Pháp, cây nhội từng bị bom đạn tàn phá, nhưng giờ vẫn xanh tươi, thể hiện sức sống mạnh mẽ. Cây nhội và cây đa của An Phú vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam.
Ông Đào Giang Long chia sẻ: “Nó mang tính lịch sử văn hóa và nhất là nó lại ở khu vực đình, đền ở làng cho nên nó mang yếu tố tâm linh. Vì vậy, người dân tuyên truyền nhau giữ gìn, làm sao để cây xanh tốt được mãi".
Cây di sản đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Cây di sản nằm trong khuôn viên di tích lịch sử văn hóa cách mạng của thôn An Phú là nơi tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, là nơi mỗi người con đi xa tìm về cội nguồn, nhớ về quê hương bản quán. Chính vì vậy, khi được tặng Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam, người dân An Phú càng tự hào và yêu quý cây hơn.
Ông Lê Quý Khả, thôn An Phú, cho hay: “Thông qua đây thì cũng muốn truyền đạt đến thế hệ trẻ, người dân rằng đây là một di sản tầm cỡ quốc gia. Mọi người từ đây sẽ phải có trách nhiệm giữ gìn. Điều này vừa là bảo vệ môi trường, vừa là bảo vệ một biểu tượng văn hóa tâm linh".