Câu chuyện hôm nay: Tận dụng nguồn lực xã hội cổ phần hóa đăng kiểm
Kể từ vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và trung tâm đăng kiểm các tỉnh, thành phố. Hiện các trung tâm đăng kiểm trên cả bước đang dần hoạt động ổn định trở lại. Nhiều giải pháp đã được tăng cường nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc phương tiện kiểm định, đảm bảo duy trì ổn định hệ thống cũng như ngăn ngừa tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm.
Quyết định 17/2024 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/12/2024 quy định về danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành Công ty Cổ phần đã bổ sung thêm 3 ngành, lĩnh vực gồm kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; Kiểm định xây dựng và Kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa. Theo đó, việc Cổ phần hóa vừa giúp giảm chi phí đầu tư của Nhà nước, vừa tạo sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các đơn vị đăng kiểm. Điều này cũng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải trong việc xây dựng Đề án tách bạch công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có 279/299 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, với tổng nhân lực khoảng 1.900/2.014 đăng kiểm viên. Lượng xe đến kiểm định lớn nhất cũng chưa bằng 70% năng lực toàn hệ thống. Do đó, công suất kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm vẫn đang dư thừa.
Theo Quyết định 17/2024 của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 10/12/2024), đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa (trừ lĩnh vực đăng kiểm tàu biển và công trình biển) sẽ chuyển đổi sang Công ty Cổ phần, Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Quy định này được ngành đăng kiểm nhận định giúp tạo môi trường bình đẳng giữa các đơn vị. Đồng thời, tạo ra xu hướng nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong khi số lượng các trung tâm đăng kiểm ngày càng tăng, để cổ phần hóa hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần sớm ban hành giá dịch vụ kiểm định mới. Mức tăng phải đảm bảo nguồn thu của trung tâm để có thể chi trả được các khoản chi phí, trả lương phù hợp cho người lao động. Đồng thời tạo sức hấp dẫn cho nhà đầu tư cũng như phòng, chống tình trạng tiêu cực như trước đây.
Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng, hoàn thiện Đề án "Đổi mới công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm" theo hướng tách chức năng quản lý Nhà nước với cung cấp dịch vụ công. Trong đó, sẽ thành lập các trung tâm sự nghiệp công lập để quản lý các đơn vị đăng kiểm. Khi đề án được thông qua, các trung tâm sự nghiệp công lập đi vào hoạt động, trong 3 năm sẽ rà soát, đánh giá có nên cổ phần hóa hay không cũng như kế hoạch, lộ trình việc cổ phần hóa./.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chương trình!