Cây mận hồng phát triển trên vùng đất cù lao

Vài năm trở lại đây, mận hồng MST được xem là một trong những loại trái cây đặc sản của huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), bởi mận có chất lượng ngon, thị trường tiêu thụ tốt, đặc biệt là mận có giá trị kinh tế cao. Chính vì lợi nhuận từ cây mận hồng MST đem lại, nhiều nông dân ở huyện Cù Lao Dung đã phát triển cây mận, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Nhựt, ấp An Thường, xã An Thạnh 1. Bình quân mỗi năm ông bỏ túi 200 triệu đồng từ vườn mận hồng MST.

Diện tích trồng mận hồng MST trên địa bàn huyện Cù Lao Dung hơn 42ha, trong đó khoảng 12ha đang cho trái ổn định và được cấp 2 mã số vùng trồng với diện tích 29ha. Thời điểm hiện tại, nhiều giống mận đã được thu hoạch xong. Nhiều loại mận chỉ thu hoạch được từ 2 - 3 đợt trái/năm. Tuy nhiên, cây mận hồng MST được trồng tại hộ ông Nguyễn Văn Nhựt thì cho trái quanh năm. Theo ông Nhựt, do cây mận ra hoa đậu trái quá nhiều, để cây không bị gãy nhánh, ông phải hái bỏ bớt trái lúc còn nhỏ. Dẫn khách tham quan một vòng vườn mận hồng, ông Nhựt cho hay, trước khi trồng mận hồng MST thì diện tích đất 3.000m2 đã từng trồng mận An Phước rồi thanh long ruột đỏ. Thời gian sau này, hai loại trái cây này không mang lại thu nhập khá nên ông chuyển sang trồng mận hồng MST. Mận hồng MST được ông mua giống ngay tại huyện, trồng 10 tháng đã cho thu hoạch trái và 12 tháng thì đã chiết được nhánh bán ra thị trường.

Ông Nguyễn Văn Nhựt, ấp An Thường, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bên vườn mận của gia đình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Nguyễn Văn Nhựt, ấp An Thường, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bên vườn mận của gia đình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: THÚY LIỄU

Với cây mận, từ lúc ra hoa đến thu hoạch là 3 tháng, mỗi năm bán trái 2 đợt. Tính đến thời điểm hiện tại, vườn mận của ông Nhựt đã thu hoạch trái được hơn 2 năm. Trái mận khá to, vài trái đã nặng cả ký. Mỗi tháng ông hái được từ 400 - 600kg. Giá mận được công ty, thương lái thu mua tại vườn từ 80.000 - 120.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Sau khi trừ các khoản chi phí, ông thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm.

Ông Nhựt bộc bạch: "Tôi đã xây dựng nhà lưới cho vườn mận. Tôi cũng sử dụng hệ thống tưới nước, bón phân, phun thuốc tự động lắp đặt trong vườn. Chi phí đầu tư hơn 100 triệu đồng nhưng hiệu quả đem lại rất tốt, ngăn chặn nhiều loại sâu hại, côn trùng tấn công trái mận, góp phần cho mận đạt tỷ lệ trái loại nhất lên đến 80%. So với các loại mận khác mận hồng MST dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chỉ cần trồng mận trên đất khô ráo là cây sẽ sinh trưởng tốt. Thời điểm mùa nắng nóng tưới nước cho mận 2 ngày/lần, còn mùa mưa thì không cần tưới nước. Phân bón cung cấp cho mận chủ yếu phân hữu cơ và các loại thuốc vi sinh, giúp cho trái có màu sắc sáng đẹp".

Ngoài việc bán trái mận tươi, tôi đã chiết nhánh mận làm giống bán cho người dân có nhu cầu mua về trồng, ước tính số lượng nhánh mận đã xuất bán ra thị trường là 5.000 nhánh, giá bán 70.000 đồng/nhánh. Hiện tại, tôi vẫn đang tiếp tục chiết nhánh mận giống cung cấp ra thị trường, khi bán nhánh mận sẽ hướng dẫn người mua tận tình về kỹ thuật trồng, cách chăm sóc để mận cho năng suất trái tốt nhất, ông Nhựt cho biết thêm.

Đồng chí Đặng Quốc Chí - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết: “Mận hồng MST được nhiều hộ dân trồng trên địa bàn huyện từ năm 2016 đến nay. Cây mận sinh trưởng rất nhanh, độ brix (ngọt) của trái khi chín cao lên đến 14.2, trong khi cây mía đường khi chín già độ brix chỉ 21 trở lại. Cùng với đó, năng suất trái mận hồng rất cao, 1ha đạt năng suất từ 25 - 30 tấn trái/năm, mận có giá từ 60.000 đồng trở lên đã đem về cho hộ dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện tại, ngành chuyên môn đang thực hiện các quy trình theo quy định để chứng nhận cây mận hồng MST là cây đầu dòng của huyện và đang lập hồ sơ để đưa 2 sản phẩm mận là mận hồng Sân Tiên và mận hồng sấy dẻo tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm sao OCOP huyện năm 2024. Đồng thời, huyện đang tiến hành khảo sát để công nhận vùng trồng cây ăn trái tập trung (vùng mận) xã An Thạnh Nam, với diện tích 100ha và xem đây là vùng trồng cây ăn trái chủ lực của huyện. Cùng với đó, huyện tiến hành xây dựng vùng trồng mận trở thành vườn trồng cây ăn trái kiểu mẫu, theo quy định gắn với du lịch sinh thái cộng đồng tại địa phương…”.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/huyen-cu-lao-dung/cay-man-hong-phat-trien-tren-vung-dat-cu-lao-75179.html
Zalo