Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030

Sáng 7.1, Câu lạc bộ (CLB) Pháp chế doanh nghiệp tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030. Nội dung đáng chú ý là việc nhất trí đổi tên CLB Pháp chế Doanh nghiệp thành Hiệp hội Pháp chế Doanh nghiệp Việt Nam.

Cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước

Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 4 (2019 - 2024), CLB pháp chế doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động với nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào thành tựu chung của nền kinh tế đất nước. Công tác chăm sóc, phát triển hội viên được chú trọng, tạo sự gắn bó chặt chẽ, thường xuyên giữa hội viên và CLB.

Với đội ngũ chuyên gia uy tín, giàu kinh nghiệm đang công tác tại các bộ, ngành trung ương, địa phương cũng như các công ty luật, CLB tiếp tục phát huy được thế mạnh trong lĩnh vực cung cấp ý kiến pháp lý cho hội viên.

Ngoài ra, CLB cũng thu thập và tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về việc ban hành và thi hành chính sách, pháp luật về kinh tế đề trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổ chức hợp tác tư vấn pháp luật giữa các doanh nghiệp và các tổ chức pháp chế...

Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030

Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030

CLB đã phối hợp với các doanh nghiệp hội viên tổ chức nhiều chương trình bồi dưỡng kiến thực pháp luật kinh doanh, kỹ năng nghiệp vụ theo chuyên đề cho từng đối tượng cụ thể, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, với vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong ứng dụng và thực thi pháp luật, CLB đã tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành soạn thảo như: Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Luật Đầu tư, Luật Đất đai... Qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Trong nhiệm kỳ qua, CLB đã tổ chức hơn 80 chương trình bồi dưỡng, tập huấn, tọa đàm về những vấn đề pháp lý, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế, người quản lý doanh nghiệp.

Nội dung chuyên đề bồi dưỡng của CLB được các doanh nghiệp đánh giá là cần thiết, mang tính thời sự, đáo ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật để áp dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhất trí đổi tên thành Hiệp hội Pháp chế doanh nghiệp Việt Nam

Trong nhiệm kỳ 2025 – 2030, CLB đặt mục tiêu xây dựng CLB vững mạnh về tổ chức và hoạt động; phát huy vai trò là chỗ dựa tin cậy về pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp và là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh tế.

Để đạt được mục tiêu này, CLB sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: củng cố, kiện toàn Ban Chủ nhiệm và bộ máy hoạt động của CLB; tăng cường tính tự chủ, tính chuyên nghiệp trong hoạt động CLB; tiếp tục triển khai đồng đều các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và là “cầu nối” giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp…

Một trong những phương hướng được chú trọng trong giai đoạn tới của CLB là phát triển hội viên, tạo điều kiện để hội viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật, phòng tránh rủi ro pháp lý trong kinh doanh…

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 27 thành viên

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 27 thành viên

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 27 thành viên; Ban thường vụ gồm 9 người, trong đó Chủ tịch là ông Nguyễn Duy Lãm, các Phó chủ tịch là bà Ngô Quỳnh Hoa, ông Dương Đăng Huệ, ông Tô Hoài Nam, ông Thân Đức Việt, ông Nguyễn Hữu Thập, ông Lê Đình Vinh.

Đại hội cũng báo cáo và xin ý kiến về việc đổi tên CLB Pháp chế Doanh nghiệp thành Hiệp hội Pháp chế Doanh nghiệp Việt Nam.

Chỗ dựa pháp lý tin cậy cho doanh nghiệp

Tại đại hội, các đại biểu cũng đánh giá cao những đóng góp của CLB trong giai đoạn vừa qua, đồng thời tán thành việc đổi tên CLB Pháp chế Doanh nghiệp thành Hiệp hội Pháp chế Doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Lãm cho rằng CLB đã thực sự là một địa chỉ đáng tin cậy cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tìm đến để được giới thiệu kịp thời, thường xuyên, có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế, xã hội; đưa ra khuyến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như giúp doanh nghiệp phòng chống rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ tịch CLB pháp chế doanh nghiệp phát biểu

Ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ tịch CLB pháp chế doanh nghiệp phát biểu

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cũng đánh giá cao vai trò của CLB, đồng thời cho rằng hiện nay các doanh nghiệp gặp rất nhiều vướng mắc trong các quy định pháp luật. Do đó, CLB cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ bớt rào cản đối với doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng đồng thời với việc tinh gọn bộ máy thì cần tinh gọn về thủ tục hành chính. Nếu chỉ tinh gọn về con người mà không tinh gọn về thủ tục thì người giảm nhưng thủ tục không giảm”, ông Thập nói.

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng các DNNVV đã góp phần vào tăng trưởng cao của đất nước. Tuy nhiên, năng lực quản lý, trong đó có khâu nhận thức về pháp luật nói chung và công tác pháp chế nói riêng của các doanh nghiệp còn hạn chế.

Theo ông Nam, các DNNVV không biết rủi ro pháp lý mà họ cần quản lý là gì, các rủi ro này được xác định như thế nào và các tiêu chí nào để đánh giá phòng ngừa rủi ro? Do đó, CLB và Hiệp hội DNNVV cần phối hợp sâu hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong vấn đề này.

“Việc giải quyết những khó khăn này không chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển một cách bền vững, bài bản và lớn mạnh, vươn tầm quốc gia, khu vực, mà còn giúp cho mái nhà CLB pháp chế phát triển cùng với doanh nghiệp”, ông Nam nói.

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam

Ngoài ra, ông Nam cũng nhìn nhận rằng việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia góp ý, phản biện, kiến nghị cơ quan Nhà nước hoàn thiện chính sách pháp luật, kinh doanh thông qua việc tham gia CLB là điều rất hữu ích để pháp luật gần với “cuộc sống và hơi thở” của doanh nghiệp.

Là người gắn bó từ rất sớm với CLB Pháp chế doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định sự ra đời của CLB gắn liền với sứ mệnh và trọng trách của Bộ Tư pháp.

Sau 25 năm thành lập và hoạt động, CLB đã có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, đón nhận những “hơi thở” và kịp thời tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với thể chế kinh tế ở những giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới.

Ngoài ra, CLB còn là diễn đàn của các cán bộ làm công tác pháp chế doanh nghiệp, là chỗ dựa pháp lý tin cậy cho doanh nghiệp thành viên khi gặp phải vướng mắc, rủi ro, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển.

“Trong kinh doanh, rủi ro khó có thể tránh khỏi, thậm chí dẫn đến hậu quả đáng tiếc nếu doanh nghiệp không nắm vững pháp lý. CLB đã thực sự trở thành chỗ dựa cho các doanh nghiệp về pháp lý, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển; nhiều cán bộ của CLB tâm huyết, đau đáu với các vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp”, ông Tịnh nói.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu

Cũng theo ông Tịnh, theo định hướng của Đảng, Nhà nước, cần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Việc xây dựng pháp luật không chỉ thông thoáng, khả thi mà còn phải khuyến khích sáng tạo, khơi sâu nguồn lực. Luật pháp phải rõ ràng, kịp thời, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh…

Do đó, bước sang giai đoạn mới, nhiệm kỳ mới, mô hình mới, CLB cần có những đổi mới trong hoạt động; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, phát huy vai trò tiếp nhận hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cau-lac-bo-phap-che-doanh-nghiep-to-chuc-dai-hoi-nhiem-ky-2025-2030-228000.html
Zalo