Cầu phòng cháy
Sau các vụ cháy ở Hà Nội. Công tác PCCC được chính quyền kiểm tra, củng cố nghiêm ngặt, nghiêm túc. Nào là phương án, bình cứu hỏa, chuông báo cháy, xà beng, búa tạ phá cửa, kìm cộng lực cắt khóa, Mặt nạ chống khói, thang dây vv.

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.
Khu nhà lão toàn nhà ống, nhà nọ sát tường nhà kia. Phía sau hai dãy đấu lưng vào nhau không có khe hở. Chỉ có 1 lối thoát duy nhất ra phía cửa trước.
Khi xây dựng, đề phòng kẻ gian, nhà nào cũng làm lồng bằng sắt vuông 8 vuông 10, trông như chuồng cọp. Cửa thì hai lớp, cửa kéo rồi cửa gỗ lim, sến, sôìkín mít, khóa hai, ba chỗ. Văn hóa dân phố là " Yêu nhau rào dậu cho kín " nên đã nhiều trường hợp người già cô đơn đột quỵ, chết thối bốc mùi. Cơ quan chức năng phải phá cửa mới vào được. Khi xảy ra cháy không thoát ra được, người ngoài không vào cứu được, phải chờ lực lượng cứu hỏa đến thì đã muộn.
Do lấn không gian, mở thêm diện tích nên ban công các dãy nhà sát sạt nhau. Có chỗ chỉ hơn một mét, thậm chí có dãy gần sát nhau. Thò tay qua lồng sắt bắt tay nhau được. Đường trong ngõ tối om. Tầng 1 các nhà để xe máy, xe đạp điện nên các đám cháy thường bắt nguồn từ đây.
Nhà lão Thiện đối diện với nhà bà Bình, một mụ góa khó tính lắm điều, cả dãy đều không muốn dây. Bà mới về hưu, chồng mất được vài năm. Bà vẫn còn phốp pháp đằm thắm lắm, ngay cả khi cãi cọ, tranh luận với cán bộ tổ dân phố, với hàng xóm cái miệng của bà nhìn vẫn đáng yêu. Được cái bà tốt bụng. Nhà nào trong xóm có việc hiếu, việc hỷ bà đều đến thăm hỏi, thậm chí còn xắn tay giúp đỡ. Mấy cụ ông cao tuổi đi họp hay liếc nhìn trộm bà.
Lão Thiện tìm lối thoát hiểm cho nhà mình vì nhà lão có cho thuê trọ. Lão gọi bà Bình ra cửa thẽ thọt trình bày:
- Bà Bình ơi! Dãy nhà ta chỉ có một lối thoát hiểm phía trước. Tôi với bà cắt lồng sắt, mở lối thoát hiểm để có xảy ra hỏa hoạn còn chui qua mặt trước tụt xuống đường bà ạ! Bà Bình cong cái môi xăm lúc nào cũng đỏ lên:
- Mở lồng ra để mời kẻ gian chui vào nhà à?
Ông Thiện thuyết phục:
- Bà thử nghĩ xem nếu nhà tôi hay nhà bà gặp hỏa hoạn thì ta thoát đi đâu? Ít nhất còn chạy sang nhà nhau chờ lực lượng cứu hỏa tới giải thoát chứ?
Bà Bình chống nạnh dò xét hồi lâu rồi phản biện:
- Bể nước nhà tôi to, rộng, sâu 1,5 m nhưng lắp phao tự động nên nước đầy nhất cũng chỉ đến 1,3m, đứng ngang ngực. Lối xuống bể dưới gầm cầu thang. Nếu xảy ra hỏa hoạn không thoát được, người nhà tôi chui xuống bể. Dẫu có cháy hết vẫn an toàn. Chí ít cháy xong lực lượng cứu hộ đến kéo lên vẫn Ô kê. Còn cắt lồng thì tôi đồng ý. Nhờ ông gọi thợ giúp nhé.
Hôm sau thợ sắt đến cắt lồng sắt, mở cửa thoát hiểm.
Lão Thiện mua thêm hơn chục cuộn giây về trang bị cho từng tầng, từng phòng ngoài các dụng cụ PCCC khác đã có và được công an kiểm tra. Lão biếu bà mấy cuộn. Bà làm cao:
- Tôi có thiếu tiền đâu mà ông phải biếu. Hết bao nhiêu để tôi thanh toán?
Lão bảo:
- Tôi vẫn biết bà nhiều tiền, đây là tấm lòng, là tình cảm, là sự quan tâm đến nhau của người thiếu một nửa kia!
Bà nhìn lão, mặt trùng xuống, lý nhí:
- Tôi xin ông!
Chưa ổn! Lão nhận xét khi ngắm công trình cắt lồng mở cửa thoát hiểm.
Nếu xảy ra cháy, phải chạy sang nhà đối diện mới ổn vì cháy ở tầng 1 thì tụt xuống cũng chết. Bây giờ phải làm cây cầu sang nhà đối diện. Ít nhất cũng xa nguồn lửa rồi từ đó thoát ra hoặc đợi lực lượng PCCC đến giải thoát. Không hiểu bà Bình có đồng ý không?
Lão đem ý nghĩ đó trao đổi với bà. Bà kêu ầm lên:
- Không được!
Để người thuê trọ nhà ông mò sang nhà tôi làm bậy à? Ông nóng mặt bật lại:
- Thế nhà bà cháy, bà có bắc cầu chạy sang nhà tôi thoát không?
Bà điên tiết chửi đổng
- Ông nói gở thế? Sao không nói nhà ông cháy đi?
Lãi ôn tồn:
- Tôi đã giả sử nhà tôi cháy thì lối thoát tốt nhất là chạy sang nhà bà và ngược lại. Bà coi trọng của cái hơn sinh mệnh con người à?
Bà im không nói gì, chạy vào nhà. Hôm sau bà gọi ông sang uống nước, bà ôn tồn:
- Tôi nghĩ kỹ rồi! Ông nói phải lắm. Ta làm hai cầu. Tầng hai cầu bắc từ nhà ông sang nhà tôi. Tầng 3 thì cầu bắc từ nhà tôi sang nhà ông. Tầng 4 thì tùy từ nhà ông sang hay từ nhà tôi sang cũng được. À mà phòng tôi ở tầng 2 nhé! Tôi hay lên sân thượng tưới cây ông ạ! Bà vô tình cho ông biết sinh hoạt hàng ngày của mình.
Bây giờ dãy nhà Lão cứ từng đôi nhà đối diện, có cầu dự phòng. Cầu dựng theo chiều cao tầng. Đầu dưới cầu có bản lề, đầu kia có dây thòng qua 1 dòng dọc. khi thoát hiểm chỉ nới dây, hạ cầu xuống là đầu cầu đã gối lên hành lang nhà đối diện. Để an toàn, cầu làm bằng sắt, rộng 60 cm, có tay vịn. Kế này Công an PCCC chắc chẳng nghĩ ra.
Mấy ngày hôm nay lão Thiện và bà Bình thực tập phương án bắc cầu chống cháy sang nhà nhau...
Chẳng biết lúc nào gặp cháy. Chỉ biết bà Bình trở nên nền nã dịu dàng với hàng xóm hơn trước nhiều.
Mặt trái của công tác PCCC cũng hay mọi người nhỉ?
Hà Nội tháng 6 năm 2024
T.H.Q