Cầu Kè: Chủ động ứng phó với triều cường, hạn, mặn xâm nhập bảo vệ sản xuất nông nghiệp

Trong những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với cơn mưa đầu mùa đã làm cho một số đoạn đê bao ven Sông Hậu trên địa bàn các xã: Ninh Thới, Hòa Tân và An Phú Tân. Một số tuyến đê bao bị sạt lở, nước tràn ngập cục bộ, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng giao thông, công trình đê điều trên địa bàn.

Nạo vét kênh thủy lợi nội đồng trữ ngọt.

Nạo vét kênh thủy lợi nội đồng trữ ngọt.

Đặc biệt là vào khoảng 18 giờ tối ngày 01/4, do ảnh hưởng của đợt triều cường đầu tháng 3 âm lịch dâng cao đã làm sạt lở cụt bộ và vỡ 10 đoạn, với chiều dài 130m trên tuyến đê bao Thâm Đưng đoạn đi qua địa bàn ấp Hội An và An Bình, xã Hòa Tân đã gây ngập úng cục bộ hơn 10ha diện tích vườn cây ăn trái, hoa màu, chuồng trại chăn nuôi nhà ở và khoảng 2.120 con cá các loại của 20 hộ dân trên địa bàn xung quanh.

Được biết tuyến đê bao Thâm Đưng có chiều dài trên 4.100m, bảo vệ hơn 100ha diện tích vườn cây ăn trái của 300 hộ dân trên địa bàn 02 ấp Hội An và An Bình, xã Hòa Tân. Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Cầu Kè cùng với lãnh đạo các ngành có liên quan và lãnh đạo chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo huy động lực lượng khắc phục kịp thời các đoạn đê bao bị vỡ ngay trong đêm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, bảo vệ tài sản của nhân dân trong khu vực

Qua kiểm tra, khảo sát của các ngành chuyên môn, hiện nay trên tuyến đê bao ven Sông Hậu qua địa bàn 03 xã Ninh Thới, Hòa Tân và An Phú Tân, có 04 đoạn có nguy cơ sạt lở rất nguy hiểm, với chiều dài 185m, có khả năng đe dọa đến toàn hệ thống đê bao trên tuyến đê bao ven Sông Hậu cần được nhanh chống khắc phục gia cố.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong khoảng từ tháng 02 đến cuối tháng 4/2025. Thời kỳ cao điểm xâm nhập mặn, có khả năng xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, nhất là tại khu vực ven biển, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông có thể ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Trước tình hình trên và để chủ động ứng phó với tình hình triều cường, mưa lũ dâng cao, hạn, mặn xâm nhập thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, huyện Cầu Kè đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong như: tập trung triển khai Quyết định số 3054/QĐ-UBND, ngày 30/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021- 2025; Quyết định số 1259/QĐ-UBND, ngày 01/6/2021 của Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Cầu Kè (giai đoạn 2021 - 2025).

Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn lập danh mục công trình trọng tâm, trọng điểm đưa vào kế hoạch nạo vét để đáp ứng yêu cầu sản xuất: tập trung nạo vét 43 kênh thủy lợi nội đồng trên địa bàn 09 xã (Hòa Tân, Ninh Thới, An Phú Tân, Tam Ngãi, Phong Phú, Thông Hòa, Châu Điền, Hòa Ân, Phong Thạnh), có tổng chiều dài 31.127m, ước khối lượng đào đắp 87.873m3; gia cố, khắc phục các đoạn sạt lở trên tuyến ven Sông Hậu thuộc địa bàn xã Ninh Thới, An Phú Tân, Hòa Tân, với chiều dài 150m; hỗ trợ thay mới 70 nắp cống, bọng; sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn các xã Châu Điền, Phong Thạnh, uớc tổng mức đầu tư trên 8,5 tỷ đồng, qua đó sẽ góp phần đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, ngăn mặn, trữ ngọt và ứng phó triều cường phục vụ cho 4.450ha diện tích sản xuất nông nghiệp, trong đó có 3.100 ha đất trồng lúa và 1.450ha vườn cây ăn trái của 4.686 hộ dân trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, huyện Cầu Kè đã đề xuất Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh triển khai thi công 05 công trình cống ngăn mặn ở cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 53 tỷ đồng. Các công trình trên đang triển khai thực hiện sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý II/2025 sẽ góp phần ngăn mặn, triều cường bảo vệ gần 700ha vườn cây ăn trái của nông dân ở địa phương.

Chỉ đạo Xí nghiệp Thủy nông huyện thực hiện quy trình, lịch trình vận hành đóng mở các cống đầu mối theo tình hình diễn biến thực tế của triều cường và độ mặn phục vụ tốt công tác ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện; xây dựng lịch xuống giống đồng loạt hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, khô hạn và đảm bảo nước sản xuất; thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn, kiểm tra hệ thống thủy lợi, củng cố, nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng, đê bao, bờ bao, công tác chuẩn bị ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất; xây dựng kế hoạch và thông báo rộng rãi cho người dân lịch vận hành các cống đầu mối, các trạm bơm trên địa bàn phục vụ sản xuất.

Bài, ảnh: NGUYỄN HỪNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/nong-nghiep/cau-ke-chu-dong-ung-pho-voi-trieu-cuong-han-man-xam-nhap-bao-ve-san-xuat-nong-nghiep-45226.html
Zalo