Câu chuyện nhận tiền chuyển khoản nhầm: 'Đừng để lòng tham làm mờ con mắt'

Vụ việc một số cá nhân chiếm đoạt trái phép số tiền người khác chuyển nhầm vào tài khoản nhận nhiều phản ứng từ bạn đọc.

Tuần qua, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Nhận chuyển khoản nhầm, hoàn ngay khổ chủ” của TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM. Bài viết phân tích về hành vichiếm giữ trái phép tài sản của người khác và những hậu quả pháp lý phải gánh chịu với hành vi này.

Câu chuyện nhận tiền chuyển khoản nhầm nhận được nhiều sự quan tâm bình luận của bạn đọc:

Đặt bản thân vào hoàn cảnh người chuyển nhầm

“Tôi rất bức xúc với cách làm của những người như vậy! Biết là khi thấy tiền, đặc biệt là một số tiền lớn như vậy thì người ta dễ sinh lòng tham. Tuy nhiên, hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của người chuyển nhầm tiền cho mình để hiểu được nếu mình bị mất số tiền như thế thì mình sẽ phản ứng thế nào. Đáng nói hơn cả, nếu đó là số tiền do mình vất vả làm ra hoặc vừa được vay vốn để làm ăn thì có phải bản thân sẽ cảm thấy như rớt xuống vực thẳm không? Làm ơn đừng để đồng tiền làm mờ con mắt!”, bạn đọc Võ Minh bức xúc.

 Nhận tiền chuyển khoản nhầm mà không chịu hoàn trả,

Nhận tiền chuyển khoản nhầm mà không chịu hoàn trả,

“Trong cuộc sống, cái gì cũng có sơ suất, người ta chuyển nhầm thì nên tìm cách trả lại ngay. Dẫu biết rằng, ma lực của đồng tiền là vô cùng lớn, nhưng không phải của mình thì dứt khoát không được đụng đến. Trong một số trường hợp, có khi trả lại người ta đền ơn mình, người ta nhớ mình mà từ đó ăn nên làm ra, chỉ có tiền chính mình làm ra thì mới xứng đáng với công sức của mình mà không cần phải quan tâm dính vòng lao lý!”, bạn đọc Võ Đạt tâm sự.

“Thật đáng buồn thay, chỉ vì hành động bồng bột, tham lam của một số người cũng có thể gây ra một ảnh hưởng rất nặng. Hãy tưởng tượng, bạn nhận được một số tiền khổng lồ. Đúng là số tiền ấy có thể giúp bạn vượt qua khó khăn lúc đó, ăn chơi, tiêu xài hoang phí,.. Tuy nhiên nó cũng có thể là một niềm hi vọng của một người (tiền vay đóng viện phí), một công cụ giúp chắp cánh ước mơ (tiền đóng học phí) cho các học sinh vượt khó. Bạn hãy thử đặt bản thân mình vào vị trí của những người khi họ mất đi số tiền đó như vậy, có phải là bạn đã mất đi một nguồn hi vọng và bị đẩy vào đường cùng không? Ở một số người, họ thậm chí còn tìm đến cái chết để giải thoát, thế có phải là hành động của bạn đã gián tiếp cướp đi mạng sống của 1 con người hay không?”, bạn đọc Thảo Nguyễn phân tích.

Chưa có giải pháp triệt để để hoàn lại số tiền chuyển nhầm

“Bản thân mình cũng chuyển khoản nhầm 15 triệu cho người khác đến nay đã được nửa tháng rồi mà mình vẫn chưa nhận được phản hồi của họ. Mình đã báo bên ngân hàng và cũng đã nhận được thông báo là ngân hàng đã gửi công văn cho bên nhận nhầm yêu cầu hoàn lại số tiền cho mình”, bạn đọc Duy Khang chia sẻ.

“Tôi thấy có nhiều người đưa ra quan điểm: “Tiền của bạn giữ không xong thì ai chịu trách nhiệm cho bạn”. Tôi thấy rất vô lý vì đôi khi trong cuộc sống, mình sẽ có những sai sót và có thể chuyển nhầm số tiền cho người khác. Vì thế, nên có những chính sách để bảo vệ cho người chuyển nhầm để tránh những mất mát không đáng có”, bạn đọc Lan Hương góp ý.

Bạn đọc Nam Võ lại có một quan điểm trái ngược rằng: “Tiền của bản thân của mình giữ còn không được thì trách ai bây giờ! Nên có chế tài xử lý người chuyển khoản nhầm tiền. Rất phiền! Họa tự dưng trên trời rơi xuống, đâu phải ai cũng làm chủ được đồng tiền. Thử nghĩ, gia đình bạn đang rất khó khăn và người thân đang nguy kịch, tự dưng có một cục tiền rơi xuống thì bạn có dám chắc là bạn sẽ không đụng tới nó không?”.

SONG MINH (Tổng hợp)

Nguồn PLO: https://plo.vn/cau-chuyen-nhan-tien-chuyen-khoan-nham-dung-de-long-tham-lam-mo-con-mat-post803424.html
Zalo