Câu chuyện quốc tế: Ngành thép Hàn Quốc gặp khó
Là nước sản xuất thép lớn thứ sáu thế giới, tuy nhiên ngành thép Hàn Quốc hiện đang rơi vào tình trạng suy thoái và buộc phải tái cơ cấu mạnh mẽ cũng như thu hẹp sản xuất.
Theo tờ Chosun Ilbo, các nhà sản xuất thép lớn của nước này đã phải đóng cửa nhà máy trong bối cảnh ngành công nghiệp thép suy thoái. Ngày 19-11 vừa qua, POSCO-tập đoàn thép hàng đầu Hàn Quốc-tuyên bố đóng cửa nhà máy thép sợi ở thành phố Pohang sau hơn 45 năm hoạt động. Đại diện tập đoàn cho biết, quyết định đóng cửa những nhà máy này là do tác động trực tiếp của tình trạng dư thừa nguồn cung thép toàn cầu, sự cạnh tranh của các sản phẩm thép giá rẻ nước ngoài và sự tụt hậu về cơ sở vật chất kỹ thuật.
Một số chuyên gia nhận định, đây có lẽ là một trong những giai đoạn khó khăn nhất đối với POSCO kể từ khi thành lập vào năm 1968. Chỉ trong vòng 4 tháng, tập đoàn này đã phải đóng cửa liên tiếp hai nhà máy sản xuất thép lớn tại Pohang. Lợi nhuận trong quý III-2024 cũng giảm 39,8% so với cùng kỳ năm trước. Để vượt qua những thách thức hiện tại, tập đoàn quyết định tiến hành tái cấu trúc toàn diện, bao gồm loại bỏ 125 hạng mục thua lỗ và tài sản không cốt lõi, cắt giảm nhân sự. Được biết, POSCO cũng quyết định bán nhà máy thép duy nhất của mình tại Trung Quốc - Zhangjiagang-Pohang Stainless Steel.
Với Hyundai Steel, nhà sản xuất thép lớn thứ hai của Hàn Quốc, tình hình cũng không khả quan hơn. Theo Chosun Ilbo, Hyundai Steel đang cân nhắc đóng cửa nhà máy Pohang số 2. Thông tin này vấp phải sự phản ứng dữ dội từ công đoàn, do ảnh hưởng đến sinh kế của 400 công nhân của Hyundai Steel và công ty con Hyundai IMC.
Từ nhiều tháng nay, Hyundai Steel phải tiến hành các chương trình bảo trì dài hạn tại nhiều nhà máy của mình để giảm sản lượng. Nhà máy thép Hyundai Steel Dangjin ở tỉnh Chungcheong Nam được bảo trì trong 3 tháng kể từ tháng 9, trong khi nhà máy ở Incheon được bảo trì trong 6 tháng kể từ tháng 2. Theo The Korea Times, lợi nhuận quý III-2024 của Hyundai Steel đã giảm 77,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 51,5 tỷ won (36,6 triệu USD). Khoản lỗ ròng của công ty cũng lên tới 16,2 tỷ won.
Có lẽ chưa lúc nào ngành thép xứ kim chi lại lâm vào thời kỳ đặc biệt khó khăn như hiện nay. Trong bài phát biểu hồi tháng 6, Chủ tịch Tập đoàn POSCO Chang In-hwa đã nhận định: “Ngành thép Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình hình khó khăn nhất từ trước đến nay, do quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon, những bất ổn dai dẳng về môi trường thương mại toàn cầu và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các công ty nước ngoài”.
Theo số liệu từ Hiệp hội Sắt thép Hàn Quốc, trong 9 tháng năm nay, tổng sản lượng thép thô của các công ty Hàn Quốc là 47,64 triệu tấn, thấp nhất trong 14 năm qua. Công suất vận hành nhà máy ở các công ty thép lớn tại Hàn Quốc, vốn đạt gần 90% trong thời kỳ bùng nổ, đang rơi vào giai đoạn giảm liên tục theo năm, thậm chí một số công ty đã giảm công suất xuống mức 60-70%.
Các chuyên gia lo ngại rằng ngành thép, vốn từ lâu đã là “xương sống” hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước và là biểu tượng của các sản phẩm “made in Korea” chất lượng cao, sẽ khó thoát khỏi vũng lầy suy thoái. Nguyên nhân được đưa ra là sự cạnh tranh từ các sản phẩm giá rẻ từ công ty nước ngoài, khả năng bị áp thuế suất cao dưới thời chính phủ mới ở Mỹ, cũng như giá điện và nhiên liệu tăng cao. Hơn nữa, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng nhu cầu thép toàn cầu ghi nhận mức tăng trưởng âm vào năm ngoái và dự báo sẽ chỉ tăng 1% trong năm nay và năm sau.
Để ngăn chặn tình hình diễn biến xấu hơn, mới đây, lãnh đạo thành phố Pohang-trung tâm sản xuất thép của Hàn Quốc-đã triệu tập cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp và tổ chức liên quan nhằm tìm giải pháp khắc phục cuộc khủng hoảng ngành thép địa phương. Tại cuộc họp, các bên bày tỏ lo ngại sâu sắc về tác động của việc đình chỉ hoạt động những công ty thép lớn ở Pohang đến các lĩnh vực sản xuất và nền kinh tế khu vực nói chung; đồng thời chia sẻ ý kiến để tìm giải pháp. Lãnh đạo thành phố Pohang cho rằng, để vượt qua cuộc khủng hoảng trong ngành thép, ngành công nghiệp chính của thành phố, chính quyền địa phương đã kiến nghị Chính phủ Hàn Quốc có các biện pháp khẩn cấp để khắc phục cuộc khủng hoảng ngành thép; xem xét trợ cấp từ chính phủ thông qua việc thực thi hệ thống hạn ngạch, giảm giá điện và giải quyết nhanh những khiếu nại về giá cả cho các công ty thép Hàn Quốc.
Một số ý kiến tại cuộc họp cũng cho rằng ngành thép là ngành công nghiệp chủ chốt của khu vực đang gặp khó khăn do những yếu tố cả bên trong và bên ngoài, nên cần thiết phải có những động thái hỗ trợ tổng thể từ cấp quốc gia và địa phương. Không chỉ cần tích cực hỗ trợ bằng cách nới lỏng các quy định, cung cấp hỗ trợ thuế và tài chính, mà cần có các chính sách kinh tế mạnh mẽ từ cấp quốc gia để tăng cường khả năng phục hồi của ngành thép, bảo vệ những doanh nghiệp chủ chốt trong ngành này.