Cây cảnh trị giá cả trăm triệu nay thành củi khô sau trận lũ lịch sử
Nhiều cây cảnh ở Hưng Yên có giá trị từ vài triệu đồng đến hơn trăm triệu đồng đều trở thành củi khô, không còn giá trị gì sau trận lũ lịch sử,
Vào đêm 10/9, lũ lụt ở xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) đã dâng lên nhanh chóng, với mực nước cao từ 3-4 mét, khiến toàn bộ khu vườn của anh Ngô Minh Ngọc và nhiều gia đình khác trong làng bị ngập trong biển nước. Tất cả các loại cây cảnh mà gia đình anh chuyên trồng, bao gồm hoa giấy, hoa nhài Nhật, mộc hương và quất cảnh, đều bị hư hại nặng.
Chỉ còn lại vài cây sống sót với tỉ lệ sống khoảng 40%, nhưng dù có chăm sóc cũng khó phục hồi như ban đầu. “Những cây này chăm sóc tốt thì có khả năng sống nhưng không còn đẹp như trước, giá trị giảm đi rất nhiều. Hoặc cũng có thể chăm sóc mà khó sống đc”, anh nói.
Nước lũ nhấn chìm nhiều khu vườn cây cảnh ở xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên).
Nhiều cây hoa giấy có giá trị lớn, trước đây từng được bán với giá hàng trăm triệu đồng, giờ đây chỉ còn lại những cành khô. Các chậu cây cảnh có giá trị từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng đều chung số phận, gây ra thiệt hại không nhỏ cho gia đình anh.
Anh Ngọc ước tính gia đình mình đã thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng, chưa tính đến công sức chăm sóc và chi phí thuê thợ.
“Trong vườn, một số chậu cây đã có người đặt cọc tiền trước để mua về trang trí nhưng họ chưa xây xong nhà nên vẫn gửi nhờ. Nay nước lũ làm cây chết, tôi cũng không còn cách nào khác đành phải bảo họ thông cảm và tôi trả lại toàn bộ tiền cọc cho họ”, anh nói.
Vườn quất cảnh không còn cây nào còn sống sót.
Anh chia sẻ đây thực sự là một cú sốc lớn đối với những người làm nghề cây cảnh trong khu vực. Bởi trong rất nhiều năm làm nghề cây cảnh, làng anh chưa bao giờ gặp tình trạng này, khi toàn bộ khu vườn đều chìm trong nước lũ.
Ngoài tổn thất trực tiếp, anh Ngọc còn cho biết nhiều người trong làng đã dự đoán rằng Tết năm nay sẽ khan hiếm cây cảnh, giá cả chắc chắn sẽ tăng cao. Nỗi lo lắng về nguồn thu nhập trong tương lai càng làm tăng thêm áp lực cho các gia đình trồng cây cảnh.
Những chậu cây hoa giấy từng có thời điểm giá đến cả trăm triệu đồng, giờ thành củi khô.
Trước tình cảnh cây cối chết hết, rất nhiều người xem được video anh đăng lên mạng đã đặt câu hỏi tại sao anh không di dời cây cảnh đến khu vực an toàn. Tuy nhiên, anh giải thích rằng nước lũ dâng lên rất nhanh và diễn ra vào ban đêm, khiến mọi người không kịp phản ứng.
“Ngay cả khi có thời gian, việc di dời cây cảnh đều khó khăn vì cả làng đều làm nghề cây cảnh, không có đủ không gian để chứa toàn bộ số lượng cây lớn như vậy”, anh giải thích.
Nhiều cây cảnh chết, anh Ngọc ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
Trước thiệt hại nặng nề, anh Ngọc và bà con trong làng đang tự động viên nhau rằng "còn người là còn của". Anh đang lên kế hoạch dọn dẹp khu vườn, một công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và chi phí. Vì các cây nhỏ có thể tự tay anh và mọi thành viên trong gia đình anh dọn dẹp được, nhưng những cây lớn sẽ cần thuê máy móc.
Tuy nhiên, anh cho biết anh vẫn thấy nhà anh còn may mắn hơn rất nhiều gia đình khác. Bởi nhiều người còn mất nhà mất cửa, thậm chí mất cả mạng do nước lũ.
Anh dự định sẽ bắt đầu tái tạo lại vườn vào năm tới, khi tình hình tài chính ổn định hơn. Đây là một quá trình dài và khó khăn, nhưng với sự kiên trì của mình, anh vẫn hy vọng khu vườn của anh có thể xanh trở lại.