Cầu truyền hình 'Vang mãi khúc khải hoàn': Sống mãi bản hùng ca bất khuất của dân tộc

Tối 27-4, chương trình 'Vang mãi khúc khải hoàn' đã diễn ra hoành tráng và đầy xúc cảm tại 3 điểm cầu thiêng liêng: Công viên Thống Nhất (Hà Nội), Di tích Quốc gia đặc biệt khu vực Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị) và Công viên Bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức (TPHCM).

Tới dự tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM...

 Chủ tịch nước Lương Cường dự cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn", điểm cầu TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chủ tịch nước Lương Cường dự cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn", điểm cầu TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tại đầu cầu Hà Nội, tới dự có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội...

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn", điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn", điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại đầu cầu Quảng Trị, tới dự có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...

Tham dự 3 điểm cầu có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, nhân chứng lịch sử...

 Cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Âm vang khúc hát lịch sử

Chương trình gồm 3 chương: “Khát vọng hòa bình”, “Ý chí độc lập thống nhất” và “Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam”. Các tiết mục nghệ thuật trình diễn được dàn dựng đan xen giữa quá khứ và hiện tại, tái hiện trang sử hào hùng của dân tộc, thể hiện những bài học lịch sử, tinh thần đoàn kết, đồng thời nêu bật được thành tựu của đất nước trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.

 Không khí tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Không khí tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Được đầu tư công phu, chương trình không chỉ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn tái hiện lại những khúc ca vĩ đại của lịch sử, nơi quá khứ hào hùng và hiện tại hòa quyện. Chùm ca khúc được lựa chọn trong chương trình đưa khán giả trở lại những dấu mốc lịch sử đầy tự hào như: Câu hò bên bờ Hiền Lương; Giải phóng miền Nam; Trên công trường rộn tiếng ca; Hà Nội niềm tin hy vọng; Tiến về Sài Gòn; Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam; Quê hương Việt Nam… Với sự tham gia của các nghệ sĩ như: NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Hồng Liên, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Hoàng Tùng, NSƯT Phạm Thế Vĩ, Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Khánh Linh, Anh Bằng,…

 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tham dự chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tham dự chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đặc biệt, chương trình có các tiết mục nghệ thuật với sự tham gia của Bộ Ngoại giao Việt Nam và nhiều đại sứ và phu quân, phu nhân các nước. Ông Marcos A.Bednarski, Đại sứ Argentina tại Việt Nam chia sẻ về tiết mục đặc biệt trong chương trình: “Tôi mới học tiếng Việt vài tuần trước. Xuất hiện trong tiết mục Quê hương Việt Nam, Argentina muốn cùng Việt Nam tham gia vào lễ kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng, chúng tôi muốn cùng chung vui với các bạn trong dịp kỷ niệm này. Đó là tấm lòng của chúng tôi. Tôi yêu Việt Nam”.

Trước khi chương trình Vang mãi khúc khải hoàn bắt đầu, không khí tại 3 điểm cầu đã tràn ngập sự háo hức. Tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), hàng ngàn người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đã tề tựu ở nơi này từ rất sớm, thể hiện niềm tin vào sức mạnh đoàn kết Bắc - Nam, như một lời nhắc nhở về hòa bình và sự sum họp. Tại khu vực Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị), đây là nơi hội tụ những trái tim yêu hòa bình, khơi dậy khát vọng độc lập và tự do. Còn tại Công viên Bờ sông Sài Gòn (TPHCM), không khí trẻ trung và sôi động phản ánh sức sống mạnh mẽ của thành phố anh hùng, là biểu tượng của một Việt Nam đang vươn lên phát triển.

 Cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn", điểm cầu tại TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn", điểm cầu tại TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trần Hữu Hào (25 tuổi, nhân viên thiết kế cảnh quan, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Trước đây, tôi và nhóm bạn ít khi nghe nhạc cách mạng vì tuổi trẻ thì thích nhạc thị trường. Nhưng những ngày này, bất kể ca khúc nào về đất nước, quê hương mình vang lên đều thấy rất cảm xúc và tự hào. Nghe và tìm hiểu mới thấy, âm nhạc cách mạng hào hùng cũng là một nguồn lực tinh thần để khơi dậy tinh thần dân tộc, đoàn kết trong mỗi người”.

Từ hàng ghế khán giả tại điểm cầu TPHCM, bạn trẻ Phan Thị Thu Hương (22 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ: “Được ngồi dự chương trình, nghe những bài hát hào hùng và nhất là các đoạn video phỏng vấn nhân chứng lịch sử, tôi càng cảm thấy tự hào mình là người Việt Nam, thế hệ cha ông mình trong kháng chiến thật anh hùng và tài tình để làm nên hòa bình, độc lập hôm nay”.

Hòa bình nối những niềm vui

Góp phần tái hiện những năm tháng lịch sử của đất nước là những phóng sự cùng sự xuất hiện của nhiều nhân chứng lịch sử, giúp khán giả, đặc biệt là những người trẻ hiểu rõ bối cảnh lịch sử buộc nhân dân ta phải cầm súng để bảo vệ độc lập, thể hiện ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. Đó là những phóng sự về sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, triệu trái tim chung nhịp đập bền bỉ, Lễ xuất quân thanh niên xung phong tại Nhà hát Lớn, Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, trận chiến ở Quảng Trị năm 1972, Hà Nội Điện Biên Phủ trên không 1972, Hiệp định Paris 1973, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

 Tiết mục tại chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tiết mục tại chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

 Tiết mục tại chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tiết mục tại chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tại điểm cầu TPHCM, sự có mặt đặc biệt của cựu chiến binh Trần Văn Thanh (76 tuổi, ngụ phường Quang Trung, thành phố Vinh), khiến khán giả xúc động. Ông Thanh đã chạy xe máy từ Nghệ An vào TPHCM để dự đại lễ, “Tôi chọn tự đi xe máy thay vì đi tàu hay máy bay bởi tôi muốn nhìn non sông, đất nước mình bình yên, tươi đẹp, hòa bình trên khắp mọi nẻo đường Tổ quốc thật đẹp”, ông Thanh chia sẻ.

 Tiết mục giao lưu tại chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tiết mục giao lưu tại chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trong niềm xúc động khi muôn triệu trái tim người Việt Nam cùng hướng về ngày đại lễ, điểm cầu TPHCM có những giọt nước mắt hạnh phúc, xóa nhòa những ký ức đau lòng, để quá khứ khép lại. Ông Adolph Novello (một cựu binh người Mỹ) khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam đã thu giữ lại được nhiều giấy tờ. Ông đã mang những kỷ vật và giấy tờ đó về Mỹ, cất giữ trong một chiếc hộp suốt 50 năm.

Tại điểm cầu TPHCM, ông Adolph Novello đã gửi chiếc hộp kỷ vật của liệt sĩ Kha Văn Việt cho gia đình. Đại diện gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt, ông Kha Dương Tiến (anh trai liệt sĩ) đón nhận, “Đây đúng là hình ảnh và giấy tờ tùy thân của em trai tôi. Hôm nay, tôi đến đây để đưa em tôi về nhà, em tôi đã thật sự về với gia đình rồi. Xin cảm ơn tất cả!”.

 Một tiết mục tại chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Một tiết mục tại chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chương trình được tổ chức tại 3 địa điểm thiêng liêng: Hà Nội, Quảng Trị và TPHCM, như một bản giao hưởng đầy cảm xúc, nơi mỗi chiến thắng, mỗi hy sinh đều là những thanh âm riêng biệt, hòa quyện trong khúc ca vĩ đại của dân tộc về độc lập, tự do và thống nhất. Khúc ca ấy không chỉ thuộc về quá khứ mà vẫn tiếp tục ngân vang, truyền cảm hứng cho hiện tại và tương lai.

HỒNG DƯƠNG- VIẾT THẮNG- MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cau-truyen-hinh-vang-mai-khuc-khai-hoan-song-mai-ban-hung-ca-bat-khuat-cua-dan-toc-post792853.html
Zalo