Câu chuyện 'ở đời và làm người' trên hành trình thi hành án dân sự

Quá trình tác nghiệp, tôi may mắn được gặp, làm việc với nhiều cán bộ, chấp hành viên trong hệ thống Thi hành án dân sự. Nhờ vậy mà được nghe các anh các chị kể, chia sẻ nhiều về chuyện nghề: có chuyện vui, có chuyện buồn, có những dư âm ấm áp còn đọng mãi, nhưng cũng không ít nỗi trăn trở day dứt khôn nguôi…

Đằng sau mỗi vụ thi hành án dân sự không chỉ là câu chuyện của riêng những người trong cuộc, mà ở đó còn có cả buồn vui, trăn trở của những chấp hành viên, những người góp phần giúp công lý được thực thi, khép lại trọn vẹn, thấu lý đạt tình một hành trình tố tụng.

Hy hữu mẹ kế xin giành quyền nuôi con chồng

Thi hành án việc dân sự giao con ai nuôi luôn là câu chuyện khiến chấp hành viên trăn trở, bởi sau cuộc ly hôn, thay vì hai bên ngồi lại với nhau để thỏa thuận việc nuôi con thì lại tranh chấp căng thẳng dẫn đến phải lôi nhau ra nhờ Tòa phán xử. Nhưng thường thì chỉ cha hoặc mẹ đẻ của trẻ mới là người đứng ra tranh chấp để giành quyền nuôi con cho mình. Đằng này, thật hy hữu, người có nguyện vọng xin nuôi con lại là mẹ kế.

Câu chuyện cảm động trên được một nữ cán bộ thi hành án dân sự ở tỉnh Nam Định chia sẻ, việc xảy ra đã mấy năm nhưng chị vẫn nhớ rõ từng tình tiết. Câu chuyện bắt đầu từ việc một thiếu phụ trẻ xin gặp riêng chị để trình bày về nguyện vọng muốn nuôi con chồng.

Cô ấy gọi “bác”, xưng “em” với cán bộ thi hành án bằng giọng quê chân chất, thật thà. Vợ chồng cô đều là công nhân, tiền lương kiếm được phải khéo chi tiêu lắm mới vừa đủ trang trải cho cả gia đình 5 miệng ăn gồm mẹ chồng, hai vợ chồng, con chung của hai người (2 tuổi) và bé Mi (8 tuổi) con riêng của người chồng – mà theo bản án, tới đây vợ chồng cô sẽ phải giao bé Mi về cho mẹ đẻ nuôi dưỡng.

Gia cảnh khó khăn, eo hẹp vậy mà cô ấy vẫn muốn giữ bé Mi ở lại với mình. Lý do cô ấy giãi bày: “Thật lòng, nếu để cháu về với mẹ đẻ, hàng tháng em bớt được một khoản, cũng đỡ khó khăn vất vả cho em hơn. Nhưng làm vậy em thương cháu lắm, em áy náy, không thể yên tâm được. Em là người nuôi nấng cháu từ năm cháu 3 tuổi đến giờ, em hiểu cháu. Cháu đã quen với nếp sống, dạy dỗ của vợ chồng em, quen ở với bà nội. Dù là mẹ kế con chồng, nhưng em nghĩ dù sao cháu ở với em vẫn còn tốt hơn phải sống cùng bố dượng, bác ạ!”

Những lời cô ấy tâm sự vòng vo, có phần “rào trước đón sau” vì sợ mang điều tiếng nói xấu vợ cũ của chồng, cho thấy nỗi lo lắng của cô ấy không phải là không có cơ sở. Mẹ đẻ bé gái là người ham chơi, thiếu trách nhiệm với gia đình, từ khi sinh cháu ra đến giờ chị ta hầu hết để con cho chồng và mẹ chồng nuôi, thậm chí nhiều năm không hỏi han gì đến con, sinh nhật con cũng chẳng màng.

Thế rồi gần đây, chị ta bỗng quay về đòi quyền nuôi con gái. Trong vai một phụ nữ bất hạnh trong cuộc hôn nhân đầy nước mắt, phải bỏ nhà ra đi với quyết tâm thay đổi số phận, giờ đây có điều kiện tốt hơn, chị quyết giành con gái về ở với mình, và chị ta đã thắng kiện.

Cảm động trước tấm lòng của người mẹ trẻ, nhưng ngay lúc đó chấp hành viên cũng không hứa có thể giúp gì cho cô ấy được. Theo lẽ thường, con gái được giao về cho mẹ đẻ cháu nuôi dưỡng là hợp tình hợp lý; và theo quy định, thì những vụ việc giao con cho mẹ đẻ nuôi thường phải được thi hành ngay. Vậy nên nữ chấp hành viên chỉ biết khuyên đương sự hãy cứ yên tâm, tình huống cháu bé về cho mẹ đẻ cũng sẽ rất tốt, không cần phải lo lắng quá.

Thực tế, sau bản án, người mẹ đẻ của bé gái liên tục gây sức ép đòi quyền được nuôi con ngay, để chị ta còn làm thủ tục chuyển hộ khẩu, chuyển trường học cho con đến chỗ tốt hơn. Chấp hành viên “hoãn binh” bằng cách khuyên đợi cho bé kết thúc năm học, để ít gây xáo trộn tâm lý cho trẻ.

Lúc đầu người mẹ đẻ cũng đã đồng ý. Nhưng sau vài lần đón con gái đi chơi, nhận thấy con gái thờ ơ xa lạ với mẹ đẻ nhưng lại rất quyến luyến, thiết tha với mẹ kế thì chị ta tức tối. Thuyết phục con gái không được, chị ta quay ra tố con gái bị đối xử bạc đãi, cuộc sống khổ cực…

Sau khi nghe tâm sự của hai người phụ nữ là mẹ đẻ, mẹ kế của trẻ, sau khi nghe người chồng trình bày, vẫn chưa thực sự yên tâm để đi đến quyết định đúng đắn nhất, nữ chấp hành viên đã thân chinh tìm đến tận nhà đương sự, nói là vận động tự nguyện thi hành án giao con, nhưng thực ra là để xem xét gia cảnh, nơi ăn chốn ở của trẻ, cách mẹ kế đối xử với con chồng như thế nào? Đến nơi, nữ chấp hành viên thấy ngôi nhà tuy nhỏ nhưng ngăn nắp, có bộ bàn ghế xinh xắn gọn gàng dành riêng cho bé Mi học tập mỗi ngày.

Nhìn bé gái quần áo tươm tất, tóc tết đuôi sam mềm mại, chỉn chu, rõ ràng là đứa trẻ được chăm sóc chu đáo. Rồi nhìn cái cách bé gái nép vào mẹ kế, sợ sệt nhìn bộ đồng phục của bác cán bộ thi hành án mà thì thầm run rẩy: “Mẹ ơi cứu con, đừng để các bác ấy bắt con đi” làm nữ chấp hành viên xúc động ứa nước mắt.

Khi chứng kiến đứa trẻ hạnh phúc bên người mẹ kế, chấp hành viên đã nỗ lực thuyết phục, "mưa dầm thấm lâu" để người mẹ đẻ hiểu ra câu chuyện ( Ảnh minh họa)

Khi chứng kiến đứa trẻ hạnh phúc bên người mẹ kế, chấp hành viên đã nỗ lực thuyết phục, "mưa dầm thấm lâu" để người mẹ đẻ hiểu ra câu chuyện ( Ảnh minh họa)

Nữ chấp hành viên tâm sự, trẻ con nhạy cảm lắm, ai yêu thương nó thật lòng nó cảm nhận được hết, và nó thể hiện tình cảm với người mà nó yêu thương cũng rất thật lòng!

Sau vài lần đến để lập biên bản giao con không thành, thấm thoát bé Mi đã 9 tuổi. Theo quy định của Luật Hôn nhân Gia đình thời điểm đó, giao trẻ từ đủ 9 tuổi cho ai nuôi cần phải thêm thủ tục hỏi nguyện vọng của trẻ nữa. Sau những lần chuyện trò, động viên, chia sẻ, thuyết phục, “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng thì người mẹ đẻ của cháu bé hiểu ra, không còn căng thằng chuyện đòi con.

Vậy là một vụ việc thi hành án từ chỗ phải cưỡng chế giao con đi đến kết quả hai bên đương sự thỏa thuận tự nguyện tự giải quyết ổn thỏa với nhau. Cán bộ thi hành án cũng thở phào nhẹ nhõm vì vụ việc được giải quyết hài hòa, hợp lý hợp tình.

“Cảm ơn cán bộ THADS đã giúp giải tỏa tâm lý cho em. Giờ em đã hiểu rằng con ở với ai không quan trọng bằng việc làm thế nào để con sống vui vẻ, hạnh phúc và ít sang chấn tâm lý nhất. Em thấy mừng vì con gái em đang có một cuộc sống rất ổn, con có hai người mẹ, hai gia đình để đi về!”- mẹ đẻ của bé gái trải lòng.

Bí mật “Quỹ hỗ trợ án phí” và niềm tin “Ngày mai là một ngày mới”

Câu chuyện cảm động này do vị cán bộ hưu trí nguyên là cán bộ văn phòng một cơ quan THADS tại Hải Phòng kể lại, liên quan đến chuyện án phí dân sự. Hồi đó, ông làm thủ quỹ cơ quan, được giao nhiệm vụ thu án phí dân sự trong các bản án nộp vào ngân sách. Hồi đó, đương sự hoàn thành nghĩa vụ án phí phải đến nộp trực tiếp tại cơ quan thi hành án dân sự, hoặc nộp tiền vào kho bạc nhà nước.

Người đến nộp tiền thi hành nghĩa vụ dân sự theo bản án hình sự hôm đó là một cô gái còn rất trẻ, chỉ tầm tuổi con gái ông ở nhà. Tò mò liếc qua bản án, ông nén tiếng thở dài khi thấy trẻ thế mà cô ta từng là gái bán hoa, lại còn phạm tội “Chứa mại dâm”. Câu chuyện của cô thật đau lòng, tưởng như chỉ có trên phim ảnh.

Cô gái nghèo từ quê lên thành phố thuê trọ, kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Không có bằng cấp, tay nghề nên ban đầu cô làm chân giúp việc cho một quán gội đầu - massge, và rồi sa chân vào chốn hồng trần.

Số tiền cô kiếm được từ việc mua vui cho khách làng chơi không đủ để thuốc thang, trang trải cho hai mẹ con nên cô còn dắt mối “bán hoa” và dùng chính căn phòng trọ của mình làm “bãi đáp”. Khách của các cô toàn là những người lao động quanh xóm trọ nghèo, nên số tiền kiếm được cũng bèo bọt, chỉ vài chục ngàn cho mỗi “cua” ở thời điểm đầu những năm 2000.

Hành nghề chừng hơn 5 tháng thì bị bắt. Cơ quan điều tra xác định số tiền thu lợi bất chính do phạm tội mà có lên tới cả triệu đồng, bị buộc sung công quỹ; ngoài ra cô còn phải nộp khoản án phí sơ thẩm hình sự là 50.000 đồng.

Chấp hành án xong một thời gian thì cô đến xin nộp án phí, do không nghĩ còn phải nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính nên cô không chuẩn bị trước, đến khi vét cả túi tiền cũng vẫn không có đủ.

Nghe cô khẩn khoản trình bày, cô phải chắt bóp dành dụm khá lâu mới có chừng này tiền… Cô đã dự định đóng án phí xong sẽ đi làm ăn xa, để quên đi quá khứ; nhà trọ cô đã trả, vé xe khách cô cũng đã đặt mua… “Giờ thì con biết tính làm sao hả chú?”- cô hỏi thẫn thờ.

Hiểu tình cảnh của cô, lập tức ông quả quyết ngay rằng không có sao hết, nhà nước có Quỹ hỗ trợ cho những trường hợp đặc biệt khó khăn như cháu, cháu yên tâm, Quỹ sẽ nộp đủ số còn lại để cháu có Biên lai hoàn thành nghĩa vụ thanh toán án phí, đến thời hạn đương nhiên được xóa án tích.

Là ông nói vậy cho cô ta không cảm thấy áy náy thôi; chứ thực ra làm gì có cái Quỹ đó đâu. Mà sự thật là ông cũng vừa mới lĩnh lương ban chiều nên ông tự ý trích ra một khoản giúp đương sự. Rồi thì tối về nhà, ông lại phải nghĩ cách “giải trình” về lý do tại sao lương tháng này thiếu hụt để thuyết phục được “Thủ trưởng Vợ”. Hồi đó, đồng lương cán bộ thi hành án eo hẹp, trong khi giá cả leo thang, con cái học hành tốn kém; mà nhìn chung mặt bằng cuộc sống hồi đó ai cũng đều khó khăn như nhau.

Giao Biên lai thu tiền cho đương sự xong, ông chân thành chúc cô may mắn, bình an khi đến vùng đất mới và khuyên cô hãy chọn con đường làm ăn tử tế, lương thiện, sau cú vấp ngã đau đớn đầu đời càng phải thận trọng hơn!

Ông khuyên cô những lời chân tình như của một người bác, một người cha dành cho con cháu mình: “Cháu ạ, sự tử tế, không phải chỉ là để ta hướng tới mà phải là lựa chọn đúng đắn. Dù cho muôn vàn trái ngang nghịch cảnh đang ngáng trở, nhưng nếu ta biết nghĩ đó chỉ là thử thách thì nhất định sẽ có cách vượt qua. Cháu còn trẻ, đời còn dài, chỉ cần cháu quyết tâm làm lại, xét cho cùng thì ngày mai là một ngày mới!”

Cô gái trẻ xúc động mạnh, hai hàng nước mắt cứ thế giàn xuống má không sao ngăn được… Cô nghẹn ngào lí nhí: “Con mang ơn chú, con sẽ làm lại, con sẽ sống tử tế…!”

…Chuyện bẵng đi cả chục năm, những bộn bề công tác, lo toan cuộc sống khiến ông lãng quên cảnh ngộ đáng thương của cô gái năm nào. Cho đến đợt giáp Tết năm trước, ông dự đám tiệc báo hỉ của một người cháu họ đi làm ăn, lập nghiệp, cưới vợ trong Nam, cuối năm đưa vợ về quê ra mắt họ hàng.

Bữa tiệc đông vui, có nhiều lời khen dành cho chú rể giỏi giang thành đạt và cô dâu xinh đẹp, hiền thảo, biết làm ăn. Nghe nói hai người đều là dân miền Bắc vào Nam làm ăn, gặp nhau rồi nên duyên. Khi đôi vợ chồng mới đến bàn mời rượu, ông sững sờ nhận ra cô dâu xinh đẹp giỏi giang mà mọi người ngưỡng mộ chính là cô gái bán hoa tội nghiệp - đương sự đến nộp tiền án phí cho ông năm nào.

Nghề thi hành án chứng kiến nhiều cảnh đời, nhiều số phận ( Ảnh Minh họa)

Nghề thi hành án chứng kiến nhiều cảnh đời, nhiều số phận ( Ảnh Minh họa)

Cô dâu cũng nhận ra ông ngay, sau phút bối rối ban đầu, gương mặt đang tràn trề hạnh phúc của cô bỗng trĩu nặng lo âu. Ông, bằng sự từng trải và bản lĩnh, lập tức bình thản điềm nhiên, giữ thái độ không hề quen biết với cô dâu; sau đó thì ông cáo bận xin phép ra về sớm.

Thực lòng ông thấy mừng cho cô ấy, mừng như thể đó là người thân, con cháu của mình cuối cùng đã gặp may mắn, hạnh phúc, sau tất cả những khổ đau, sóng gió. Và ông nguyện sẽ giữ kín bí mật về cô gái đương sự năm nào, với niềm tin cuộc sống: Ngày mai là một ngày mới!

Vị cán bộ thi hành án hưu trí kể tiếp, sau đó ít lâu, qua facebook, cô gái ấy chủ động nhắn cho ông một đoạn khá dài, ông đọc thấy trong đó có nhiều lời cảm ơn và cả nước mắt. Cô ấy nói lời xin lỗi vì hôm đám tiệc đã không dám nhận ông để nói lời cảm ơn ông, dù trong lòng cô luôn coi ông là một ân nhân!

Cô nói hồi đó cô vẫn đinh ninh rằng mình được hỗ trợ tiền án phí, mãi sau này mới biết được sự thật là vị cán bộ lớn tuổi đã tự tiền túi giúp cô. Hiểu điều đó cô càng cảm kích bội phần. Ân huệ đó của ông, cô chỉ biết sống thật tử tế, cô đã cố gắng thật nhiều, hành thiện tích đức như là cách cảm ơn cuộc đời này!

Và bây giờ, cô nói cô còn mang ơn ông lần nữa vì ông đã giữ cho cô một phần đời, một phần bí mật để đời trong thời tuổi trẻ dại khờ… Cô thú thật, đến giờ chồng và gia đình chồng vẫn chưa biết và không hề nghi ngờ quá khứ của cô; nhưng dù vậy, đến thời điểm nào đó thích hợp, cô sẽ nói.

Đọc tin nhắn của cô, ông nhẹ nhàng thả tim, chúc phúc cho cô mà thấy trong lòng bình an, nhẹ nhõm lạ thường. Ông bảo, chuyện có gì đâu mà ân huệ, ở hoàn cảnh đó, ai cũng sẽ xử sự như ông, vì đó là tình người Thi hành án dân sự!

Lấp lánh những câu chuyện “ở đời và làm người!”

Quá trình tác nghiệp, tôi may mắn được gặp, làm việc với nhiều chấp hành viên, cán bộ trong hệ thống THADS. Nhờ vậy mà được nghe các anh các chị kể, chia sẻ nhiều về chuyện nghề: có chuyện vui, có chuyện buồn, có những dư âm ấm áp còn đọng mãi, nhưng cũng không ít nỗi trăn trở day dứt khôn nguôi…

Nhiều anh chị nhận xét, nói đến chuyện nghề THADS thì bát ngát bao la lắm, nó muôn mặt như chính cuộc sống này. THADS là một mảng của công tác Tư pháp, mà nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “Suy cho cùng thì công tác Tư pháp là vấn đề ở đời và làm người!” Vậy nên chuyện nghề THADS, nói ngắn gọn cũng không ngoài câu chuyện ở đời và làm người của người và ngành Tư pháp chúng ta - bà Phạm Thị Đương, nguyên Cục trưởng Cục THADS tỉnh Nam Định chia sẻ.

Trong chặng đường mấy chục năm công tác, tham gia thi hành hàng ngàn vụ việc trong đó có nhiều chuyên án lớn, phức tạp, nhưng điều khiến bà Phạm Thị Đương trăn trở nhiều nhất lại là khi phải cưỡng chế thi hành án những vụ chia thừa kế. Rốt cục, đằng sau mỗi vụ chia thừa kế, không có ai là người thắng cuộc; bởi thua hay thắng thì cõi lòng cũng đều tan nát như nhau!

Và người cán bộ thi hành án không trĩu nặng tâm tư sao được, dù đã dày công thuyết phục các đương sự vốn là anh em máu mủ ruột rà hòa giải tự nguyện thi hành nhưng vẫn không xong, buộc lòng phải tiến hành cưỡng chế thi hành án. Buồn lắm! Khi phải cắm mốc phân chia ranh giới ngôi nhà này là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm của cả bên nguyên lẫn bên bị, bậc thềm này từng in dấu chân mà những “khúc ruột trên, khúc ruột dưới” từng tập bò, tập đi chập chững những bước đầu đời; khoảng sân rêu nhắc những lần em ngã được anh dìu đỡ; mảnh vườn xanh mát những gốc cây ăn quả từng mấy lần quét vôi trắng theo phong tục để chịu tang cha mẹ, người thân của cả nguyên đơn lẫn bị đơn… Là người ngoài cuộc mà còn tâm tư day dứt thế, cắt đất phân chia mà như cắt tình cắt nghĩa, hỏi làm sao không buồn!

Anh Nguyễn Chí Công (chấp hành viên Cục THADS tỉnh Lai Châu) với trên 30 năm kinh nghiệm trong nghề thì chia sẻ một kỷ niệm “cười ra nước mắt” thời mới vào nghề. Hồi đó anh công tác ở Đội THADS huyện Phong Thổ. Ba chục năm trước, cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số nơi đây rất khó khăn, người dân hầu như không có tiền mặt, tài sản thì chỉ có vật nuôi như trâu, bò, lợn, gà.

Vụ cưỡng chế bồi thường theo bản án hình sự Cố ý gây thương tích hôm ấy ở xã Sùng Phài, đối tượng thi hành án chây ì không chịu bán gia súc để bồi thường theo bản án, vận động thuyết phục mãi không xong nên buộc lòng cơ quan THADS phải tổ chức cưỡng chế.

Quy trình cưỡng chế cũng gian nan, thậm chí phải “mật phục” mới bắt được con trâu để dắt về trụ sở xã để tổ chức bán lấy tiền giao cho bên được thi hành. Chấp hành viên thì toàn thư sinh “trói gà không chặt”, dắt trâu một đoạn đường thôn mà vã mồ hôi, chỉ nơm nớp lo nhỡ bị nó húc, hay nó sổng chạy mất thì khổ!

Đến khi mang được trâu về xã chờ bán thì lại lo chăm nuôi nó, cái giống trâu bản quen chăn thả hoang dã nên cọc một chỗ nó cứ cuồng chân lồng lên; vậy nên cán bộ lại phải kiêm nhiệm chăn trâu. Lại lo nhỡ để mất con trâu thì anh em xác định luôn mất mấy tháng lương mới đủ đền bù.

Đúng là cười ra nước mắt, vất vả nhưng mà lại rất vui. Cũng may, sau đó, nhờ kiên trì khéo léo thuyết phục vận động, cuối cùng đương sự thu xếp đủ tiền bồi thường cho người được thi hành án để dắt trâu về nuôi. “Đến giờ, thỉnh thoảng anh em đồng nghiệp cũ gặp nhau chúng tôi vẫn hát “Ai bảo chăn trâu là khổ” để thấy thêm thân thương, gắn bó với công tác THADS!” - anh Công chia sẻ.

Anh Nguyễn Chí Công (chấp hành viên Cục THADS tỉnh Lai Châu) nhận Huy hiệu 30 năm tuổi đảng

Anh Nguyễn Chí Công (chấp hành viên Cục THADS tỉnh Lai Châu) nhận Huy hiệu 30 năm tuổi đảng

Với chị Lương Thị Phương Thảo, chấp hành viên Chi cục THADS huyện Gia Bình (tỉnh Lạng Sơn), gắn bó với công tác ở huyện miền núi khó khăn đã nhiều năm, chị Thảo luôn kết hợp kiến thức pháp luật với kinh nghiệm, phong tục văn hóa địa phương để thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án bằng cả tấm chân tình, nhiều vụ thành công hơn cả mong đợi.

Năm trước, chị và đồng nghiệp thụ lý giải quyết một vụ tranh chấp đất tại một bản vùng sâu, khi xuống xác minh điều kiện thi hành án thấy vợ chồng đương sự là người cao tuổi, hoàn cảnh quá khó khăn, nên khi thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành bản án xong, đến lượt chị lại vận động anh em đồng nghiệp chung tay mua một số vật phẩm là chăn màn, quần áo, nhu yếu phẩm tặng cho hai vợ chồng già làm họ cảm động rơi nước mắt.

Chị Thảo kể thêm, có nhiều vụ đã giải quyết xong xuôi, nhưng thi thoảng đương sự cũ vẫn gọi điện cho cán bộ THADS để xin tư vấn pháp luật, hoặc đôi khi chỉ là muốn tìm chỗ dựa tin cậy để sẻ chia, tâm sự. Niềm hạnh phúc của người cán bộ THADS đôi khi chỉ đơn giản vậy, nhưng không phải nghề nào cũng có!

Chị Lương Thị Thanh Thảo tặng quà đương sự

Chị Lương Thị Thanh Thảo tặng quà đương sự

Trong câu chuyện của chị Trần Thị Ngọt - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thì dường như chuyện nghề với chuyện đời là một. Xuất thân là nữ sinh chuyên Lý của Trường Chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định, cô gái vùng quê biển Hải Hậu (Nam Định) đến giờ vẫn cảm thấy thật may mắn khi cơ duyên đã cho chị được gắn bó trọn đời với ngành THADS huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, “thuyền theo lái, gái theo chồng”, chị về công tác tại huyện Kim Sơn, rồi gắn bó với công tác THADS đến nay đã ngót ba chục năm. Kim Sơn là huyện ven biển, nơi có nhiều đồng bào công giáo sinh sống, số lượng án không nhiều, án lớn, án điểm cũng điểm ít hơn so với nhiều nơi, nhưng độ nan giải khiến chấp hành viên phải đau đầu, “cân não” để hoàn thành nhiệm vụ thì cũng không thiếu - theo chị Ngọt chia sẻ.

Gắn bó, dốc lòng với công tác THADS cơ sở, chị Ngọt thực sự thấy vui mừng và tự hào khi chứng kiến những bước chuyển mạnh mẽ của Ngành Tư pháp nói chung, trong đó có hệ thống THADS trong công cuộc chuyển đổi số. Và chị, cũng không tránh được tâm tư khi nghĩ đến thời điểm các Chi cục THADS sự sẽ chấm dứt hoạt động theo chủ trương chung. “Đắng ngọt trong nghề thì nhiều lắm, nhưng nếu được lựa chọn lại, chắc mình vẫn chọn nghề THADS” - chị Ngọt chia sẻ.

…Hà Nội trong những năm tháng Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ của công tác Tư pháp, công tác Thi hành án dân sự của năm 2025 với nhiều ngày kỷ niệm lớn của Ngành. Xin được khép lại bài viết bằng tâm niệm chị Phạm Thị Đương: “Nói về chuyện nghề THADS thì nhiều không kể xiết, nhưng tựu chung lại cũng chính là câu chuyện “ở đời và làm người” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về người Tư pháp và ngành Tư pháp của chúng ta”.

Lưu Quỳnh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cau-chuyen-o-doi-va-lam-nguoi-tren-hanh-trinh-thi-hanh-an-dan-su-post549072.html
Zalo