Câu hỏi về an toàn hàng không bị bỏ ngỏ
Vụ tai nạn của Hãng hàng không Jeju Air sáng 29-12 tại sân bay quốc tế Muan của Hàn Quốc khiến 179 người thiệt mạng, 2 người sống sót trong tình trạng nguy kịch, trở thành thảm kịch. Một ngày sau, một máy bay khác cùng loại Boeing B737-800 cũng của Jeju Air tiếp tục gặp sự cố càng đáp và phải quay lại hạ cánh khẩn cấp ở sân bay Gimpo, Seoul.
Giới chuyên gia, phân tích đã đưa ra đánh giá ban đầu về nguyên nhân thảm kịch. Giả thuyết chính là chim bị hút vào động cơ. Sự cố này có thể đã làm gián đoạn hệ thống thủy lực điều khiển thiết bị hạ cánh, khiến cả 3 càng đáp máy bay trục trặc. Phi công Jeju Air buộc phải hạ cánh khẩn cấp máy bay bằng bụng. Máy bay dường như tiếp đất ở giữa đường băng, thay vì đầu đường băng, điều này làm giảm khoảng cách phanh khả dụng và khiến nó lao vào hàng rào máy bay.
Cơ quan Điều tra tai nạn hàng không và đường sắt Hàn Quốc (ARAIB) đang khẩn trương làm rõ nguyên nhân tai nạn, với sự hỗ trợ từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) và Hãng Boeing. Hộp đen của máy bay đã được tìm thấy nhưng bị hư hỏng nghiêm trọng và có thể phải được gửi tới Mỹ để phân tích dữ liệu. Bộ Đất đai - Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc (MOLIT) cho biết, dự kiến mất từ 6 tháng đến 3 năm để biết nguyên nhân chính xác.
Theo Báo Straits Times, máy bay Boeing 737-800 dù được các chuyên gia hàng không đánh giá là mẫu phi cơ an toàn nhưng lại liên quan đến hàng loạt các vụ tai nạn trên đường băng. Tuy nhiên, lỗi con người cũng được cho là nguyên nhân gây ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến dòng Boeing 737-800. Năm 2022, một máy bay của Hãng China Eastern Airlines khi đi từ Côn Minh ở tỉnh Vân Nam đến Quảng Châu đã lao thẳng vào một ngọn núi, khiến toàn bộ 132 hành khách thiệt mạng. Lý do khiến máy bay đột ngột mất độ cao vẫn còn là một bí ẩn. Cũng trong năm 2022, một máy bay 737-800 của Sun Country Airlines khởi hành từ Las Vegas đã phải vòng lại ngay sau khi cất cánh, khi phi hành đoàn phát hiện có sự cố liên quan đến bánh đáp.
Trở lại thảm kịch hôm 29-12, Giáo sư Ko Seung-hee của Đại học Silla cho rằng: “Hạ cánh bằng bụng đòi hỏi khoảng cách phanh đủ lớn, nhưng trong trường hợp này, động lượng của máy bay đã đẩy nó vào tường”. Việc 2 máy bay của Jeju Air liên tiếp gặp sự cố về càng đáp trong 2 ngày cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về quá trình bảo dưỡng, kiểm tra trước khi bay của hãng hàng không này. Ngoài ra, việc lực lượng cứu hỏa, cứu nạn tại sân bay Muan không phun bọt chữa cháy lên đường băng trước khi máy bay hạ cánh bằng bụng khiến các chuyên gia không thể lý giải. Theo tiêu chuẩn an toàn hàng không thông thường, sau khi phi công thông báo tình huống khẩn cấp với càng đáp, lực lượng ứng phó thảm họa tại sân bay phải nhanh chóng phun bọt lên đường băng để giảm ma sát và hạn chế nguy cơ cháy nổ.
Trước thảm kịch máy bay ở Seoul, trong năm 2024 cũng đã có những vụ tai nạn máy bay khiến dư luận đặt câu hỏi về an toàn hàng không. Mới đây, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Nhật Bản (JTSB) đã công bố tiến độ điều tra vụ tai nạn giữa máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) và một máy bay của Hãng hàng không Japan Airlines xảy ra tại sân bay quốc tế Haneda, thủ đô Tokyo, làm 5 người thiệt mạng. Nguyên nhân chính là do Hãng Japan Airlines và nhân viên kiểm soát không lưu đều không nhận được thông tin gì về động thái di chuyển của máy bay JCG trước thời điểm hạ cánh.
Cho đến lúc này, ngành hàng không vẫn được coi là phương thức vận chuyển an toàn nhất. Tuy nhiên, những tai nạn liên tiếp xảy ra với mức độ thương vong cao cho thấy ngoài vấn đề kỹ thuật, việc tuân thủ an toàn hàng không cũng là vấn đề cần siết chặt nhằm tránh có thêm những thảm kịch trong tương lai.