Cây dược liệu đóng góp lớn cho kinh tế rừng
Trồng cây dược liệu dưới tán rừng đang phát triển mạnh tại nhiều địa phương, góp phần ổn định kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường thiên nhiên, phát triển rừng bền vững…
Nhiều địa phương đã và đang phát triển cây dược liệu hiệu quả dưới tán rừng, như phát triển cây sâm Ngọc Linh tại các tỉnh Kon Tum và Quảng Nam; cây thổ phục linh, giảo cổ lam, thảo quả, đương quy, sa nhân, ba kích... tại Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Quảng Ninh, Ðiện Biên, Lai Châu; cây sa nhân, bách bộ, chè vằng, giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, đảng sâm... ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Qua đó, từng bước tạo nguồn dược liệu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đem lại thu nhập cho người dân nhận chăm sóc, bảo vệ rừng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Theo đó, đến nay cả nước đã trồng 54 loài cây dược liệu trên diện tích 28.000 ha, từ đó cung ứng khoảng 110.000 tấn dược liệu các loại, đồng thời lựa chọn và khai thác hợp lý hàng chục loài dược liệu tự nhiên, cung ứng nguồn dược liệu cho công nghiệp dược, y học cổ truyền, các lĩnh vực khác và xuất khẩu.
Theo thống kê của ngành lâm nghiệp, hiện nay, cây dược liệu phát triển mạnh tại các tỉnh trung du, miền núi phía bắc.
Tại Yên Bái, toàn tỉnh hiện có diện tích trồng dược liệu khoảng 4.000 ha với tổng sản lượng đạt hơn 10.660 tấn. Trong đó, có gần 100 ha loài dược liệu được khai thác tự nhiên, sản lượng đạt hơn 130 tấn/năm.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La có hơn 16.140 ha trồng cây dược liệu dưới tán rừng với sản lượng đạt khoảng 26.000 tấn. Hằng năm, nhờ sự liên kết mạnh mẽ từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân của tỉnh đã có đầu ra khá ổn định cho các loại cây trồng dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rừng.
Lai Châu là địa phương có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế dưới tán rừng. Với đặc điểm địa hình núi cao hơn 1.000m phân bố ở nhiều nơi, đặc biệt là các xã vùng cao, biên giới và là nơi tập trung diện tích rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ quanh năm nên rất phù hợp để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
Ðến nay, dưới tán rừng của các địa phương trong tỉnh đã có một số loài cây dược liệu quý như: sâm Lai Châu, thảo quả, hà thủ ô, lan kim tuyến, sa nhân, tam thất, đương quy... Nhiều loài cây quý có thể làm thuốc nam, thuốc bắc, có thể chữa một số bệnh, được đồng bào các dân tộc thiểu số lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Theo thống kê, tỉnh có gần 900 loại dược liệu, trong đó có khoảng 20 loài cây thuộc diện nguy cấp, quý, hiếm cần bảo tồn như: bảy lá một hoa, sâm Lai Châu, lan kim tuyến... Vì vậy, song song với phát triển vùng dược liệu, tỉnh cũng chú trọng đến công tác bảo tồn và lưu giữ gien của các loại cây thuốc này.
Ngoài các địa phương nêu trên, khu vực Tây Bắc do đặc thù về điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế-xã hội cho nên đã và đang thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau nhằm phát triển dược liệu, trong đó chủ yếu là trồng dưới tán rừng, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm sinh kế cho người dân trong khu vực.
Phó Cục trưởng Lâm nghiệp Ðoàn Hoài Nam cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến nay cả nước đã trồng 54 loài cây dược liệu trên diện tích 28.000 ha, từ đó cung ứng khoảng 110.000 tấn dược liệu các loại, đồng thời lựa chọn và khai thác hợp lý hàng chục loài dược liệu tự nhiên, cung ứng nguồn dược liệu cho công nghiệp dược, y học cổ truyền, các lĩnh vực khác và xuất khẩu.
Ngày 1/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 611/QÐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Ðây là cơ hội không chỉ cho việc phát triển sâm mang thương hiệu Việt Nam, mà còn là cơ hội để phát triển các loài cây dược liệu khác dưới tán rừng, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu. Ðể phát triển dược liệu thành ngành hàng có khả năng cung cấp khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, cần phải quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu tương xứng, mang tính chiến lược, ổn định, bền vững.
Thực tế, các loài dược liệu hiện phân bố tương đối phân tán, phần lớn dược liệu được khai thác trong tự nhiên, một phần đã được trồng với quy mô diện tích nhỏ; chưa có vùng sản xuất nguyên liệu thảo dược tập trung quy mô lớn, nên việc phát triển thảo dược còn nhiều hạn chế.
Về cơ chế, chính sách, Luật Lâm nghiệp năm 2017 mới chỉ quy định việc gây trồng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng được triển khai thực hiện trong rừng phòng hộ và rừng sản xuất theo hình thức sản xuất lâm-nông kết hợp và do chủ rừng tự thực hiện; chưa quy định đối với hình thức liên kết, cho thuê môi trường rừng để gây trồng, phát triển, khai thác cây dược liệu.
Ðối với rừng đặc dụng, Luật Lâm nghiệp không quy định được gây trồng, phát triển, khai thác cây dược liệu dưới tán rừng nhằm mục đích thương mại. Do vậy, việc xã hội hóa, thu hút nguồn lực của xã hội để đầu tư, phát triển cây dược liệu trong rừng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp thuê môi trường rừng đầu tư để gây trồng, phát triển các loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc về nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng chưa quy định trong Luật Lâm nghiệp, tại Ðiều 248 của Luật Ðất đai năm 2024 sửa đổi, bổ sung các Ðiều 53, 54 và 60 của luật này đã quy định về nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và cho thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu được thực hiện theo quy chế quản lý rừng.
Ðể được triển khai, thực hiện, chủ rừng phải xây dựng phương án để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, cần thống nhất các mẫu phương án nuôi, trồng phát triển thu hoạch cây dược liệu trong rừng để áp dụng, nhằm tạo điều kiện cho việc nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng cũng như quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững khu rừng. Ðây là một việc làm cần thiết, song lại đang thiếu hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể của các cơ quan liên quan.
Ðể chủ trương, chính sách, pháp luật sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ cần sớm ban hành các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế rừng, trong đó có cây dược liệu. Các bộ, ngành, địa phương cần có phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng của các chủ rừng theo quy hoạch cấp ngành và cấp quốc gia. Các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế rừng hiệu quả, trong đó có cây dược liệu, một trong những ngành hàng mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và bảo đảm an sinh xã hội…
Kết quả điều tra của Viện Dược liệu ghi nhận cả nước hiện có hơn 5.110 loài cây thuốc. Nhu cầu về nguyên liệu dược ở trong nước hiện nay vào khoảng 60.000-80.000 tấn/năm, trong khi nguồn cung mới đáp ứng được khoảng 20-30%. Do đó, việc quản lý gây trồng, khai thác bền vững nguồn dược liệu tự nhiên trong các hệ sinh thái rừng ở Việt Nam hết sức cần thiết.