Cây khóm MD2 phát triển mạnh nhờ hợp đồng liên kết tiêu thụ

Vài năm trở lại đây, cây khóm MD2 phát triển mạnh tại huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), bởi nông sản thu hoạch được công ty ký kết hợp đồng liên kết thu mua, đảm bảo lợi nhuận tốt cho nông dân. Hiện một số địa phương trên địa bàn huyện Mỹ Tú đang trồng khóm MD2 vẫn tiếp tục chuyển đổi nhiều loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng khóm MD2, với mong muốn sản phẩm khóm sau thu hoạch bán được giá tốt và có thị trường tiêu thụ ổn định.

Diện tích trồng khóm của ông Võ Thanh Tùng, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú trước đây là vườn chuối xiêm, thu nhập hằng năm không đáng kể. Năm 2022, thấy nhiều nông dân địa phương trồng khóm MD2 cho lợi nhuận tốt, ông quyết định cải tạo vườn cây tạp 8.000m2 sang trồng khóm. Sau 16 tháng xuống giống, khóm cho thu hoạch trái, giá bán được công ty bao tiêu 5.500 - 5.800 đồng/kg (tùy trọng lượng trái). Trong đợt đầu tiên thu hoạch, khóm đạt năng suất, chất lượng cao và lợi nhuận tốt. Ông mở rộng thêm diện tích trồng khóm 3.000m2, nâng tổng diện tích lên 1,1ha. Đợt thứ 2, ông thu hoạch đạt hơn 30 tấn khóm, trừ chi phí lợi nhuận hơn 150 triệu đồng. Ngoài ra ông còn bán cho công ty hàng ngàn chồi khóm (dùng làm cây giống), giá 2.000 đồng/chồi, lợi nhuận hơn 7 triệu đồng/năm.

Diện tích trồng khóm MD2 trên địa bàn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) là 30ha. Ảnh: THÚY LIỄU

Diện tích trồng khóm MD2 trên địa bàn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) là 30ha. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo ông Tùng, cây khóm MD2 rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Các tháng mùa khô, chỉ cần tưới nước cho khóm 7 ngày/lần, còn tháng mưa thì canh xả nước ra khỏi ruộng, tránh để khóm bị nước ngập. Khi bón phân cần pha phân loãng vào nước mới tưới, khóm rất ít bị dịch bệnh nên hầu như không cần sử dụng thuốc. Để cho khóm ra hoa, đậu trái thì khi khóm được 12 tháng phải xử lý cho cây ra hoa. Từ lúc khóm ra hoa đến thu hoạch trái tầm 5 tháng. Suốt thời gian trồng khóm, người trồng chỉ quản lý ruộng khóm về cỏ dại, quá trình từ canh tác đến thu hoạch, công ty cho nhân viên hướng dẫn tất cả.

Cách ruộng khóm ông Tùng vài trăm mét là ruộng khóm của ông Nguyễn Văn Khanh, xã Long Hưng. Ông Khanh bộc bạch: "Trồng khóm khỏi lo về việc mua cây giống, phân bón, cách canh tác… bởi tất cả các khâu trên đã được công ty ký kết hợp đồng thu mua khóm trái hỗ trợ. So với nhiều loại cây rau màu khác thì khóm dễ trồng, chỉ xuống giống 1 lần, thu hoạch được vài đợt trái. 1ha trồng khóm, có một mình tôi chăm sóc, chỉ đến thời điểm xuống giống và thu hoạch mới thuê nhân công. Tính ra chi phí đầu tư mùa vụ khóm không nhiều, chủ yếu là mua cây giống, mà cây giống công ty cũng đã cung cấp và cho nợ đến khi thu hoạch trái mới trừ lại chi phí. Diện tích trồng khóm 1ha, qua 3 năm ký kết hợp đồng tiêu thụ, lợi nhuận tôi thu được hơn 400 triệu đồng. Hiện tại, tôi đang ký kết hợp đồng trồng và liên kết tiêu thụ khóm năm thứ 4".

Diện tích trồng khóm MD2 trên địa bàn huyện Mỹ Tú thời điểm đầu ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty West Food (tỉnh Hậu Giang) có 6ha, đến thời điểm hiện tại tăng lên 30ha. Hộ dân tham gia trồng khóm đều được công ty tận tình hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Từ thời điểm xuống giống đến thu hoạch, cán bộ kỹ thuật của công ty theo dõi sát quá trình sinh trưởng của khóm. Vấn đề quan trọng quyết định của việc hợp đồng liên kết bền chặt là giá thu mua khóm đảm bảo cho hộ dân có lợi nhuận 150 triệu đồng/ha sau 16 - 18 tháng trồng.

Đồng chí Võ Văn Bé - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết, khóm MD2 hay còn gọi là khóm Mỹ là loại cây sinh trưởng khỏe, chịu phèn, hạn tốt; trái có vỏ mỏng, nhiều nước, thịt giòn, màu vàng tươi, ít xơ, hương vị thơm ngon. Để hỗ trợ hộ dân trồng khóm MD2, đơn vị sẽ phối hợp địa phương tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng khóm; vận động, tuyên truyền đến hộ dân về việc giữ uy tín trong khâu liên kết tiêu thụ đầu ra của trái khóm với công ty thu mua, tạo mối liên kết bền chặt giữa đôi bên.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/202410/cay-khom-md2-phat-trien-manh-nho-hop-ong-lien-ket-tieu-thu-f7b6eb4/
Zalo