Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau: Điểm tựa của người cao tuổi
Hơn 2 năm qua, các cấp Hội Người cao tuổi (NCT) trong tỉnh Gia Lai thành lập được 30 câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ tự giúp nhau. Mô hình này nhằm tạo cầu nối giữa người già và thế hệ trẻ, qua đó giúp nhau sống vui, khỏe và có ích.
Bà Lê Thị Mão là thành viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tổ dân phố 1 (phường Yên Thế, TP. Pleiku). Chồng bà Mão mất đã lâu, người con trai duy nhất thì đi làm ăn xa. Ở tuổi 75, bà Mão phải sống một mình trong ngôi nhà nhỏ. Nhờ tham gia CLB, bà thường xuyên được các thành viên thăm hỏi, động viên.
Bà cho hay: “Thời gian qua, tôi nhận được sự quan tâm của CLB. Trong đó, bà Trần Thị Ánh-Chủ nhiệm CLB cùng các thành viên thường xuyên đến thăm hỏi, động viên giúp tôi vui và ấm áp hơn”.
Bà Trần Thị Ánh được các thành viên CLB bầu làm Chủ nhiệm vào tháng 12-2023. Câu lạc bộ hiện có 40 thành viên tham gia với nhiều thành phần, lứa tuổi. Qua gần 2 năm hoạt động, CLB chú trọng tổ chức các mảng hoạt động cơ bản theo Điều lệ CLB như: hỗ trợ NCT tăng thu nhập; chăm sóc sức khỏe; chăm sóc tại nhà dựa vào tình nguyện viên; tự giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng; bảo vệ quyền và lợi ích; truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức; chăm sóc đời sống tinh thần, văn hóa-văn nghệ, thăm hỏi giao lưu; vận động nguồn lực để hoạt động…
Theo bà Ánh, để giúp các thành viên tăng thu nhập, CLB đã tích cực vận động gây quỹ được 60 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, CLB đã cho 3 thành viên vay (10 triệu đồng/thành viên) với lãi suất thấp để đầu tư trồng cà phê, buôn bán nhỏ... Các thành viên được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, bước đầu phát huy hiệu quả, giúp cải thiện đời sống gia đình.
Gia đình ông Phan Thành Long được CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tổ dân phố 1 cho vay 10 triệu đồng để đầu tư làm dịch vụ sửa chữa nhà ở. Ông cho biết: “Cuối năm 2022, khi được vận động vào CLB, tôi tham gia ngay. Tôi thấy CLB mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên như NCT thì được tạo điều kiện chia sẻ kiến thức, phương pháp tự chăm sóc sức khỏe, còn người trẻ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, giúp họ phát triển kỹ năng và tư duy sáng tạo. Gia đình tôi được CLB cho vay vốn với lãi suất thấp để mua thêm máy móc làm dịch vụ sửa chữa nhà. Nhờ vậy, gia đình có thêm thu nhập”.
Tương tự, thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai) cũng thành lập được 3 CLB liên thế hệ tự giúp nhau ở thôn Thắng Trạch 1, Thắng Trạch 2 và tổ dân phố 7. Đến nay, 12 thành viên đã được vay vốn ưu đãi từ quỹ do các thành viên tự nguyện đóng góp để phát triển sản xuất kinh doanh. Các thành viên CLB còn tình nguyện chăm sóc sức khỏe cho NCT tại nhà, chăm lo, động viên tinh thần cho NCT gặp khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Lan-Chủ tịch Hội NCT thị trấn Ia Kha-cho biết: Thị trấn Ia Kha thành lập được 3 CLB liên thế hệ tự giúp nhau và đang hoạt động có hiệu quả. Không chỉ tạo điều kiện cho vay vốn, CLB còn tập hợp thành viên ở nhiều lứa tuổi trong cộng đồng tham gia để giúp đỡ NCT cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trao đổi với P.V, bà Rơ Chăm H’Yéo-Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh-cho biết: Đến tháng 7-2024, toàn tỉnh đã thành lập được 30 CLB liên thế hệ tự giúp nhau. Đây là mô hình nhân văn, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho NCT. Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã trở thành điểm tựa, địa chỉ gắn kết các thế hệ cùng giúp nhau sống vui, sống khỏe, sống có ích.
“Từ nay đến cuối năm 2025, toàn tỉnh sẽ thành lập thêm 70 CLB với trên 3.500 thành viên. Các CLB bảo đảm chất lượng, cơ cấu, thành phần. Phấn đấu 100% NCT khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý, hỗ trợ về vật chất, tinh thần (khi có yêu cầu).
Bên cạnh đó, chú trọng thành lập và nhân rộng mô hình CLB ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh phí hoạt động của CLB là tự nguyện, trong đó một phần huy động từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, các nguồn quỹ tại địa phương và thành viên CLB”-bà Rơ Chăm H’Yéo thông tin.