Cầu xuống cấp nghiêm trọng, dân Cồn Hến gặp nhiều khó khăn
Từ khi xây dựng kinh thành Huế, cùng với cồn Dã Viên - 'hữu Bạch Hổ', vua Gia Long đã coi cồn Hến là 'tả Thanh Long' - biểu trưng cho quyền uy của vương quyền. Thế nhưng giờ đây, hàng ngàn người dân sinh sống ở cồn Hến mỗi khi ra vào với 'thế giới' bên ngoài đều thấp thỏm theo độ rung lắc vì cây cầu độc đạo Phú Lưu xuống cấp nghiêm trọng.
>>> Video Nhiều hạng mục cầu đường bộ Phú Lưu xuống cấp
Sáng 2-10, UBND phường UBND phường Vỹ Dạ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết vừa có văn bản gửi UBND TP Huế về kiến nghị đầu tư xây dựng mới cầu Phú Lưu. Nguyên nhân, một số hạng mục cây cầu này hư hỏng, mố trụ cầu nhiều nơi bày ra cả sắt thép bên trong, nhiều thanh đà hoen rỉ… không còn đảm bảo trọng tải 5,5 tấn như sửa chữa nâng cấp cây cầu này vào năm 2020.
UBND phường Vỹ Dạ cũng đề xuất phương án giao thông tại cầu Phú Lưu. Theo đó, cắm biển báo cấm các loại phương tiện có trọng tải 1,5 tấn qua cầu. Cấm xe khách trên 9 chỗ qua cầu. Khi mực nước sông Hương báo động cấp II (+2 m) cấm tất cả các loại phương tiện qua cầu, chỉ cho phép đi bộ qua cầu. Mực nước sông Hương có báo động trên cấp II (+2,5 m) cấm tất cả người, phương tiện qua cầu, có rào chắn đảm bảo 2 đầu cầu.
Theo ghi nhận, cầu đường bộ Phú Lưu dài 13,5m, rộng 3,16m nằm trên đường Ưng Bình, TP Huế- tuyến đường bộ độc đạo nối cồn Hến- nơi sinh sống của 1.017 hộ dân với 4.104 nhân khẩu thuộc phường Vỹ Dạ, với khu vực bên ngoài. Tuy nhiên, cầu Phú Lưu xây dựng và đưa vào sử dụng từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước và đã có 2 lần bị sập móng đầu cầu.
Do xuống cấp, cầu đường bộ Phú Lưu từng trải qua nhiều lần sửa chữa, trong đó có 2 lần sử dụng lại vật liệu của cầu khác chắp vá vào. Lần đầu là sử dụng các nhịp bằng sắt thép của cầu Trường Tiền bị sập.
Năm 2013, khi thực hiện xây mới cầu Đông Ba, bắc qua sông Đông Ba (TP Huế), cơ quan chức năng tháo dỡ hệ khung dầm thép đem về lắp vào cầu Phú Lưu.
Cũng vì hư hỏng, xuống cấp, trong một thời gian dài, cơ quan chức năng chỉ cho phép người đi bộ và phương tiện thô sơ, xe máy qua cầu Phú Lưu, các loại phương tiện khác bị cấm.
Đến năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bố trí hơn 4,7 tỷ đồng để sửa chữa cầu Phú Lưu, nhằm duy trì tuổi thọ cầu, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và các phương tiện như: xe cứu thương, xe tang, xe chữa cháy hạng nhỏ.
Chủ đầu tư đã tiến hành gia cố, sửa chữa toàn bộ 32 móng cọc trụ cầu cũng như các vị trí hư hỏng của trụ cầu; bổ sung dầm dọc, gia cố hệ dầm dọc và giàn chủ, thay bản mặt cầu cũ từ bê tông cốt thép thành thép tấm chống trượt.
Ông Trần Viết Trung, Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ cho biết, cầu hẹp nên khi có ô tô lưu thông, chỉ di chuyển được một chiều, dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông. Bên cạnh đó, mật độ phương tiện qua cầu cao, mặt cầu lại mất lớp chống trượt, dễ gây tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Khi có đám tang hoặc đám cưới, phải chia thành từng tốp nhỏ để di chuyển. Vào mùa mưa bão, khi nước sông Hương dâng cao, cầu không thể sử dụng, khiến khu vực cồn Hến bị cô lập, gây khó khăn cho việc ứng cứu.
“Qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân khu vực Cồn Hến, họ thiết tha mong muốn được đầu tư xây dựng và mở rộng cầu, đảm bảo có đủ 2 làn xe lưu thông hai chiều theo tiêu chuẩn cầu và đường trong đô thị. UBND phường kiến nghị UBND TP Huế mời đơn vị chuyên ngành khảo sát toàn bộ và lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới theo nguyện vọng của người dân khu vực Cồn Hến”, ông Trung cho biết.