Câu chuyện về những 'búp sen hồng' tận tâm
Ẩn sau vẻ ngoài dịu dàng, nữ tính, những nữ cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) lại vô cùng nghị lực và tài năng, ngày đêm âm thầm cống hiến, mang nguồn vốn ưu đãi, giúp người nghèo có thêm động lực để vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ được ví như những 'búp sen hồng' luôn tận tâm với công tác giảm nghèo, giỏi việc nước đảm việc nhà.

Chị Phạm Thị Phượng, cán bộ Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Yên Mô thăm mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của chị Mai Thị Dung, xóm 4, xã Khánh Thượng.
Cần cù, chịu thương, chịu khó, dù ở bất kỳ lĩnh vực và vị trí công tác nào, chị Phạm Thị Phượng, cán bộ Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Yên Mô cũng luôn khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, chị luôn hết lòng với người dân, tận tâm với công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Từng rơi vào hoàn cảnh nghèo khó, tưởng chừng không nuôi nổi các con ăn học nhưng nhờ được chị Phạm Thị Phượng hỗ trợ tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, giờ đây chị Ninh Thị Hạnh (xã Khánh Thượng) đã có nguồn thu nhập ổn định từ một cửa hàng bán đồ ăn, các con của chị cũng đã lần lượt vào đại học, ra trường có việc làm ổn định.
Chị Hạnh xúc động cho biết: Kinh tế gia đình tôi khó khăn tới nỗi chẳng ai dám cho vay vì sợ mình không trả được. Thế rồi nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH trở thành cứu cánh của mẹ con tôi. Lúc bấy giờ tôi chưa có nhiều hiểu biết về các nguồn vốn nhưng được tổ tiết kiệm và vay vốn của hội phụ nữ, cũng như chị Phượng tận tình hướng dẫn. Không chỉ giúp đỡ làm hồ sơ, thủ tục vay, chị Phượng còn hướng dẫn cách quản lý, sử dụng vốn sao cho hiệu quả nên tôi tự tin, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế và có được thành quả như ngày hôm nay.
17 năm trong nghề, trong đó có nhiều năm làm cán bộ tín dụng, chị Phượng đang được phân công phụ trách công tác tín dụng tại 3 xã Khánh Thượng, Yên Mỹ và Khánh Dương. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mất sớm, một mình nuôi 2 con nhỏ, nhà xa nhưng chị Phượng luôn cố gắng sắp xếp công việc gia đình chu toàn để yên tâm công tác, bám sát địa bàn, tham gia hoạt động giao dịch thường xuyên tại các điểm giao dịch xã kể cả ngày nghỉ cuối tuần. Nhờ vậy, các nguồn vốn tín dụng chính sách tại các địa phương mà chị phụ trách đều phát huy tốt hiệu quả, người dân được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, sử dụng đúng mục đích, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Tổng dư nợ tại 3 xã mà chị phụ trách hiện nay là trên 86 tỷ đồng với trên 1.800 hộ vay, đáng chú ý là 100% tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn đều xếp loại tốt.
Chị Phượng chia sẻ: Những đồng vốn đến tay bà con, nhất là những hộ gia đình khó khăn đều vô cùng quý giá và cần phải giải ngân nhanh chóng, hiệu quả, vì vậy tôi luôn bám sát địa bàn, thận trọng trong việc xác minh, hướng dẫn người vay sử dụng vốn đúng mục đích.
Cũng như chị Phượng, hơn 10 năm gắn bó với Ngân hàng CSXH, trải qua nhiều vị trí công tác, chị Nguyễn Thị Tố Yến, Trưởng kế toán Phòng giao dịch thành phố Tam Điệp luôn coi đây là mái nhà thứ hai của mình, cùng đồng nghiệp tận tâm cống hiến để đưa đồng vốn chính sách đến với người nghèo và các đối tương chính sách khác. Khi là cán bộ tín dụng, chị Yến luôn sát sao, trăn trở với địa bàn, thường xuyên trao đổi thông tin hai chiều với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Phối hợp với các tổ chức hội thực hiện kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay trước, trong và sau khi cho vay.
Từ năm 2023 đến nay, với nhiệm vụ là Trưởng kế toán Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thành phố Tam Điệp, chị Yến luôn bám sát định hướng, tham mưu cho Ban giám đốc các giải pháp để thực hiện và hoàn thành tốt kế hoạch tài chính. Đặc biệt, chị Yến còn cùng các đồng nghiệp xây dựng sáng kiến nâng cao hiệu quả chương trình cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn.
Chị Yến chia sẻ, công việc hầu như lúc nào cũng nhiều, rất ít khi được nghỉ cuối tuần. Với những khó khăn như thế, nhưng chị và cán bộ Phòng giao dịch vẫn bám sát công việc và đều cảm thấy vui khi mang được nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách, giúp cho họ có cuộc sống khấm khá hơn. “Khi xuống cơ sở, đến các hộ nghèo, tôi luôn xác định mình là những người con, người cháu gần gũi với người dân, hướng dẫn giúp đỡ để nhân dân được vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích”- chị Yến nói.
Bên cạnh điểm chung của phụ nữ là phải đảm bảo cân bằng giữa gia đình và công việc, phụ nữ ngành ngân hàng nói chung, Ngân hàng CSXH nói riêng có những vất vả do đặc thù nghề nghiệp. Điều đó đặt ra áp lực không nhỏ đối với nhiều chị em, đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực không ngừng để vượt qua. Giờ đây, hình ảnh những nữ cán bộ Ngân hàng CSXH đã trở nên thân thuộc, gần gũi với người dân, họ được ví như những “búp sen hồng” âm thầm tỏa hương, mang nguồn vốn ưu đãi, những lời động viên ấm áp, giúp người nghèo có thêm động lực để vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.