Cây cam, cây quýt ở vùng cao xứ Thanh
Nhờ chất đất, khí hậu đặc trưng, nhiều nông dân tìm tòi, nghiên cứu, tâm huyết đưa các giống cam, quýt, bưởi có giá trị trồng nơi vùng cao, biên giới. Tuy nhiên, việc phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung có quy mô ở khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn.
Mùa quả ngọt
Được sự giới thiệu của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, chúng tôi đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình ông Đỗ Văn Lương và bà Nguyễn Thị Hương (hay còn gọi nhà vườn Hương Lương), thôn Tôm, xã Ái Thượng. Dọc con đường vào nhà vườn Hương Lương, chúng tôi mải miết ngắm nhìn vườn cam, bưởi... lúc lỉu quả.
Ông Đỗ Văn Lương cho biết, từ độ đầu tháng 12 âm lịch, cây cam, bưởi sẽ bước vào mùa thu hoạch và thương lái đến tận vườn để thu mua, cung cấp nguồn hàng cho thị trường dịp tết nguyên đán. Chia sẻ về hành trình gắn bó với cây cam, bưởi trên vùng đất khó, ông Đỗ Văn Lương cho biết, ông vốn làm việc trong lĩnh vực xây dựng, từ năm 2018 mới chính thức bắt tay vào làm nông nghiệp trồng cây ăn quả có quy mô mà vốn dĩ ông đã ấp ủ nhiều năm. Ông học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả từ bạn bè, nhà vườn trong và ngoài tỉnh, trên các phương tiện thông tin đại chúng và lựa chọn giống cam, bưởi ở những địa chỉ uy tín. Đây cũng là năm thứ 2, vườn cam của gia đình ông cho thu hoạch. Hiện tại, gia đình ông có 7.000 gốc cam các loại như cam đường Canh, cam lòng vàng. Dự kiến năm 2024 sẽ cho thu hoạch khoảng 25 tấn cam. Gia đình ông Lương tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho hàng chục lao động địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước cho biết: Những năm qua, huyện Bá Thước chú trọng phát triển các loại cây đặc sản gắn với xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Toàn huyện có hơn 1.000ha trồng cây ăn quả, trong đó trồng tập trung 360ha các loại cam, bưởi, ổi, chuối, thanh long ở các xã Ái Thượng, Điền Lư, Điền Quang, Điền Trung, Lương Nội và có khoảng 95ha trồng quýt hoi (hay còn gọi quýt hôi) được trồng ở các xã Thành Sơn, Thành Lâm, Ban Công, Cổ Lũng... Hiện nay, quýt hoi được một đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn huyện thu mua, tạo nên nhiều sản phẩm từ quýt. Trong đó, sản phẩm trà quýt hoi đã được công nhận sản phẩm OCOP là đặc sản của quê hương Bá Thước được người tiêu dùng đánh giá cao. Tại khu vực 3 bản Son - Bá - Mười, xã Lũng Cao, một số hộ dân trồng cam lòng vàng, cam đường canh, quýt hoi... vừa mang lại hiệu quả kinh tế, thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
Còn nhiều khó khăn
Ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát, cây cam được trồng nhiều ở các xã Quang Chiểu, Mường Chanh, Pù Nhi... Trong đó, giống cam Lào được bà con trồng nhiều nhất thuộc các bản Con Dao, Suối Tút ở xã Quang Chiểu, với khoảng 30ha. Những người tiên phong trồng giống cam Lào là ông Tặng Văn Lai, bản Suối Tút với hơn 2ha; gia đình ông Phan Văn San và bà Tặng Thị Mụi, bản Suối Tút; ông Tặng Văn Cấu, bản Con Dao với hơn 1ha cam Lào và quýt đường;... Giống cam Lào phù hợp thổ nhưỡng ở Mường Lát, cây sinh trưởng phát triển, chiều cao vượt trội, quả cam vỏ mỏng, ngọt, ít xơ, mùi thơm đặc trưng, ăn có vị ngọt thanh, giá dao động từ 20.000-30.000 đồng/kg. Những năm trước đây, thời tiết thuận lợi nên cây cam phát triển, cho nhiều quả, mang lại thu nhập cho bà con, tuy nhiên năm nay thời tiết bất thường, khi cam ra hoa gặp nắng nóng kéo dài nên đậu quả ít; đến khi cây cho quả non thì gặp mưa bão, đặc biệt là mưa đá nên năng suất giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con.
Nếu như ở các huyện vùng núi thấp như Thạch Thành, Như Xuân... đã và đang phát triển các vùng cây ăn quả tập trung quy mô lớn, công nghệ cao thì ở các huyện miền núi cao, việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn, bởi vậy việc trồng cây ăn quả hiện nay mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Tại huyện Mường Lát, tổng diện tích cây ăn quả hiện có năm 2024 là 441,21ha, diện tích trồng mới 65ha. Cây ăn quả chủ yếu là chuối, xoài, dứa, mít, nhãn, bưởi, ổi, mận, đào, cam..., riêng diện tích cây cam hơn 45ha được người dân trồng quy mô nhỏ, lẻ tại các vườn đồi.
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 11/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, huyện Mường Lát đã tổ chức quán triệt tuyên truyền và triển khai đầy đủ nghiêm túc các nội dung đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, các cấp chính quyền từ cấp huyện tới xã, bản. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể để phổ biến rộng rãi chủ trương, kế hoạch tập trung tích tụ đất đai; các chính sách tới toàn thể người dân đạt hiệu quả cao nhất. Từ đó tạo sự đồng thuận, tự giác, tự nguyện của mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là người nông dân trong quá trình triển khai thực hiện tích tụ, tập trung đất đai. Đến thời điểm hiện tại, Mường Lát đã thực hiện tích tụ được 50/50ha, đạt 100% kế hoạch giao năm 2024.
Là một huyện vùng cao có địa hình đồi núi dốc đứng, diện tích đất phân tán, manh mún, nhỏ lẻ nên việc dồn điền, đổi thửa rất khó thực hiện; khó khăn cho đầu tư sản xuất quy mô tập trung, đặc biệt là sản xuất ứng dụng công nghệ cao; kết cấu hạ tầng, giao thông của chưa đồng bộ, việc kêu gọi thu hút các doanh nghiệp vào liên doanh, liên kết sản xuất gặp nhiều hạn chế và bất cập... Hiện nay đa số các vườn cây ăn quả của các hộ trên địa bàn các xã, thị trấn chủ yếu là trồng trong vườn đồi, vườn tạp mang tính tự phát, chưa chú trọng việc lựa chọn giống và áp dụng các kỹ thuật canh tác vào sản xuất, vì vậy chất lượng vườn cây rất hạn chế, năng suất không ổn định, chất lượng sản phẩm chưa cao; sản xuất cây ăn quả chưa gắn với bảo quản, chế biến nên chưa hình thành được liên kết chuỗi giá trị. Việc tích tụ tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao và phát triển cây ăn quả tập trung cũng gặp không ít khó khăn. Năm 2025, huyện Mường Lát phấn đấu tổng diện tích tích tụ tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp là 50ha, địa phương mong muốn ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh có các chính sách khuyến khích phát triển cây ăn quả đối với các loại cây ăn quả lợi thế của từng địa phương để cho người dân được hưởng các chính sách phát triển cây ăn quả, từ đó khuyến khích phát triển sản xuất.