Cau tươi có tác dụng gì đặc biệt mà nhiều người chi cả lượng vàng để sở hữu?

Quả cau tươi gồm có hai phần là phần vỏ và phần hạt (được gọi chung là quả cau). Không chỉ có ý nghĩa trong giao tiếp (trong tục lệ ăn trầu), quả cau còn có nhiều tác dụng chữa bệnh…

Hiện trên thị trường cau tươi có giá rất cao gần 100.000/1 kg cau. Đây cũng là mức giá cao kỷ lục, khi mà 1 tấn cau tươi người bán thu thể gần 1 lượng vàng. Vậy cau tươi có tác dụng gì mà khiến nhiều người 'săn lùng' đến vậy?

Quả cau tươi đã gắn bó vô cùng lâu đời với con người Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Trước đây quả cau chỉ được người dân thường dùng trong tục ăn trầu, là một lễ tiết truyền thống văn hóa lâu đời không thể thiếu của người Việt trong giao tiếp.

BSCK2. Trần Ngọc Quế, Chủ tịch Hội Đông y Quảng Bình cho biết, thời gian gần đây quả cau tươi được xem là một loại thuốc nam quý, có nhiều tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh và ngày càng được nhiều người tin dùng, vì tác dụng quý giá của nó. Hạt cau có vị cay, đắng, tính ôn, vào kinh tỳ, vị và đại tràng...

Quả cau tươi có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh…

Quả cau tươi có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh…

Dưới đây là một số tác dụng của quả cau tươi:

1. Quả cau tươi giúp điều trị các loại giun sán

Theo BSCK2. Trần Ngọc Quế, hạt cau đã được chứng minh là có công dụng tuyệt vời trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng trong đường ruột, điều trị và loại bỏ các loại giun sán như giun đũa, sán dây…

2. Cải thiện hệ thống tiêu hóa

Quả cau tươi, ngoài tác dụng chữa bệnh giun đường ruột như trên, hạt cau còn có khả năng chữa các bệnh về rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, tiêu chảy, kiết lỵ và đau dạ dày...

3. Ngăn ngừa cảm giác buồn nôn, nôn, say tàu xe

Quả cau tươi có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa cảm giác buồn nôn. Theo kinh nghiệm của nhân dân, nhai hạt cau ngay trước những chuyến đi để tránh cảm giác, buồn nôn, nôn mửa, say tàu xe, khi phải sử dụng các phương tiện này.

4. Ngăn ngừa thiếu máu, chữa thiếu máu ở phụ nữ có thai

Một tác dụng quý của quả cau là ngăn ngừa thiếu máu, chữa chứng thiếu máu. Thời gian gần đây, loại quả này được sử dụng như một loại thuốc giúp hỗ trợ tăng cường lưu thông máu huyết và chữa thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ mang thai.

5. Chữa đau răng, hôi miệng

Nước chiết xuất trong hạt cau có tác dụng gây ức chế các vi khuẩn có hại ở khoang miệng, giúp làm sạch các mảng bám trên răng. Từ đó, hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị các bệnh như đau răng, hôi miệng, viêm lợi… một cách hiệu quả, duy trì một hàm răng đẹp, chắc khỏe.

6. Chữa dị ứng ngoài da

Nước sắc quả cau tươi có tác dụng rất tốt với một số bệnh như dị ứng da, mẫn ngứa,, mề đay da, viêm da cơ địa... Cách làm đơn giản, sắc nước quả cau bôi lên vùng tổn thương.

7. Quả cau tươi hỗ trợ kiểm soát bệnh đái tháo đường

Theo HealthBenefitsTimes, arecoline là một trong những hoạt chất có trong hạt cau, có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, hạt cau còn có khả năng làm tăng tiết nước bọt, giúp khắc phục chứng khô miệng ở những người bị bệnh tiểu đường. Mặc dù vậy đây vẫn chỉ là các nghiên cứu chưa có thực chứng khoa học nên người dân không tùy tiện áp dụng để điều trị bệnh đái tháo đường.

8. Chữa bệnh chàm

Dùng quả cau tươi sắc đặc bôi lên các tổn thương của bệnh chàm, tổ đĩa… sẽ giúp cải thiện rất tốt về các loại bệnh lý này.

9. Chữa bệnh trĩ

Nước sắc tương đối đậm đặc của quả cau tươi, bôi lên búi trĩ ở hậu môn, có tác dụng làm săn se niêm mạc, giảm đau, chống phù nề, chống co thắt búi trĩ, chống kích thích hậu môn, góp phần làm teo nhỏ búi trĩ.

BSCK2. Trần Ngọc Quế lưu ý, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Đông y để dùng cho đúng liều lượng, đúng cách để tránh gây hại do dùng không đúng cách quả cau tươi.

Hải Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/9-tac-dung-cua-qua-cau-tuoi-169241014161500772.htm
Zalo